Băn khoăn với đề xuất phạt nếu "mũ bảo hiểm không đủ 3 lớp"

Thứ Ba, 12/03/2013, 13:10
Ngoài việc không đội mũ, đội MBH không cài quai, dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cũng bổ sung thêm hành vi đội MBH không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, còn khá nhiều băn khoăn với những lực lượng có chức năng xử phạt xung quanh quy định này.

Chiều 11/3, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đóng góp của các ban ngành vào dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Tại cuộc họp, 3 vấn đề mà người dân quan tâm như: sang tên đổi chủ phương tiện, xử phạt mũ bảo hiểm rởm, xử phạt trường hợp không đóng phí bảo trì đường bộ thu hút nhiều ý kiến đóng góp hơn cả. Nếu được ban hành, đây sẽ là Nghị định thay thế Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, Nghị định 71/2012/NĐ-CP, Nghị định số 44/2006/NĐ-CP, Nghị định số 156/2007/NĐ-CP, và dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2013.

Đề xuất bỏ quy định mức xử phạt sang tên đổi chủ ra khỏi nghị định

Bà Lê Minh Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) chia sẻ: Trong quá trình thu thập, lấy ý kiến của các bộ ban ngành, Vụ Vận tải nhận thấy không nên đưa quy định mức xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện vào dự thảo Nghị định lần này. Lý giải đề xuất này, bà Châu cho hay, trên thực tế việc không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã có quy định trong Luật Giao thông đường bộ từ năm 2003. Tuy nhiên đến nay chưa có quy định cụ thể về việc xe không chính chủ và xe chính chủ, nếu đưa vào sẽ khó cho người dân.

Tuy nhiên, theo ông Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (Bộ Công an) thì cho hay: dự thảo Nghị định lần 3 là kế thừa văn bản cũ, tất cả các hành vi trong cuộc sống đã được các cơ quan thi hành pháp luật thực thi, không vướng mắc gì nhiều. Hành vi không chuyển quyền sở hữu với phương  tiện cơ giới đã được quy định trong Luật GTĐB. Chính phủ giao Bộ Công an đảm nhiệm vấn đề đăng ký sở hữu với phương tiện đường bộ, cơ quan Công an đã đứng ra thực hiện quyền sở hữu cho cá nhân được giao dịch. Quan điểm của chúng tôi là đề nghị đưa hành vi này vào dự thảo Nghị định lần này. Bởi lẽ thứ nhất, làm nghiêm vấn đề sang tên đổi chủ sẽ đảm bảo được quyền lợi cho người dân, nhất là trong quản lý Nhà nước, trong các vụ án hình sự, trong các vụ tai nạn giao thông. Thứ hai, Chính phủ đang giao bộ ngành nghiên cứu đưa việc xử phạt này vào tài khoản của người sở hữu phương tiện. Nếu giờ bỏ ra khỏi dự thảo Nghị định thì không thể xử phạt được.

Cùng quan điểm với Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, hành vi không sang tên đổi chủ để xác minh mượn xe của ai, giấy tờ như thế nào là vấn đề cần tính cho hợp lý và khả thi. Song, dự thảo Nghị định cũng cần quy định cụ thể chỉ xử phạt hành vi đi xe không chính chủ trong trường hợp như: phạt nguội, với xe gây tai nạn. Vì nếu không quy định cụ thể, người dân đang lưu thông bình thường trên đường, Cảnh sát cũng giữ lại kiểm tra, rồi xử phạt thì sẽ rất bất lợi.

Lực lượng chức năng kiểm tra các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm trên tuyến phố Huế (Hà Nội). Ảnh: TTXVN.

Sẽ xử phạt người đội mũ bảo hiểm không có đủ 3 lớp kết cấu

Để đảm bảo tính rõ ràng, ngoài việc không đội mũ, đội mũ bảo hiểm không cài quai, dự thảo Nghị định lần này cũng bổ sung thêm hành vi đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, còn khá nhiều băn khoăn với những lực lượng có chức năng xử phạt xung quanh quy định này.

Theo Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, lực lượng Công an không thể lập một biên bản vi phạm mà không có điều khoản. Trong khi đó, chỉ có Chính phủ mới được quy định hành vi vi phạm và chế tài xử phạt. Bên cạnh đó, trong Bộ luật Hình sự có quy định xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phải xử lý việc này. “Lực lượng Công an không thể rải quân làm hết được. Quy định về mũ bảo hiểm không đúng tiêu chuẩn chất lượng phải cân nhắc lại, bốn Bộ đã ký Thông tư liên tịch cần ngồi lại với nhau để bàn bạc kỹ. Vì  trước năm  2008, MBH nhập khẩu về rất đẹp nhưng lại không dán tem chứng nhận hợp quy theo quy định mới, vậy cần tính như thế nào. Mỗi quy định khi đưa vào cần xem xét tính khả thi, vừa dễ cho người dân thực hiện vừa đơn giản cho người thực thi công vụ”, Đại tá Trần Sơn Hà phân tích.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, để người tham gia giao thông phân biệt MBH thế nào là thật giả rất khó. “Không phải cứ mua MBH đắt tiền là đảm bảo chất lượng và ngược lại. Tôi rất phân vân điều này. Thậm chí, đặt vấn đề xử lý mũ phải có đủ kết cấu ba phần cũng là phức tạp”, bà Thoa bày tỏ.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, ông Nguyễn Văn Quyền nhận xét, đề xuất trên chỉ phù hợp với những loại mũ được sản xuất, bán trên thị trường tính từ thời điểm này trở đi. Theo ông Quyền: “Trên thực tế có hơn 30 triệu người đi môtô, hơn 90% đội MBH, xuất xứ nhiều, trước khi quy định hợp quy cũng nhiều, MBH nhập khẩu cũng nhiều. Nước ngoài cũng mang mũ bảo hiểm sang viện trợ, phát rất nhiều nhưng cũng không có tem. Nếu ban hành thì phải có lộ trình giải quyết số mũ còn lại, nếu không vứt hết mũ của người dân đang đội đi cũng không hợp lý”

Thanh Huyền
.
.
.