"Bao Công" của khu phố

Thứ Tư, 30/09/2009, 14:35

Ở khu phố, hễ có cặp vợ chồng nào rục rịch đưa nhau ra tòa là anh cất công tìm hiểu để hàn gắn, làm cho gương vỡ lại lành. Đối với những cuộc bội tín anh dùng đạo lý ở đời để vận động, thuyết phục các bên ý thức được có vay thì có trả, xem đó là một bản án có hiệu lực pháp luật, thi hành đến nơi đến chốn.

Đối với anh Trần Văn Thiều, trưởng khu phố 3, phường 3, TP Tân An (Long An) con người sống phải có đôi. Vì vậy, anh không ngại mất thời gian để hòa giải, hàn gắn những cuộc hôn nhân có nguy cơ đổ vỡ.

Mấy năm trước, ở khu phố 3 có nhiều ông chồng là đệ tử của "lưu linh", sáng say, chiều xỉn quên mất trách nhiệm làm chồng, làm cha. Đã vậy, họ còn mượn rượu đánh đập vợ, con, ghen tuông vô cớ. Từ đó, ở khu phố 3 ngày càng có nhiều bà vợ gởi đơn ra tòa xin ly hôn, hoặc bỏ về nhà cha mẹ ruột sinh sống. Xót xa trước thực trạng này, anh Thiều bỏ công tiếp cận những ông chồng nát rượu để khuyên giải.

Người đầu tiên anh gặp là anh N.V.T. có cô vợ đẹp người, đẹp nết là T.T.T.Tr. Khi ngồi lại với nhau, câu đầu tiên anh Thiều hỏi T. "Chú mầy còn yêu vợ, thương con không?". "Còn! Sao ông hỏi kỳ vậy?" - T trừng mắt đáp. Anh Thiều hỏi tiếp: "Còn sao đi làm không đem tiền về cho vợ nuôi con? Còn sao chú mầy để mấy đứa nhỏ nghỉ học? Vợ chú mầy hiện không có tiền đóng học phí, mua sách vở cho mấy đứa nhỏ kìa? Còn sao xin ly hôn?". Nghe tới hai chữ "ly hôn" T. đâm ra hốt hoảng: "Đâu có! Đâu có! Con tuyệt đối không làm chuyện đó".

Đến đây, anh Thiều mới nói thực vừa nhận đơn ly hôn của Tr., trong đó nói rõ do chồng rượu chè bê tha, bỏ mặc vợ con sống trong nghèo khổ. Tr đã nhiều lần đi xin cơm nguội hàng xóm cho hai đứa con đỡ đói lòng. Nghe đến đây, anh Thiều thấy khóe mắt của T. đo đỏ tỏ vẻ hối hận. T. cũng không ngần ngại nhờ anh Thiều cứu vãn tình thế bằng cách động viên Tr. rút đơn xin ly hôn. Anh Thiều nhận lời với điều kiện làm cam kết bỏ bớt nhậu nhẹt, đi làm đem tiền về giao cho vợ nuôi con. Nếu làm được như vậy thì anh sẽ vận động bà con trong khu phố giúp đỡ mua quần áo, tập vở cho hai đứa con T. trở lại trường.

Sau khi T. làm cam kết, anh Thiều động viên Tr. rút đơn và hứa sẽ giám sát gắt gao việc T. có thực hiện lời hứa hay không. Nhờ vậy, T. đã giảm nhậu hẳn, tiền công kiếm được hàng ngày đều mang về đưa vợ, anh chỉ giữ lại khoảng 10% tiêu xài. Hai đứa con anh nhờ đó mà chăm học, đạt khá giỏi.

Chẳng thua kém gì T., ở khu phố 3 còn có anh Tr., anh S. bị vợ bỏ chỉ vì rượu chè bê tha. Với biện pháp tiếp cận tìm hiểu, phân tích đạo lý làm chồng, làm cha cho Tr. và S. thấu hiểu, sau đó bắt làm cam kết bỏ rượu vì cuộc sống gia đình…

Anh Trần Văn Thiều, Trưởng khu phố 3, phường 3, TP Tân An vừa làm"quan tòa" vừa làm "thi hành án".

 Ông T., tuổi gần 60, goá vợ, quê ở Vũng Tàu đến khu phố 3 chung sống như vợ chồng với bà Ng., nhỏ hơn 17 tuổi. Trong thời gian sống chung, ông T. đưa bà Ng. 6 cây vàng và 10 triệu đổng để cất nhà ở chung. Ngay khi nhà xây xong, bà Ng. nói lời chia tay với ông T, không cho ông vào căn nhà mới của mình. Bị hắt hủi ông T. đòi lại vàng, tiền đã giao cho bà Ng., ngặt nỗi khi đưa ông không làm biên nhận nên không thể thưa ra tòa.

Hết cách, ông T.. tìm đến nhờ anh Thiều giải quyết. Lúc đầu bà Ng.. không thừa nhận có nhận vàng của ông T., nhưng qua cách động viên của anh Thiều "có nhận thì có trả, đó là đạo lý làm người" thì bà Ng. thừa nhận. Qua đó, bà xin khu phố hòa giải để bà trả mỗi năm 1 cây vàng. Cuộc hòa giải thành, bà Ng.. giao ngay cho anh Thiều 1 cây vàng của năm thứ nhất để anh giao cho ông T.

Bà T. M. từ Mỹ bay về TP Tân An chắp nối với ông Nh. vừa chết vợ. Để lấy lòng các con ông Nh, bà T.M cho họ mượn 50 triệu làm ăn. Không lâu sau, cuộc chắp nối giữa bà T.M với ông Nh. bị đổ vỡ, bà T.M tìm đến anh Thiều nhờ hòa giải lấy lại số tiền cho các con ông Nh mượn. Cũng bằng cách động viên có vay thì có trả, hơn nữa nhờ số tiền đó mà họ ăn nên làm ra, nay bội tín sẽ bị người đời xem thường, vậy là các con ông Nh đồng ý trả cho bà T.M mỗi năm 10 triệu đồng thông qua ông trưởng khu phố 3 Trần Văn Thiều…

Theo anh Thiều, trong hòa giải các cuộc tranh chấp dân sự trong khu phố chủ yếu là nói đến chữ tình, chữ nghĩa, mà đôi lúc phải đấu lý để thuyết phục các bên. Anh S., một thầu xây dựng mua vật tư của bà H. còn thiếu 47 triệu không chịu trả. Bà H. cũng không thể khởi kiện vì không có giấy nhận nợ của anh S. Trước khi đi vào hòa giải, anh Thiều gặp anh S. hỏi mua vật tư của bà H. bằng cách nào, anh S. cũng không ngần ngại trả lời lấy lần sau trả tiền lần trước, trả theo giấy báo nợ của bà H., hiện còn nợ mấy chục triệu. Chính vì vậy, khi đưa ra hòa giải anh S. không thể chối bỏ số nợ mà bà H. đưa ra, xin được trả dứt điểm trong vòng 4 năm.

Trong vòng hai năm trở lại đây, anh Thiều tham gia hòa giải gần 300 vụ tranh chấp dân sự, xung đột gia đình. Trong đó, tỷ lệ thành công đạt trên 80%. Những cuộc không thành chuyển đến tòa nhưng những phán xử sau đó cũng chẳng khác so với cách phân xử của anh ở khu phố. Nhưng những người trong cuộc phải tốn án phí, việc thi hành án cũng lắm nhiêu khê. Trong khi đó, hầu hết những cuộc hòa giải thành trong các vụ tranh chấp dân sự, anh Thiều đều xem đó là một bản án có hiệu lực pháp luật. Đến đây, chính anh giữ vai trò của một chấp hành viên thi hành án dân sự, thực thi bản án đến nơi đến chốn, nhưng các bên đương sự trong bản án đó không phải nộp phí thi hành án. Cũng vì thế mà dân khu phố 3 gọi anh là "quan tòa" chí công vô tư của mình. Hễ phát sinh tranh chấp họ đều đến nhờ anh phân xử, chính vì vậy mà các vụ tranh chấp dân sự ở khu phố 3 càng ít đưa đến tòa án

Nhã Phong
.
.
.