Nan giải điểm đỗ phương tiện giao thông ở Hà Nội:

Bài cuối: Quyết liệt giải "bài toán khó"

Chủ Nhật, 09/11/2014, 07:59
Nhiều giải pháp tình thế đã được các cơ quan chức năng đưa ra để cải thiện tình trạng lộn xộn, bức xúc về giao thông tĩnh hiện nay. Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông hiện chỉ chiếm khoảng 7 – 8% đất xây dựng đô thị, trong khi đó mức yêu cầu hợp lý cho một đô thị hiện đại là từ 20 – 26% (theo quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, chỉ tiêu này là 20 - 25%).
>> Bài 1: Xe đỗ vô nguyên tắc - nhà quản lý bất lực

Để có quỹ đất sạch, Hà Nội có thể phải chi hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các công trình công cộng. Thế nhưng, khi có đất sạch, mục đích sử dụng đất làm giao thông tĩnh lại bị chuyển đổi. Nếu không quyết liệt thực hiện, giao thông tĩnh Hà Nội vẫn chỉ là một thực trạng gây bức xúc.

Quy hoạch một đằng, làm một nẻo

Ngày 2/12/2003, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 165/2003/QĐ-UB Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020. Thế nhưng, nhiều điểm đỗ trong quy hoạch đã biến thành trung tâm thương mại, nơi kinh doanh… Thực trạng giao thông tĩnh ở Hà Nội không những không được cải thiện mà còn bị xấu đi trầm trọng khi phương tiện cá nhân xuất hiện ngày càng nhiều. 

Trước khi có Quyết định 165, tổng số điểm đỗ xe được sắp xếp trên hè phố, lòng đường là 130 điểm với diện tích 75.634,85m2. Theo quy hoạch, UBND TP Hà Nội dự kiến đầu tư xây dựng 29 điểm bến, bãi, điểm đỗ xe để thay thế 130 điểm đỗ nêu trên. Nhưng số điểm đỗ hiện nay chỉ còn 67 với diện tích bằng một nửa diện tích cũ là 33,841m2. Sau một thời gian có quyết định phê duyệt quy hoạch, những khu đất vàng được ngắm làm điểm đỗ xe với bao dự tính khả quan cho hệ thống giao thông tĩnh ở Thủ đô đã lần lượt bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Điển hình cho việc “biến dạng” điểm đỗ xe chính là diện tích đất ở đầu quốc lộ 5, khu vực Cầu Chui, quận Long Biên.

Khu đất rộng 10ha theo quy hoạch điểm đỗ nay đã biến thành trung tâm thương mại hoành tráng. 2.000m2 đất trên phố Tràng Thi nguyên là đất của Xí nghiệp Xe đạp cũ theo quy hoạch sẽ làm bãi đỗ xe nhiều tầng ngầm và nổi với diện tích sàn 8.000m2. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, khu đất này đã biến thành một siêu thị mới. Lô đất 16 Phan Chu Trinh được quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe nhiều tầng trên 12.000m2 để thay thế nhiều điểm đỗ trên khu vực lân cận giờ cũng thành một tòa nhà ngân hàng đồ sộ. Cống hóa mương Phan Kế Bính ở quận Ba Đình, Hà Nội theo quy hoạch sẽ là một điểm đỗ lý tưởng, giải quyết hạ tầng giao thông tĩnh cho cả khu vực dân cư sầm uất khu vực tuyến phố Liễu Giai, Đội Cấn… Thế nhưng, sau khi cống hóa hoàn thành năm 2007 theo phương thức xã hội hóa, khu vực này đã biến thành nơi kinh doanh xe máy, văn phòng, cà phê, thời trang…

Giàn đỗ xe cao tầng – giải pháp trước mắt để giải quyết tình trạng thiếu điểm đỗ xe hiện nay.

Chỉ cần điểm qua một vài khu đất dự kiến xây dựng điểm đỗ như vậy cũng đủ hình dung nếu nó được thực hiện thì sẽ đỡ được rất nhiều gánh nặng cho giao thông tĩnh hiện nay. “Vỡ” quy hoạch, áp lực điểm đỗ đè nặng lên mọi con đường, tuyến phố, cả vỉa hè lẫn lòng đường, tạo thành một bức tranh giao thông tĩnh vô cùng lộn xộn, bí bách và phản cảm.

Kiếm tìm giải pháp lâu dài

Có một giải pháp được coi là hữu hiệu trong tương lai gần là đầu tư giàn đỗ xe thông minh nhiều tầng để tiết kiệm diện tích, lại không tốn thời gian xây dựng. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cũng lớn, mà việc thu hồi vốn về lại nhỏ giọt nên các nhà đầu tư không mặn mà với hướng đi này. Đã nhiều năm nay, Tổng Công ty Sông Hồng đầu tư 8 giàn đỗ xe thông minh nhiều tầng ngoài trời trên đường Lê Văn Lương. Hàng trăm lượt xe ra, vào bãi mỗi ngày cho thấy hiệu quả rất rõ của giàn đỗ xe thông minh, góp phần giải quyết nhu cầu để xe của tuyến đường Lê Văn Lương. Công ty Khai thác điểm đỗ cũng đã đưa vào sử dụng giàn đỗ xe thông minh số 32 phố Nguyễn Công Trứ có sức chứa 30 xe.

Kế hoạch phát triển hạ tầng GTVT giai đoạn 2011-2015, UBND TP Hà Nội đưa ra mục tiêu tập trung đầu tư các dự án xây dựng bến, bãi đỗ xe trong khu vực nội đô, ven đô; xây dựng các điểm trung chuyển đa phương thức, các nút giao thông đầu mối. Ưu tiên đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng, các bãi đỗ xe ngầm. Dự kiến xây dựng khoảng 50 bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe lắp ghép hoặc bãi đỗ xe ngầm trong khu vực nội đô… Nhưng cho đến nay, cũng chỉ mới có hai địa điểm đang triển khai xây dựng là hai giàn thép đỗ xe cao tầng ở phố Trần Nhật Duật và phố Nguyễn Công Hoan do Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội thực hiện.

Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Phòng Quản lý giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT đã trình UBND TP phê duyệt đề án: “Nghiên cứu, sắp xếp mạng lưới điểm đỗ xe, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn HN đến năm 2020 góp phần giải quyết ùn tắc giao thông. Theo tờ trình trên, các điểm, bãi đỗ xe công cộng hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 8-10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có. Điều này dẫn đến yêu cầu phải xây dựng quy hoạch giao thông tĩnh là cấp thiết, nhưng cho đến nay vẫn chưa có Quy hoạch giao thông tĩnh thay thế Quy hoạch tại Quyết định 165/2003/QĐ-UBND.

TS Trần Danh Lợi, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội hiến kế giải bài toán đỗ xe ở Hà Nội. Theo ông, phải có điểm trung chuyển từ các cửa ngõ Thủ đô. Các cửa ngõ Thủ đô phải có điểm đỗ ngầm, đỗ trên cao dành chỗ cho phương tiện ngoại tỉnh. Rồi từ đây, người ta đi vào Thủ đô bằng phương tiện giao thông công cộng. Hoặc có thể giảm tổ chức cho thuê xe, biến một ôtô có 90% chuyển động, 10% nằm tại chỗ thì sẽ bớt được điểm đỗ xe, vừa góp phần phát triển kinh tế. Làm được điều này thì một ôtô có thể có công suất hoạt động bằng 8, 9 chiếc.

Đặc biệt, chúng ta cũng có thể áp dụng giống như một số nước khác trong khu vực, đất cho thuê đỗ phải đắt hơn đất bán phở thì mới kêu gọi được đầu tư xây dựng điểm đỗ ngầm. Bởi chi phí xây dựng điểm đỗ ngầm vô cùng đắt đỏ, nếu việc thu phí mức cao thì người ta mới xây dựng điểm đỗ ngầm. Người làm điểm đỗ xe phải được vay vốn không lãi suất. Đồng quan điểm như trên, nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu dài, công trình ngầm cho đỗ xe là hướng đi đúng đắn. Một lộ trình cần làm ngay, cụ thể như trường học, công sở bên trên, bãi đỗ xe ngầm bên dưới sẽ giảm gánh nặng cho giao thông tĩnh ở Hà Nội trong tương lai gần.

Quy hoạch mạng lưới giao thông tĩnh theo Quyết định 165 đã lỗi thời. Hà Nội cấp thiết phải có một quy hoạch tổng thể cho giao thông tĩnh để thay thế và triển khai một cách nghiêm túc. Các nhà quản lý mà vai trò đứng đầu là UBND TP Hà Nội phải thực sự coi trọng đầu tư cả về chủ trương, nguồn lực và quyết tâm thực hiện giải pháp cho giao thông tĩnh. Người dân Thủ đô hy vọng sẽ được nâng cao chất lượng cuộc sống có một phần bắt đầu từ những điểm đỗ xe

Việt Hà
.
.
.