Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn:

Báo cáo tác động môi trường của nhiều dự án thủy điện “có vấn đề”

Thứ Ba, 11/06/2013, 08:45
Ngày 10/6, bên lề hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) Lê Kế Sơn cho biết, có ít nhất 10% báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các dự án thủy điện “có vấn đề” sau khi hậu kiểm.

PV: Việc để cho nhiều địa phương thẩm định, phê duyệt các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã dẫn tới việc cấp phép tùy tiện, tạo ra nhiều hệ lụy về môi trường, sinh thái. Ông nhận định như thế nào trước thực tế này?

Ông Lê Kế Sơn: Có nhiều cơ quan tiến hành thẩm định báo cáo ĐTM, trong đó Bộ Tài nguyên – Môi trường chỉ thẩm định các dự án có công suất lớn (trên 60MW), xâm phạm rừng đặc dụng, vườn quốc gia; các dự án vừa và nhỏ thuộc phạm vi hành chính của địa phương sẽ do địa phương thẩm định, cấp phép. Ở các địa phương, do hạn chế về nhân lực và trình độ nên đã có tình trạng phê duyệt dễ dãi. Thẩm định ĐTM là lĩnh vực khó, đòi khỏi phải có chuyên gia có chứng chỉ về ĐTM, có kinh nghiệm lâu năm.

PV: ĐTM là công cụ ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư nhưng có ít nhất 10% ĐTM “có vấn đề” sau khi hậu kiểm. Đó là những vấn đề gì thưa ông?

Ông Lê Kế Sơn: ĐTM là công cụ quan trọng để chủ đầu tư làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường cũng như giúp cơ quan phê duyệt tránh được những sai sót. Tuy nhiên, báo cáo ĐTM của nhiều dự án có yếu tố bất ổn. Ví dụ, chủ đầu tư thường chỉ báo cáo diện tích chiếm dụng lòng hồ nhưng lại không tính diện tích đường làm vào thủy điện, các công trình phụ phục vụ thủy điện… dẫn đến không báo cáo đầy đủ mức độ tổn hại rừng. Mặt khác, khi chiếm dụng rừng, về nguyên tắc chủ đầu tư phải trồng bù nhưng địa phương không bố trí được quỹ đất. Thêm vào đó, khi xem xét thủy điện ở thượng lưu mà không đánh giá mối liên hệ với thủy điện ở hạ lưu thì bất cập lớn trong điều tiết nước. 

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, không nên biến ĐTM từ công cụ khoa học thành công cụ hành chính, gây phiền hà cho chủ đầu tư. Để tránh lãng phí, chủ đầu tư chỉ cần làm báo cáo ĐTM sơ bộ để xin chủ trương đầu tư, nếu được chấp thuận mới cần làm ĐTM chi tiết?

Ông Lê Kế Sơn: Thế giới đã làm như thế, đó là cách làm hay. Có những chủ đầu tư phải chi rất nhiều tiền cho công tác nghiên cứu tiền khả thi, nếu không được phê duyệt, chủ đầu tư sẽ thiệt hại rất lớn, suy cho cùng đó là thiệt hại của xã hội. ĐTM cần phải điều chỉnh để tránh sự lãnh phí đó. Đối với các dự án cần phải xin chủ trương đầu tư, có rủi ro cao thì chủ đầu tư cần làm ĐTM sơ bộ, khi được chấp thuận chủ trương mới tiến hành các thủ tục xây dựng dự án.

PV: Trước đây, chúng ta ồ ạt phát triển thủy điện là do thiếu điện. Nay sản lượng điện hàng năm rất dồi dào, trong khi nguồn thủy năng của các dòng sông đã tận dụng gần như hết, theo quan điểm của ông, chúng ta có cần thiết phải cấp phép xây dựng thủy điện mới hay không?

Ông Lê Kế Sơn: Không phải thế giới không có lí khi dừng cấp phép thủy điện bởi những hệ lụy do nó gây ra. Tôi vẫn ủng hộ thủy điện nhưng phải được xem xét cẩn thận, trong mối quan hệ tổng thể với môi trường, đa dạng sinh học chứ không chỉ đơn thuần ở góc độ kinh tế.

PV: Gần đây, câu chuyện thủy điện Đồng Nai 6, 6A đang làm nóng dư luận. UBND tỉnh Đồng Nai liên tiếp kiến nghị hủy bỏ việc xây dựng Đồng Nai 6, 6A trong khi chủ đầu tư là Tập đoàn Đức Long Gia Lai lại thể hiện quyết tâm thực hiện dự án. Cá nhân ông nghĩ sao?

Ông Lê Kế Sơn: Hiện tại, Đức Long Gia Lai vẫn đang hoàn chỉnh báo cáo ĐTM để gửi Cục thẩm định và đánh giá tác động môi trường. Bộ vẫn chưa phê duyệt. Chủ đầu tư phải làm rõ hơn thông tin số liệu về mức độ tổn thương rừng, biến đổi dòng chảy, tác động đến Vườn quốc gia Cát Tiên… Quyết định cuối cùng thuộc về Quốc hội.

PV: Xin cảm ơn ông

Khánh Vy (ghi)
.
.
.