Bài học từ vụ “bỗng nhiên nợ hơn 1 tỷ đồng”

Thứ Hai, 06/04/2009, 13:11
Do thiếu hiểu biết và nhận thức sai lầm về hợp đồng dân sự, nhiều người dân đã tự nguyện trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho người khác mà không biết rằng, từ đó, quyền định đoạt tài sản của cả gia đình mình đã nằm trong tay người khác.

Khoản nợ hơn 1 tỷ đồng từ... trên trời rơi xuống

Báo CAND đã phản ánh về trường hợp của gia đình ông Trần Văn Khá ở xóm Chữ, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội có nguy cơ mất đất vì nhận bảo lãnh vay vốn ngân hàng. Sự việc diễn ra từ năm 2006 đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Mới đây, ngày 31/3, bên vay vốn bất ngờ xuất hiện tại Ngân hàng TMCP Phương Đông để khất nợ. Còn gia đình ông Khá thì vẫn chạy đôn chạy đáo để mong sao giữ được mảnh đất hương hỏa.

Do có người quen giới thiệu, con trai ông Khá gặp ông Bùi Văn Chính ở xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội nhờ vay ngân hàng số tiền 200.000.000 đồng. Lúc này ông Chính là Giám đốc chi nhánh Công ty Thuận An (trụ sở tại huyện Đông Anh). Hai bên làm hợp đồng thỏa thuận, Chi nhánh Công ty Thuận An sử dụng sổ đỏ do ông Khá đứng tên (diện tích 1.000m2) để thế chấp ngân hàng.

Khi vay được tiền, chi nhánh Công ty Thuận An cho ông Khá vay 200 triệu đồng. Ông Khá phải chịu lãi suất bằng lãi suất vay ngân hàng là 1,1%/tháng và chi phí giao dịch 5% trên số tiền vay. Ông Khá ủy quyền cho Công ty Thuận An sử dụng sổ đỏ mang tên mình, nhưng không hề biết rằng cuốn sổ đó đã được Công ty Thuận An dùng để vay một khoản tiền lớn mà chính ông cũng phải chịu phần lớn trách nhiệm.

Sau khi ký hợp đồng bảo lãnh ít ngày, ông Khá nhận được 200 triệu đồng từ phía Công ty Thuận An theo thỏa thuận. Ông Khá thực hiện nghiêm túc cam kết trong hợp đồng là 3 tháng trả lãi suất một lần 2,2 triệu đồng cho ông Chính. Thế rồi, chưa đầy một năm sau, gia đình ông bất ngờ nhận được giấy báo nợ của Ngân hàng TMCP Phương Đông chi nhánh Hà Nội ký ngày 12/12/2006, yêu cầu gia đình ông phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với khoản vay của Công ty Thuận An.

Rồi liên tiếp gia đình ông nhận được thông báo của ngân hàng yêu cầu trả cả gốc, lãi, tiền phạt lên tới 1.106.820.343 đồng (công văn đề ngày 13/8/2007). Nếu ông Khá và Công ty Thuận An không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng sẽ tiến hành khởi kiện bên vay, bên bảo lãnh về hành vi chiếm dụng bất hợp pháp.

Quá lo lắng cho tài sản của mình, ông Khá đi tìm những người có liên quan để tìm cách giải quyết thì được biết, ông Chính không còn làm cho Công ty Thuận An, và ông Khá cũng không gặp được lãnh đạo Công ty Thuận An để trao đổi trực tiếp. Khi tìm đến ngân hàng, gia đình ông Khá cũng chỉ nhận được câu trả lời như trong văn bản thông báo là nếu Công ty Thuận An không trả được nợ thì ông phải trả nợ thay.

Bài học cảnh giác đắt giá

Anh Thành, con trai ông Khá xót xa nói rằng, gia đình chỉ vì muốn vay tiền để làm ăn chứ không muốn mất đất. Khi hiểu ra rằng gia đình mình bị lợi dụng sổ đỏ để vay vốn thì đã muộn. Bởi tất cả giấy tờ vay vốn, bảo lãnh đều được làm trên tinh thần tự nguyện. Chỉ vì thiếu hiểu biết và mất cảnh giác nên gia đình anh mới rơi vào bi kịch này.

Trong buổi làm việc với chúng tôi ngày 1/4, ông Hoàng Giang Nam, Trưởng phòng Tín dụng - Kinh doanh, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Phương Đông cho rằng: Khi ngân hàng nhận hồ sơ đã có hợp đồng bảo lãnh, có công chứng và phù hợp với quy định hồ sơ vay vốn của ngân hàng thì tiến hành cho vay. Theo quy định, bên vay không đủ khả năng trả nợ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Sau một thời gian gián đoạn liên lạc với Công ty Thuận An, đến này 31/3 ông Phạm Viết Thủy, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận An lại gửi văn bản xin khất nợ.

Nói về hướng giải quyết vụ việc trên, ông Nam khẳng định: "Chúng tôi không muốn thu hồi đất của người dân, và cũng không muốn khởi kiện. Bởi vậy vẫn phải tác động bên bảo lãnh để giục bên vay trả nợ. Bên vay không trả được nợ thì người bảo lãnh phải chịu trách nhiệm trước khoản vay đó. Nhưng nếu không còn cách nào khác thì chúng tôi phải khởi kiện ra tòa dân sự để giải quyết".

Vậy là gia đình ông Khá vẫn tiếp tục phải chờ đợi thái độ trả nợ của Công ty Thuận An trong sự thấp thỏm. Vụ việc này là bài học đắt giá cho tất cả mọi người khi thực hiện các hợp đồng giao dịch dân sự. Trước khi đặt bút ký vào một hợp đồng giao dịch có liên quan đến tài sản lớn thì người có tài sản phải đọc kỹ hợp đồng để xem xét, cân nhắc.

Bởi nếu có ra toà, thì hợp đồng có chữ ký, có dấu công chứng nhà nước đã là một căn cứ pháp lý để cơ quan chức năng dựa vào đó giải quyết. Có thể, cả gia sản của người nông dân hai sương một nắng cũng sẽ trở thành con số không, nếu bỏ qua chỉ vài câu chữ

Việt Hà - Cao Hồng
.
.
.