Tái định cư thủy điện - Hành trình đằng đẵng tìm “an cư”:

Bài cuối: Tìm lời giải cho bài toán tái định cư thủy điện

Thứ Ba, 30/12/2014, 08:54
Để hiện thực hóa giấc mơ “an cư” của người dân tái định cư (TĐC) thủy điện, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để người dân có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Gần đây nhất, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết 62/2013/QH13 và Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 11 ban hành chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Nhiều hỗ trợ mới tiếp tục ra đời, chính sách đã tốt hơn, thậm chí rất tốt, nhưng dường như vẫn chưa… trúng...
>> Tái định cư có phải bài toán không lời giải?

Chính sách tốt nhưng vẫn chưa trúng

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Đức Hiền - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban đã triển khai rất nhiều chương trình làm việc tại các địa phương, đặc biệt là những nơi có những công trình thủy điện lớn, kể cả thủy điện vừa.

Qua làm việc tại Hòa Bình, thủy điện Sơn La, Bản Vẽ, Sông Tranh và rất nhiều nơi khác, Ban Dân nguyện nhận định, đời sống của người dân “về cơ bản đời sống vất vả hơn, không bằng nơi ở cũ”. Đáng chú ý nhất là kể cả ở những nơi đã phát huy hiệu quả của công trình thủy điện đến vài chục năm, thì hạ tầng cơ sở, tất cả mọi điều kiện cho người dân nói chung còn kém và diện hộ nghèo vẫn lớn. Đặc biệt ở vùng Nghệ An, thủy điện Bản Vẽ, tỷ lệ hộ nghèo đến 60 – 70%.

Kết quả giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra một thực tế không mới, vẫn là vấn đề sinh kế lâu dài, chuyển người dân đến khu vực không có đất canh tác đủ, chỉ được 5.000 – 6.000m², so với hàng hécta ở nơi ở cũ, ngành nghề không có…

Thực tiễn trên đã được báo cáo với Quốc hội, trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5 của QH (năm 2012, 2013) đều đã đề cập đến vấn đề này, giao cho Chính phủ đến năm 2013 phải ban hành cơ chế đặc thù để giải quyết khó khăn sản xuất và đời sống cho người dân TĐC thủy điện, trong đó có công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La và những công trình thủy điện lớn.
Cần có những giải pháp đúng và trúng để người dân TĐC không phải vật vã với giấc mơ “an cư”.

Chính phủ sau đó đã ban hành Nghị quyết 11 giao cho Bộ NN&PTNT 12 nội dung công việc, trong đó có 3 nội dung phải hoàn thành trong năm 2014 liên quan đến chính sách cho người dân TĐC… Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đã triển khai các công việc này chậm (đã hết năm 2014 mới ban hành được 1 cơ chế đặc thù) và vẫn… không chắc và dường như chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt.

Thậm chí, một lãnh đạo địa phương tiết lộ, ông đã từng bác toàn bộ đề cương do Bộ NN&PTNT soạn vì không phù hợp với đặc trưng từng vùng. Tuy nhiên, nhằm tránh căng thẳng, một số địa phương thường… tặc lưỡi để thông qua, sau đó xin cơ chế đặc thù cho địa phương mình để thực hiện cho… thuận lợi (!).

Nhìn vào Quyết định 64/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù về di dân, TĐC các dự án thủy lợi, thủy điện, có thể thấy phương cách cũng chỉ dừng lại ở gọn 2 chữ “thêm tiền”. Tất nhiên có hỗ trợ thêm là quá tốt, nhưng không giải quyết được cái gốc của vấn đề thì sau vài ba năm hỗ trợ chỉ tốn ngân sách mà người dân vẫn đói.

“Nguyện vọng tha thiết nhất của người dân vẫn là sinh kế lâu dài. Ví dụ, ở Nghệ An, thủy điện Bản Vẽ, gần 3.000 hộ dân phải chuyển đến nơi khác, hơn 2.000 hộ chuyển về Thanh Chương, nhưng vì không có sinh kế lâu dài nên người dân phải quay trở về lòng hồ thủy điện cũ để sinh sống bằng nghề đánh cá trên lòng hồ hoặc hái lượm trong rừng, lấy gỗ...” – ông Nguyễn Đức Hiền chia sẻ. Được biết, đã có kiến nghị rà soát lại đất của các nông lâm trường quốc doanh hoạt động không hiệu quả để cấp thêm cho người dân. Tuy nhiên, hiện Chính phủ chưa có trả lời về vấn đề này.

Không phải cứ đền bù, hỗ trợ là xong

Tại một cuộc trao đổi “gan ruột” với Báo CAND về đề tài đầy trăn trở này, ông Mùa A Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhận định: “Chúng ta tưởng rằng chỉ là đền bù đất đai, nhà cửa cho họ, bố trí cho họ một nơi ở mới và hỗ trợ 3 năm gạo là họ sẽ tự vươn lên được trong vài năm ngắn ngủi đó. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Tái thiết một hạ tầng mới không khó, chỉ làm trong 3, 4 năm thôi. Nhưng ở đây liên quan đến vấn đề chuyển đổi tư duy của người dân, chuyển đổi tập quán từ nông nghiệp sang tập quán khác, chuyển đổi lao động thủ công sang công nghiệp, không phải 2, 3 năm, mà thậm chí phải lâu hơn nữa. Phải làm thế nào giải quyết việc làm để người dân tự vươn lên”.

Theo ông Mùa A Sơn, hiện chúng ta mới tập trung thực hiện chính sách đền bù là chính, ổn định đời sống lâu dài thì chưa được thể hiện rõ. Định hướng của Chính phủ thì rất là đúng rồi, nhưng cái chính là thực hiện như thế nào.

“Chúng tôi biết rằng, nếu chỉ hỗ trợ dạy nghề thôi thì không giải quyết được vấn đề, nhưng việc thu hút đầu tư đối với Điện Biên cũng rất khó nên đề nghị Chính phủ xem có giải pháp nào đó kêu gọi các nhà đầu tư vào đây để giải quyết việc này. Trước đây, cuộc sống có thể không có xe máy, tivi, họ chỉ mong muốn đủ ăn thôi. Giờ đây chúng ta cho họ xe máy, cho họ tivi, có đường đi lại, nhưng cái đảm bảo cho đời sống thì lại thiếu, một công việc kiếm ra tiền để đóng tiền điện, đổ xăng lại chưa đảm bảo. Hiện thực khó khăn hơn nhiều so với dự tính, bởi vì thay đổi tập quán không thể tính bằng năm mà phải là nhiều năm. Đất ít đi, người sinh ra mà chúng ta không giải quyết việc làm cho họ thì không ổn. Điện Biên đang tính toán nhưng cũng đang bế tắc” - ông Sơn chia sẻ.

Đề nghị tăng cường giám sát việc bố trí đất ở, sản xuất cho người dân

Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhận định: Bên cạnh những lợi ích mang lại, thủy điện ở Tây Nguyên đã làm ngập nhiều diện tích rừng, đất đai, phá vỡ cân bằng sinh thái, hệ động thực vật, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân cư, thu hẹp không gian sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính vì vậy, để tìm bài toán “an cư” cho người dân TĐC thủy điện, các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần tăng cường phối hợp với chủ đầu tư các dự án trong công tác bồi thường, hỗ trợ di dân, TĐC và giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các dự án thủy điện.

Các địa phương cần xây dựng Quỹ hỗ trợ TĐC để hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống cho các hộ dân phải di dời trong thời gian họ chưa ổn định được cuộc sống. Nguồn thu của quỹ hình thành từ việc trích một phần thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên nước và một phần lợi nhuận của các nhà máy thủy điện.

Đề nghị Bộ Công Thương tập trung giải quyết các tồn đọng về môi trường và xã hội; đồng thời rà soát lại quy hoạch, loại bỏ các dự án thủy điện, các vị trí tiềm năng không khả thi và có tác động xấu đến môi trường.

“Đối với các dự án thủy điện đã triển khai, Ban chỉ đạo Tây nguyên đề nghị các bộ ngành, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc bố trí đất ở, đất sản xuất và các điều kiện cần thiết cho các hộ dân tái định canh, định cư; thực hiện cam kết của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường, nhất là cam kết trồng lại rừng; kiểm soát chặt chẽ quy trình vận hành hồ chứa đảm bảo thực hiện chức năng cắt lũ mùa mưa và chức năng điều tiết nước cho vùng hạ du; quản lý chất lượng, an toàn hồ đập...” - ông Hùng đề nghị.

25 công trình thủy điện lớn đã và đang thi công tại Tây Nguyên đã chiếm dụng 68.195ha đất, ảnh hưởng đến 25.712 hộ dân (6.875 hộ phải di dời). Tây Nguyên đã chuyển đổi trên 80.000ha đất các loại cho thủy điện.

Thủy điện còn làm thay đổi tập quán sản xuất và sinh hoạt của một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số vốn sinh sống lâu đời, việc di dời dân đến các vùng cao trong khi điều kiện sản xuất và đời sống không bằng nơi ở cũ, phải nhiều năm mới khắc phục được.

Thủy điện cũng gián tiếp góp phần gây ra tình trạng phá rừng, việc chậm trễ trong đền bù, tái định cư dẫn đến khiếu kiện kéo dài ở một số địa phương, gây mất an ninh trật tự, tạo dư luận xấu trong xã hội…

Nhóm PVKTXH và VP miền Trung
.
.
.