Giải pháp ngăn chặn nạn “chặt chém” khách du lịch

Bài cuối: Lòng hiếu khách của người dân và chế tài đủ mạnh

Thứ Ba, 21/05/2013, 10:37
Để thu hút khách du lịch theo đúng tiêu chí đã đặt ra, song song với việc phát huy các giá trị của di sản, các điểm du lịch thì chúng ta phải tạo môi trường du lịch an toàn văn minh cho khách.
>> Bài 1: Trăm kiểu “chặt, chém”, du khách bất bình

Đây quả thực là bài toán khó. Bởi, để thay đổi thói quen kinh doanh theo mùa vụ, làm ăn kiểu chụp giật, thiếu chuyên nghiệp, cần phải có bước đột phá. Công việc của các cơ quan chức năng phải bắt đầu từ thay đổi ý thức người kinh doanh cho đến cơ chế quản lý chặt chẽ và xử lý vi phạm triệt để.

Thu hồi chứng nhận kinh doanh nếu “chặt chém”

Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, du khách trong nước và quốc tế lại chọn Đà Nẵng là điểm đến đầu tiên trong mùa du lịch.

Đó là do Đà Nẵng an ninh tốt; không những nổi tiếng là một thành phố hiện đại, thành phố xanh, sạch có nhiều điểm đến về du lịch hấp dẫn mà còn có một bản sắc rất riêng là ý thức trong văn minh thương mại và văn hóa về du lịch của người dân Đà Nẵng. Có thể coi đây là điểm sáng để các địa phương học tập, thu hút du lịch.

“Chính người dân Đà Nẵng, chứ không phải ai khác phải nhặt những “hạt sạn” không đáng có, để không làm mất đi hình ảnh thành phố du lịch, thân thiện và mến khách” - ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết.

Cũng theo ông Trần Chí Cường thì nhiều năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, các Sở, ban, ngành chức năng của thành phố đã tích cực cùng chung tay ngăn chặn tình trạng thiếu văn minh trong thương mại du lịch.

Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, điểm du lịch mới khai thác, dịch vụ chất lượng cao và những đặc sắc, hấp dẫn vốn có của thành phố, của các ngành chức năng thì ý thức của mỗi người dân, mỗi hộ kinh doanh các sản phẩm về du lịch là đặc biệt quan trọng. Việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm sẽ giúp duy trì văn minh thương mại trong lĩnh vực du lịch.

Chỉ riêng trong mùa pháo hoa DIFC 2013, Sở Công thương và Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) TP Đà Nẵng đã phối hợp xử lý phạt 146 khách sạn, nhà trọ, quán ăn vi phạm với tổng số tiền 437 triệu đồng trong mùa pháo hoa.

Trong đó, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 178 khách sạn và phát hiện 47 khách sạn có những vi phạm về niêm yết giá, gắn sao vào biển hiệu và đăng ký kinh doanh. Các khách sạn này đã bị lập biên bản, xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 227,1 triệu đồng…

Ông Trần Chí Cường cho biết, ngay từ đầu năm, thành phố đã có quy định hạn chế các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tăng giá không quá 50%. Tất cả các cơ sở du lịch đều phải đăng ký giá. Thông tin về giá cả dịch vụ được niêm yết công khai, cụ thể trên trang web của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng.

Thành phố cùng các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và áp dụng khung hình phạt cao nhất đối với cơ sở kinh doanh vi phạm, khuyến khích du khách cung cấp thông tin về những cơ sở vi phạm thông qua Trung tâm Hỗ trợ du khách mới được thành lập.

Mặc dù vẫn còn có những cơ sở, một số khách sạn và điểm kinh doanh dịch vụ sai phạm tại kỳ pháo hoa DIFC 2013, nhưng đó chỉ là những “hạt sạn” trong sự thành công chung của người dân thành phố nói chung và ngành Du lịch Đà Nẵng nói riêng.

Ngay trước lễ hội pháo hoa quốc tế, đích thân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Văn Hữu Chiến cũng đã có công văn yêu cầu xử phạt với mức cao nhất là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các khách sạn có hành vi tăng giá quá mức, vi phạm quy định về bình ổn giá và các hành vi vi phạm khác. 

Sở VH - TT&DL cũng công khai thông báo giá dịch vụ phòng lưu trú của các khách sạn trên địa bàn thành phố tại hai địa chỉ http://www.cst.danang.gov.vn và http://www.danangtourism.gov.vn. Ngoài ra, TP Đà Nẵng cũng công bố đường dây nóng để du khách kịp thời phản ánh những bất cập trong giá phòng.

Sở VHTT & DL cũng đã có trách nhiệm chỉ đạo Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Khách sạn và các đơn vị liên quan phổ biến, hướng dẫn các khách sạn, nhà hàng tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại: thực hiện niêm yết giá, bán theo giá niêm yết các loại hàng hóa, dịch vụ; chấn chỉnh công tác phục vụ khách hàng, lễ tân…; chỉ đạo Đội chống chèo kéo bố trí lực lượng thường xuyên tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn...

Đồng thời, thực hiện các hình thức xử phạt cao nhất (thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) đối với các khách sạn có hành vi tăng giá quá mức, vi phạm quy định về bình ổn giá, không chấp hành đúng giá do cơ quan có thẩm quyền quyết định và các hành vi vi phạm khác.

Chiến sỹ Công an giữ gìn an ninh trật tự tại điểm du lịch Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Nên thành lập Cảnh sát du lịch

Nên thành lập Cảnh sát du lịch - đó là ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam.

Theo quan điểm của ông Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch, tại các thành phố trọng điểm về du lịch, cần phải có lực lượng chuyên trách đảm bảo an toàn cho khách du lịch và giải quyết triệt để mọi phát sinh về an toàn, an ninh trật tự. Mô hình này hiện đang được áp dụng ở nhiều nước có nền du lịch phát triển. Bởi, tình trạng “chặt chém”, bắt chẹt du khách cũng có ở các nước khác chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng đồng tình với ý kiến thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch.

Ông Vũ Chính Đông, Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Hiệp hội Du lịch Hà Nội cũng cho rằng nên có Cảnh sát du lịch.

Ông Đông nêu ý kiến: “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực trong đời sống: kinh tế - văn hoá – xã hội – giao thông vận tải – an ninh, trật tự an toàn xã hội…Sản phẩm du lịch do các doanh nghiệp du lịch “sản xuất” ra để bán cho khách, chủ yếu là dịch vụ: vận chuyển, ăn nghỉ, hướng dẫn tham quan, vui chơi giải trí và các dịch vụ bổ trợ khác; phụ thuộc rất nhiều vào những ngành khác.

Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thời gian vừa qua đã có những tiến bộ đáng ghi nhận, giúp cho lượng khách du lịch trong nước và quốc tế vào Việt Nam trong những năm gần đây tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, Du lịch Việt Nam phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều bất cập. Trong đó có việc để xảy ra những hiện tượng chèo kéo, “chặt chém” khách du lịch như báo chí đã phản ánh.

Trước hết là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân nghèo thành thị chưa cao, phụ thuộc vào trình độ dân trí… Đồng thời, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa đồng bộ, chưa kiên quyết ngăn chặn tình trạng này; đôi khi chỉ thực hiện theo kiểu “đánh trống, bỏ dùi” hoặc “Ném đá ao bèo”… chưa có hiệu quả”.

Để du lịch Việt Nam hấp dẫn du khách, khơi dậy được “vẻ đẹp tiềm ẩn” và là “ngành kinh tế mũi nhọn” của đất nước, ngành du lịch phải cùng chính quyền các địa phương có sự phối hợp, thống nhất trong việc đầu tư, phát triển tiềm năng du lịch và xây dựng văn hóa kinh doanh từ chính những cá nhân, doanh nghiệp làm du lịch; phát huy vai trò, trách nhiệm của các đoàn kiểm tra liên ngành.

Bên cạnh đó, ở các trung tâm du lịch trọng điểm, cần có lực lượng Cảnh sát du lịch để kịp thời giải quyết vấn đề an ninh trật tự phát sinh. Nếu như trên đường phố có đường dây nóng, nếu có lực lượng chuyên trách, nếu ngành du lịch đứng mũi chịu sào để tập hợp các ngành chức năng cùng tham gia vào “mặt trận” công nghiệp không khói… thì môi trường du lịch của Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn

Ông Nguyễn Phước Nhàn, Chánh Thanh tra Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng:

“Để đảm bảo không có hiện tượng chặt chém du khách, TP Đà Nẵng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm quản lý tốt hơn các khách sạn trong các dịp lễ hội...

Riêng các khách sạn tự ý nâng giá phòng và bị xử phạt, Thanh tra Sở đã báo cáo toàn bộ danh sách với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng. Sau đó tiến hành công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm khẳng định sự cương quyết của các lực lượng chức năng, cũng như làm gương cho các đơn vị khác để không có các hành vi gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của du lịch Đà Nẵng"…

Hoài Thu - Việt Hà - Cao Hồng
.
.
.