Công nhân băng ngang giỡn mặt tử thần

Thứ Bảy, 30/01/2016, 09:23
Một nhóm công nhân thuộc khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức) trèo qua dải phân cách rồi vịn tay nhau thành hàng ngang băng qua xa lộ Đại Hàn, trong lúc hai xe container từ phía Biên Hòa lao với tốc độ cao, bóp còi đinh tai nhức óc, hãm phanh gấp.

Hiền, một nữ công nhân sau khi “hú hồn” tay đặt lên ngực trái cho biết: “Leo lên cầu vượt phải đi vòng thêm một đoạn, hai đầu dốc cao, tan ca mệt rã rời, băng qua đường về nhà trọ nhanh nhất. Đỡ mệt chú ơi! Cô bạn Thanh Nhàn đi cùng nói thêm: Biết nguy hiểm chết người đó, nhưng… công nhân mà chú!

Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Ban ATGT TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2015, thành phố xảy ra 96 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến bộ hành, làm 50 người tử vong. Riêng tháng 11-2015, xảy ra 8 vụ do người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định làm 2 người chết và 6 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do người đi bộ đi không đúng phần đường, sai vị trí, cộng với ý thức kém của người tham gia giao thông.

Một nhóm công nhân chuẩn bị băng ngang xa lộ tại một điểm mở trái phép gần Khu chế xuất Linh Trung.

Thực tế, rất nhiều người muốn đi cho nhanh bằng cách leo qua dải phân cách bất chấp nguy hiểm tính mạng và người đang điều khiển phương tiện lưu thông. Bênh cạnh, còn một nguyên nhân khác do lòng lề đường bị lấn chiếm, người dân bày bán hàng hóa tràn ra đường…

Tại các khu công nghiệp (KCN) Linh Trung, Linh Xuân, cổng Suối Tiên, Ngã tư Ga, cửa KDL Văn Thánh, KCN Tân Tạo, gần khu vực Hàng Xanh… đều các cầu bộ hành xây dựng tiền tỷ, trồng hoa rất đẹp, bài trí sang trọng nhưng đều thưa thớt bóng người đi, trong khi dưới các đường lộ, mật độ xe các loại đang lưu thông dày đặc thì rất đông người cố vượt dải phân cách, leo rào chắn cao hơn 1m, hoặc tìm cách chui qua các lỗ trống để băng qua đường bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều nhất vẫn là công nhân và sinh viên học sinh, người bán hàng dạo, hàng rong…

Đã có hàng chục vụ TNGT do xe gắn máy, ôtô, tàu hỏa cán chết người băng qua đường tùy tiện, bất cẩn nhưng không ai coi đó là “gương” để tránh và cảnh tỉnh. Quan sát tại khu du lịch Suối Tiên, không hiếm cảnh hàng chục người rồng rắn nối nhau vượt dải phân cách, băng qua đường để đón xe buýt về hướng thành phố. 

Thậm chí nhiều người “vượt dải phân cách” còn vác cả xe đạp đi cùng. Gần chân cầu vượt Suối Tiên lúc nào cũng tấp nập các loại xe dừng, đón trả khách, dòng xe gắn máy lưu thông sát lề hướng Biên Hòa vào TP Hồ Chí Minh buộc phải tràn ra giữa đường.

Để bảo đảm an toàn giao thông,  cần sớm có các giải pháp ngăn chặn tình trạng khách đi bộ băng qua đường bát nháo như hiện nay. Trước mắt, cần cải tạo vị trí dải phân cách, sơn vạch dừng chờ hợp lý để hạn chế người đi bộ băng qua đường.

Sở GTVT đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh đầu tư thêm một số cầu vượt bộ hành và tháo dỡ một số cầu cũ xây dựng tại những vị trí không hợp lý như cầu vượt Văn Thánh; trong khi đó rất cần cầu vượt tại vòng xoay Hàng Xanh trước cổng Trường ĐH Công Nghệ, nơi hàng ngày có hàng ngàn sinh viên, xe cộ ra vào tấp nập. 

Một số dải phân cách hiện nay tại các KCN, khu dân cư đông đúc dọc QL13, QL22, QL1A… cần sớm đầu tư thêm chiều cao, khung bằng thép và thiết kế các cầu chui, vượt, quay xe, vượt lộ hợp lý hơn về thời gian, khoảng cách… để góp phần hạn chế người đi bộ tùy tiện băng qua đường.

Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch xây dựng khẩn trương 14  cầu bộ hành, cầu chui, đèn vỗ giao thông tại các tuyến đường Điện Biên Phủ, gồm 3 vị trí: Bệnh viện Bình Dân; gần Trường ĐH Công nghệ, Cơ sở 1 và Trường ĐH Hồng Bàng; Trên QL1A xây dựng trước Trường ĐH Kinh tế - Luật và siêu thị Co.op Mart, (quận Thủ Đức) và lâu dài sẽ xây thêm một số cầu vượt tại nút giao Thủ Đức đến ranh tỉnh Long An và QL22…

Lâu nay, việc giáo dục, nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới chấp hành các quy định về Luật GTĐB chủ yếu tập trung vào người điều khiển phương tiện xe gắn máy và ôtô... Đã đến lúc cần phải tập trung mạnh vào đối tượng người đi bộ, nhằm hạn chế thấp nhất TNGT do người đi bộ tùy tiện băng qua đường sai quy định.

Mặt khác, cần khôi phục lại hệ thống “đèn vỗ” ở những nơi có lượng người qua lại mật độ cao như cổng Bệnh viện Nhi đồng 1 (đường Lý Thái Tổ, quận 10), cổng Cống Quỳnh BV Phụ sản Từ Dũ… 

Loại “đèn vỗ” này từ năm 2004 được Sở GTVT TP Hồ Chí Minh lắp đặt tại 19 địa điểm. Người đi bộ khi cần qua đường chỉ cần “vỗ” vào nút trên trụ điều khiển, đèn sẽ báo tín hiệu đỏ để xe lưu thông giảm tốc độ, dừng lại và tín hiệu xanh cho người đi bộ băng qua. Loại đèn này được sử dụng rất phổ biến ở nước ngoài, trong khi tại VN hầu như ít người dân biết đến, cho nên ít được sử dụng, đến nay đã hư hỏng, nằm bất động.

Tổ chức Y tế thống kê: Tại Việt Nam, số người đi bộ tử vong vì TNGT chiếm khoảng 14% trong tổng số các vụ TNGT. Nguyên nhân dẫn đến TNGT do người đi bộ gây ra phần lớn là đi không đúng phần đường, qua đường không đúng quy định, đu bám phương tiện giao thông khác, mang, vác cồng kềnh không đảm bảo an toàn giao thông, dẫn dắt súc vật đi vào phần đường cho xe cơ giới…

Hoàng Hà
.
.
.