Bản lĩnh “thép” của một người lính nhiễm chất độc da cam

Thứ Tư, 12/01/2011, 11:14
Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng chất độc da cam hàng ngày vẫn  hành hạ ông cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng với bản lĩnh "thép" của người lính, ông đã không gục ngã.

Căn nhà cấp bốn của ông Lê Văn Lớp (thôn Vải -  xã Hòa Tiến - huyện Hưng Hà - tỉnh Thái Bình) nằm trong một con ngõ nhỏ. Biết nhà có khách, vợ, chồng ông dìu nhau ra đón. Mái đầu đã bạc, đôi mắt bị mù vì chất độc da cam, suốt 20 năm qua ông chỉ sống trong bóng tối. Khi được hỏi về nỗi đau da cam, về cuộc đời mình, ông đã không giấu được xúc động.

Vợ mười lần sinh, nhưng con đều mất

Ông sinh năm 1953. Năm 1970, mặc dù chưa đến tuổi nhập ngũ, nhưng ông vẫn tình nguyện vào Nam chiến đấu.

Năm 1971, ông đánh trận đầu tiên tại chiến trường Tiên Phước - Quảng Nam, rồi cùng đơn vị hành quân lên Tây Nguyên. Đi qua những cánh rừng xơ xác trụi lá, ông mới chỉ biết mang máng đó là rừng bị chất hóa học của Mỹ tàn phá chứ chưa biết chất độc da cam/dioxin gây tác hại ghê gớm với con người.

Năm 1976, ông phục viên về quê. Bà Nguyễn Thị Dung người bạn gái năm xưa vẫn chờ ông về để "kết tóc xe  duyên". Lấy nhau gần tròn năm thì vợ ông mang bầu. Ngày vợ sinh, ông tất tưởi đưa vợ lên trạm xá, thấp thỏm chờ đợi niềm vui được làm bố, nhưng đứa con ra đời... bị dị dạng. Vợ chồng ông nuốt nỗi đau vào trong và hy vọng vào lần sinh sau. Những đứa con sinh lần thứ 3, 4, 5 đều không mang hình hài một đứa trẻ.

Vợ chồng người cựu chiến binh Lê Văn Lớp dìu nhau cùng sống ở đời.

Nghĩ có thể mình bị bệnh, ảnh hưởng tới việc sinh con, ông vay nợ mọi người rồi đi khắp nơi tìm thầy, tìm thuốc. Ai mách đâu có thầy lang giỏi là ông sang tận nhà đón về khám chữa, nơi nào có bài thuốc quý, ông đều tìm cho bằng được.

Lần thứ sáu vợ ông mang thai. Ông hy vọng sẽ có đứa con kháu khỉnh sau bao năm chờ đợi. Lần này, vợ ông sinh ra một đứa bé có chân tay nhưng lại không có đầu, hai con mắt nằm ngay trên ngực. Đau đớn, nhưng chưa hết hy vọng, vợ ông lại sinh tiếp. Lần thứ 7, lần thứ 8, đến lần thứ 9 vẫn là những đứa bé dị dạng. Đến lần sinh thứ 10, đứa bé sinh ra "tròn trịa", nhưng vừa khóc được một tiếng rồi chết vì quá yếu.

Sau lần sinh này, bác sĩ cho biết ông bị nhiễm chất độc da cam dioxin ở chiến trường miền Nam. Họ khuyên vợ chồng ông không nên sinh nở tiếp để đảm bảo sức khỏe.

Để lo việc sinh con, ông bán đi ba cái ao và cả mảnh vườn tổ tiên để lại. Rồi đến căn nhà trú nắng mưa hai người cũng phải bán nốt để trả nợ, ông bà phải dựng một túp lều nhỏ bên góc vườn để sống. Thế rồi chất độc da cam đã lấy đi ánh sáng của đôi mắt ông. Còn bà thì yếu đi trông thấy, sau mười lần sinh nở. Cơ thể bị suy nhược,  phát sinh đủ thứ bệnh. Năm 2001 thì bà qua đời. Thấy cảnh ông, bà Nguyễn Thị Lịnh người cùng làng, lại cũng từng là thanh niên xung phong, quyết định đến với ông, để chăm sóc, chia sẻ nỗi buồn cùng ông.

Không gục ngã trước số phận

Sau khi có bà Lịnh đến làm bạn đời, căn nhà đỡ trống vắng hẳn. Nhờ sự đảm đang, tảo tần của bà lại được sự giúp đỡ của chính quyền, làng xóm mọi người đã quyên góp xây cho vợ chồng ông một ngôi nhà nhỏ. Năm 2003, ông được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với những nạn nhân chất độc da cam. Hàng tháng có khoản phụ cấp nhỏ, từ đó cuộc sống của vợ chồng đã bớt khổ hơn.

Nhưng không vì thế mà ỷ lại vào Nhà nước, ông bảo không thể cứ đổ cho bị mù mà ngồi im một chỗ không làm gì cả, mà phải tìm công việc phù hợp với mình. Ông mò mẫm đi học đủ thứ nghề. Hết học máy khâu để may khăn mặt rồi chuyển sang học làm giấy vàng mã, nhưng đều thất bại. Sau đó, một ông cụ trong làng dạy ông cách đan lát. Được sự chỉ dẫn tận tình của ông cụ, lại có tính kiên nhẫn ham học, nên chẳng mấy, ông đã thành nghề.

Những sản phẩm do ông đan lát rất tinh tế và đẹp mắt, trông vào đó không ai nói là của người mù làm. Thu nhập từ việc đan lát chẳng đáng là bao song nó giúp gia đình có đồng ra đồng vào để trang trải sinh hoạt. Năm 2004, ông vinh dự được đi tham dự chương trình sản phẩm vàng - bàn tay vàng dành cho những nạn nhân chất độc da cam, tổ chức tại TP HCM.

Nguyễn Sáng
.
.
.