Tháng Năm ở Ba Đình

Bài cuối: Chuyện bảo tồn, gìn giữ di vật của Bác

Thứ Hai, 18/05/2015, 09:23
Đi dưới tán râm bóng mát của giàn cây leo, từng con gió mát thổi từ ao cá có những chú cá đang quẫy đuôi đớp mồi, nhìn những trái cam, trái bưởi sai lúc lỉu trong khu vườn của Bác, lòng tôi chợt dâng lên niềm xúc động khó tả.
>> Tháng Năm ở Ba Đình

Vườn cây ăn quả, ao cá, nhà sàn lịch sử là những kỷ vật thiêng liêng liên quan đến 15 năm sống và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch. Dù Bác đã ra đi được 46 năm, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dù có những loài cây chỉ hợp với khí hậu miền Nam, nhưng dưới sự chăm sóc, bảo quản đặc biệt của các cán bộ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, tất cả đều xanh tươi và gần như nguyên vẹn như ngày Bác còn sống.

Sinh thời Bác Hồ rất yêu thiên nhiên. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành một khoảng thời gian nhỏ để trồng cây, nuôi cá. Và sau khi Bác mất, một quần thể di tích lịch sử - văn hóa- danh nhân đã được hình thành trong khu vực Phủ Chủ tịch. Một không gian xanh tươi, thoáng đãng, sạch sẽ với hơn 200 cây cổ thụ, hơn 14 loài cá được duy trì trong suốt 46 năm qua, quả thật không hề dễ dàng với công tác bảo tồn.

Đến thăm ngôi nhà sàn gỗ của Bác, tôi vẫn không thể không dừng lại thật lâu bên cây vú sữa lịch sử. Cây vú sữa tỏa bóng mát bên nhà sàn và theo các cán bộ bảo quản thì nó đã trở thành cây cổ thụ, rất ít có quả và nếu có thì quả cũng rất nhỏ. Lúc sinh thời, Bác Hồ đặc biệt yêu quý cây vú sữa này và Người trồng nó ngay bên nơi ở của mình như thể lúc nào cũng được nhìn thấy đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Xung quanh ngôi nhà sàn của Bác, ngay từ đường đi cũng có cỏ cây, hoa lá mang dáng dấp của đồng bào miền Nam như hàng dừa lửa, cọ dừa trước sân nhà, cây ngân hoa, xoài, hoa giấy…

Điểm nhấn lớn nhất trong Khu di tích chính là những cây xanh đã trở thành kỷ vật thiêng liêng được mang từ nước ngoài về, của đồng bào khắp nơi tặng Bác và được Bác trồng, sau đó gìn giữ tươi tốt đến ngày nay.

46 năm qua, có những cây bị gẫy cành, đổ phải thay thế, nhưng theo chị Nguyễn Thị Mai Liên, cán bộ Khu di tích thì cây vú sữa của đồng bào miền Nam tặng Bác đến nay đã có tuổi thọ 60 năm vẫn đang khỏe mạnh. Tuy nhiên, lo lắng nhất hiện nay là mối mọt ăn cây. Chính vì vậy công tác chăm sóc, bảo quản đối với những cây ở miền Nam như vú sữa, dừa, xoài được tiến hành hết sức thận trọng, tỉ mỉ dưới sự giúp đỡ của Bộ NN&PTNT.

Chia sẻ với chúng tôi về công tác bảo quản, bảo tồn Khu di tích, ông Nguyễn Anh Minh, Phó Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch băn khoăn với những khó khăn phía trước. Các di tích, hiện vật, cảnh quan trong Khu di tích thường xuyên chịu tác động của thiên nhiên khắc nghiệt, của lượng khách tham quan ngày càng đông nên ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ và sự vẹn toàn của nó.

Trung bình một ngày có khoảng 10.000 lượt người vào Lăng viếng Bác, vào dịp 19-5 lượng khách viếng có thể lên tới 30.000 lượt người. Chính vì vậy mà việc giữ gìn lâu dài, nguyên vẹn cảnh quan, tài liệu, hiện vật, môi trường như hiện trạng gốc vốn có là một thách thức lớn. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm hơn 40 năm qua, các hiện vật được bảo quản hết sức nghiêm ngặt, tỉ mỉ, khoa học và được duy trì ở một chế độ chuẩn bằng hệ thống kỹ thuật hiện đại, đồng bộ có độ tin cậy cao.

Khách quốc tế đến tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chúng tôi đặc biệt tò mò về “công nghệ” làm thế nào 46 năm sau ngày Bác đi xa, những kỷ vật, hiện vật của Người vẫn được bảo quản một cách nguyên vẹn như vậy. Ông Minh cho biết, ngoài bảo quản thông thường, các cán bộ còn dùng công nghệ bảo quản khí khô. Như đối với hiện vật trong nhà (kính che) đã tiến hành bảo quản lau dọn và công nghệ khí khô, hút ẩm, điều hòa nhiệt độ trong điều kiện cho phép. Những hiện vật như tài liệu, gỗ, giấy, nhà sàn hiện được trưng bày dưới dạng kho mở, các yếu tố này gây nên bụi bẩn, hiện vật bị hư hỏng và là môi trường thuận lợi cho mối mọt, côn trùng và nấm mốc phát triển, đang là khó khăn lớn nhất hiện nay.

Để bảo quản và giữ gìn tư liệu quý giá và thiêng liêng này, các cán bộ đã phải dày công nghiên cứu, sưu tầm kinh nghiệm của các nước bạn, được sự quan tâm, đầu tư của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cùng các ban, ngành, đến nay tư liệu về Bác vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn.

Quần thể Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh rộng gần 14ha, hiện có 9 cán bộ làm công tác bảo quản trong nhà và 16 cán bộ bảo quản ngoài trời. Để gìn giữ những kỷ vật thiêng liêng của Bác, trong những năm qua Khu di tích luôn đổi mới quy trình và phương pháp bảo quản, đi sâu vào bảo quản khoa học, sử dụng trang thiết bị kỹ thuật hiện đại vào công tác bảo quản với mục đích tạo môi trường nhiệt độ và độ ẩm tốt nhất cho các di tích và tài liệu hiện vật.

Đều đặn, cứ từ 5h sáng, dù trời mưa bão thì cứ mốc giờ đó các cán bộ bắt đầu quét đường sạch sẽ để đón khách vào tham quan. Không chỉ bảo quản hiện vật thật tốt, họ còn là những người “chữa bệnh” kịp thời cho rất nhiều cây cổ thụ trong Khu di tích. Có cây được trồng từ ngày Bác mới về Phủ Chủ tịch bị mối xông và sâu bệnh nặng dẫn đến rỗng ruột, mục cành, nguy cơ lớn sẽ có thể bị chết. Khu di tích đã kịp thời phối hợp với các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn tiến hành tọa đàm khoa học để tìm ra giải pháp tốt nhất để bảo tồn cây di tích. Và trong những năm qua, đã có rất nhiều cây cổ thụ được bảo tồn và sống đến ngày nay.

46 năm qua, các thế hệ làm việc tại Khu di tích một lòng tận tụy, trách nhiệm, đã nỗ lực, cố gắng hết sức duy trì, đảm bảo công tác phát huy và giữ gìn những giá trị chân thực về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh để giới thiệu cho tất cả khách đến tham quan di tích. Tuy nhiên, công tác bảo quản, bảo tồn không chỉ dừng lại ở đó mà sẽ còn phải thực hiện lâu dài, vì vậy không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực về mọi mặt của cơ quan chủ quản mà còn cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và đồng bào trong cả nước để cho nơi đây luôn xứng đáng là một trong những khu di tích lịch sử quan trọng bậc nhất của quốc gia.

Trần Hằng
.
.
.