Bài cuối: Gian truân đồng hành cùng thủy điện

Thứ Tư, 25/05/2011, 21:00
Công trình thủy điện Sơn La đã bước sang năm thứ 6 về tiến độ xây dựng, ít ai biết rằng, để bảo vệ thành công một công trình trọng điểm quốc gia mang tầm vóc thế kỷ là những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sỹ Công an trong gần một thập kỷ sát cánh cùng thủy điện.

Với diện tích hơn 270ha, mặt bằng rộng, trang thiết bị, tài sản, vật tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, công nhân đông, phân nhiều ca, người ra vào liên tục, trong gần 10 năm qua, Công an tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều phương án bảo vệ nhằm giữ vững ANTT, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy cho hàng vạn công nhân và các nhà thầu xây dựng.

Gần một thập kỷ sát cánh cùng thủy điện

Năm 2005 công trình thủy điện Sơn La được khởi công, nhưng từ trước đó nhiều năm, Công an tỉnh Sơn La đã chuẩn bị các phương án để bảo vệ công trình. Đó là từ năm 1996, khi cán bộ địa chất lên thị trấn Ít Ong để thử những mũi khoan đầu tiên; rồi đến năm 2002 bắt đầu tiến hành tổ chức bảo vệ di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

Công an tỉnh Sơn La thường xuyên trao đổi với chính quyền các xã có đồng bào đến tái định cư về phương án bảo vệ di dân, giúp dân dựng nhà, ổn định cuộc sống.

Đại tá Lê Minh Tiến, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La cho biết, đây là công trình đặc biệt cấp quốc gia, nên việc bảo vệ công trình đặt ra nhiệm vụ rất lớn cho Công an tỉnh Sơn La. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban.

Tiến độ xây dựng dự án ban đầu dự tính đến năm 2015 sẽ phát điện hết 6 tổ máy, nhưng nay tổ máy số 1 và số 2 đều phát điện vượt trước tiến độ 2 năm. Được sự chỉ đạo của Tổng cục An ninh, Bộ Công an ngay từ khi dự án được triển khai, Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã ban hành Phương án bảo vệ số 14/PA17 ngày 5/2/2004.

Đây là phương án tổng thể, trong đó có nhiều lĩnh vực cần tập trung bảo vệ như: kế hoạch bảo vệ dự án di dân tái định cư với trên 11.000 hộ, 70.000 nhân khẩu, vốn tái định cư 11.000 tỷ đồng; kế hoạch bảo vệ an ninh kinh tế đối với công trình thủy điện Sơn La, đặc biệt là bảo vệ tiến độ, chất lượng công trình và ngăn chặn việc tham nhũng tài sản của Nhà nước…

Để bảo vệ một công trình trọng điểm quốc gia, Công an tỉnh Sơn La còn thành lập một tổ phòng cháy chữa cháy của lực lượng Cảnh sát với đầy đủ các phương tiện thiết bị theo yêu cầu của Bộ Công an.

Với đặc thù là công trình trọng điểm quốc gia, huy động số lượng vốn lớn, tập trung khối lượng vật tư máy móc và nhân lực lớn, thời gian thi công kéo dài, tiến độ thi công gấp… đây là những điều kiện mà các loại tội phạm kinh tế, tội phạm hình sự triệt để lợi dụng để tiêu cực, tham nhũng tài sản Nhà nước, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình, Công an tỉnh Sơn La đã đề ra các biện pháp nhằm phát hiện và kịp thời ngăn chặn một số biểu hiện của việc bớt xén, thay đổi các chủng loại vật liệu xây dựng so với thiết kế.

Điển hình đã khởi tố 4 đối tượng là lái xe vận chuyển xi măng và thủ kho của Xí nghiệp Sông Đà 704. Lái xe đã thông đồng với thủ kho khi bơm xi măng vào kho bớt lại mỗi xe khoảng 3-4 tấn. Ngay sau đó Công an tỉnh Sơn La đã tổ chức giám định chất lượng cống dẫn dòng, qua đó đã chấm dứt tình trạng bớt xi măng khi đưa vào công trường.

Để tăng cường mối quan hệ trong thực thi nhiệm vụ, Công an tỉnh Sơn La đã xây dựng và ký Quy chế phối hợp giữa 3 bên: Công an tỉnh, Ban QLDA, Ban Điều hành dự án và giao cho Phòng An ninh kinh tế và Phòng Tổ chức hành chính của Ban quản lý và Ban điều hành làm thường trực. Định kỳ từng quý, năm tổ chức hội nghị để rút kinh nghiệm. Công an tỉnh đã xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ sâu rộng đến các đơn vị thi công và thường xuyên mở các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ của công trường.

Gần một thập kỷ sát cánh cùng thủy điện, các lực lượng Công an tỉnh Sơn La đã vượt qua bao gian khó, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đã phát hiện và ngăn chặn được nhiều vụ bớt xét vật liệu, thay đổi vật liệu so với thiết kế, phát hiện những điều không bình thường trong quá trình xây dựng đập thủy điện… Trong gần 10 năm đó, không xảy ra  những vụ cháy nổ lớn, mất mát tài sản nghiêm trọng, gây rối trật tự công cộng làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng công trình.

Ở nơi Đồn Công an bảo vệ công trình thủy điện

Đến Đồn Công an bảo vệ công trình thủy điện Sơn La những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí khẩn trương làm việc của các cán bộ, chiến sĩ Công an cùng với Ban QLDA trong việc bảo vệ an toàn vận chuyển roto để lắp đặt cho tổ máy số 3. Ngay từ năm 2003 khi công tác chuẩn bị mặt bằng thi công được triển khai, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã sớm chỉ đạo thành lập tổ công tác chuyên trách giữ gìn ANTT trên khu vực công trường.

Tháng 8/2004, Đồn Công an bảo vệ công trình thủy điện Sơn La chính thức ra mắt theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, có chức năng, nhiệm vụ đảm bảo an toàn và ổn định về ANTT, tạo môi trường thuận lợi trong suốt quá trình thi công công trình.

Trong suốt những năm sát cánh cùng công trình thủy điện, Đồn Công an đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn. Thượng tá Trần Hưng Thọ, Phó trưởng Công an huyện Mường La, kiêm Trưởng đồn cho biết: "Cả đồn có 5 CSKV mà phải quản lý trên 10 nghìn công nhân ra vào công trình liên tục nên tương đối vất vả. Trước đây, người dân Mường La chủ yếu làm nông nghiệp, kể từ khi xây dựng công trình thủy điện, thị trấn Ít Ong đã đổi thay cơ bản. Sự xuất hiện của hàng loạt dịch vụ kinh doanh buôn bán đến các trò vui chơi, giải trí đã khiến cho Mường La nhanh chóng phát triển tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm, cờ bạc, trộm cắp, kể cả tội phạm truy nã cũng tìm đến để ẩn náu.

Mâu thuẫn giữa công nhân với nhau, giữa công nhân với dân địa phương thường xuyên xảy ra. Đặc biệt ở giai đoạn đầu thường xảy ra các vụ trộm cắp sắt thép, thiết bị xây dựng để bán sắt vụn. Thậm chí công nhân câu kết với kẻ xấu ở ngoài xã hội để gây án. Ban đêm, nhiều công nhân còn tổ chức sát phạt nhau bằng các trò đỏ đen. Khi bị Công an bắt quả tang, công nhân ở lán bên cạnh còn tổ chức cúp điện, dùng gạch, đá ném vào lực lượng thi hành nhiệm vụ.

Trước tình thế đó, Đảng ủy, Đồn Công an đã phối hợp với Ban Quản lý, Ban điều hành dự án cùng các đơn vị thi công xây dựng nhiều phương án đảm bảo an ninh cơ sở sản xuất và các khu vực xung quanh nhà máy. Để tránh xảy ra tệ nạn xã hội, đơn vị còn tăng cường công tác kiểm tra tạm trú, tạm vắng, phối hợp với nhà thầu nắm chắc tình hình thi công, biến động nhân lực và các vấn đề liên quan đến ANTT trên công trường. Ngoài ra còn tăng cường kiểm soát trên địa bàn, khu vực để kho bãi, vật tư, trang thiết bị…

Cán bộ, chiến sĩ cùng phối hợp với Ban QLDA không quản ngại gian khổ, kiên trì tuyên truyền, giáo dục, vận động anh em công nhân cùng tham gia đảm bảo ANTT, giữ gìn nếp sống văn hoá ở nơi làm việc và nơi ở. Các vụ việc về ANTT được điều tra, khám phá nhanh, đem lại niềm tin cho người dân". Kể từ khi thành lập đến nay, trải qua bao vất vả, thiếu thốn, cùng với Ban QLDA, cán bộ, chiến sĩ của Đồn Công an ở đây đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành điểm tựa vững chắc cho hàng vạn công nhân và các nhà thầu trên công trường.

Một buổi thăm nơi ở công nhân của cán bộ Đồn Công an bảo vệ công trình thủy điện Sơn La.

Theo chân các chiến sĩ Công an đi tuần tra trên công trình, chứng kiến sự kỳ vĩ của nó, chúng tôi mới cảm nhận hết những gian nan, vất vả của những người giữ bình yên cho thủy điện. Chuyện khó tin nhưng có thật, ở Đồn Công an hầu hết cán bộ, chiến sỹ 6 năm nay đều chưa có ai nghỉ phép, kể cả ngày lễ, Tết họ đều phải làm việc như những công nhân ngoài công trường. Có những người vợ dạy học trên những đỉnh núi xa, cách nhà cả một ngày đường đi bộ nhưng họ đều chấp nhận hy sinh, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành  nhiệm vụ.

Thiếu úy Lò Văn Tiến nhà ở xã Mường Bú, vợ dạy học mầm non ở xã Chiềng Công cho biết: "Được tham gia bảo vệ công trình thủy điện Sơn La, tôi thấy rất vinh dự và tự hào. Dù vợ chồng tôi đều công tác ở hai nơi xa xôi, cách trở về giao thông, 1 tuần mới gặp nhau một lần, nhưng chúng tôi xác định phải vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành trọng trách được giao".

Dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La đến nay đã thu được những kết quả thành công rất to lớn, 2 tổ máy đã phát điện trước thời hạn 2 năm, chuẩn bị phát điện tổ máy số 3, công tác di dân đã hoàn thành bước 1 di chuyển 100% mà không phải cưỡng chế một trường hợp nào, trong suốt quá trình tổ chức di dân cũng không để xảy ra một vụ tai nạn đáng tiếc nào, thành tích đó đã được Chính phủ và Nhà nước ghi nhận. Để có thành quả to lớn đó, là công sức, mồ hôi của hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Công an đã và đang ngày đêm miệt mài bảo vệ công trình, đem lại niềm tin cho nhân dân.

Theo số liệu thống kê, hiện nay tỉnh Sơn La có 59 dự án xây dựng thủy điện, xếp thứ 4 trong cả nước. Dự án Thủy điện Sơn La có công suất lớn nhất, đạt 2.400 MW, dự án thủy điện Huổi Quảng 520 MW, dự án thủy điện Nậm Chiến I 200MW…

Hiện nay đã có 13 dự án hoàn thành với 133,3MW điện hòa lưới điện quốc gia và 2 tổ máy của Thủy điện Sơn La với công suất 800MW đã hoạt động, còn lại 24 dự án đang thi công và 19 dự án đang triển khai các bước đầu tư. Công tác bảo vệ ANTT, bảo vệ an toàn thi công công trình và di dân giải phóng mặt bằng được Công an tỉnh Sơn La nỗ lực đảm nhiệm thành công.

Trần Hằng - Anh Hiếu
.
.
.