Bài cuối: Cảnh sát PCCC và ước mơ… thất nghiệp

Thứ Bảy, 11/07/2015, 11:28
Có lẽ người dân Thủ đô và nhân dân cả nước không thể quên hình ảnh quả cảm của các chiến sỹ Công an hòa mình trong biển lửa chữa cháy ở cây xăng Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ngọn lửa đỏ rực trùm lên sắc áo xanh ngắt của chiến sỹ cảnh sát trông như ngọn đuốc sống.

Chỉ riêng hình ảnh đó thôi cũng khái quát được công cuộc chiến đấu chống giặc lửa nguy hiểm, gian nan và khó khăn biết chừng nào. Càng ngẫm mới càng thấy, lời chúc các CBCS PCCC “Chúc các chú thất nghiệp” của Bác Hồ thật ý nghĩa.

 

Khó cả người lẫn phương tiện

Ngày 3/6/2013, chiếc xe bồn đỗ trên cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo, Hà Nội bùng cháy. Chỉ trong chốc lát, ngọn lửa đã lan rộng ra xung quanh, tạo thành cột khói đen trên nền trời. Xe chữa cháy, Cảnh sát PCCC ào đến hiện trường, tập trung dập lửa. 

Để ngăn ngọn lửa cháy lan, tránh nổ kho xăng đang nằm dưới lòng đất, cuộc chữa cháy gấp rút và cam go hơn bao giờ hết. 9 chiến sỹ bị thương. Người bị thương do hơi xăng, người bị lửa cháy vào quần áo, người bị sức nóng làm ngất xỉu. Chiến sỹ Hoàng Anh của Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm 2 lần vào viện 108 rửa mắt rồi lại chạy ra chữa cháy và tiếp tục bị bỏng đường hô hấp phải nằm viện điều trị…

Theo dõi diễn biến quá trình chữa cháy, nhiều người sững sờ khi thấy có chiến sỹ bị lửa bắt vào quần áo cháy bùng lên như ngọn đuốc. Sau này mọi người mới biết anh là Phạm Quang Vinh. Giống như Vinh, một số chiến sỹ chữa cháy trong bộ trang phục Cảnh sát mà không có một trang thiết bị bảo hộ cần thiết. Nếu có, chắc chắn thiệt hại về sức khỏe chiến sỹ chữa cháy sẽ giảm đi. Thế nhưng, khi đó cả Hà Nội mới chỉ có 50 bộ quần áo PCCC đạt chuẩn (được trang bị dưỡng khí), còn lại là 100 bộ cọc cạch, cũ kỹ.

Sau thời điểm năm 2013, các Phòng Cảnh sát PCCC của Hà Nội đã được trang bị thêm nhiều thiết bị phục vụ cho công tác chữa cháy. Tuy vậy, với việc bố trí các đội chữa cháy cách xa nhau như hiện nay thì sẽ làm giảm hiệu quả chữa cháy, tăng hậu quả thiệt hại do cháy.

Tại tỉnh Hải Dương tình trạng thiếu trang thiết bị chữa cháy, thiếu nhân lực chữa cháy cũng đang báo động. Đại tá Nguyễn Danh Thuy, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Đơn vị hiện có 1 xe thang, 8 xe chữa cháy, 3 xe chuyên dùng, 1 xe chỉ huy. Phần lớn các trang thiết bị đã sử dụng hàng chục năm, chỉ có 2 xe chữa cháy mới được Đại sứ quán Nhật Bản tài trợ.

Hiện Hải Dương mới chỉ có 1 đội chữa cháy trung tâm, trong khi địa bàn lại khá xa như: Tới thị xã Chí Linh 37km, tới huyện Thanh Miện 38,5km, ảnh hưởng đến thời gian di chuyển và hiệu quả công tác chữa cháy. 

Trước tình hình trên, đơn vị tham mưu cho Công an tỉnh, UBND tỉnh Hải Dương thành lập Đội PCCC Thị xã Chí Linh, KCN Phúc Điền (huyện Cẩm Giàng). Để khắc phục tình trạng thiếu lái xe chữa cháy, cán bộ chuyên ngành về lĩnh vực PCCC, đơn vị vừa phải huấn luyện, đào tạo bổ sung cán bộ trong công tác PCCC, đáp ứng nhu cầu công tác trong tình hình mới.

Chữa cháy tàu hóa chất ở Hải Phòng.

Theo Cục Cảnh sát PCCC, Bộ Công an, hiện lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp quá mỏng. Nhiều địa phương chỉ có 1 hoặc 2 đội chữa cháy, có đám cháy xảy ra ở cách đội chữa cháy tới 50 – 100km, đặc biệt là ở khu vực rừng núi, địa bàn rộng. Khi lực lượng chữa cháy tới nơi thì đám cháy đã lan rộng hoặc cháy hết. Để hoạt động hiệu quả thì các đội chữa cháy phải ở trong bán kính khoảng 5km. Mặt khác, trang thiết bị chữa cháy của lực lượng còn thiếu, đặc biệt là phương tiện chuyên dụng chữa đám cháy đặc thù.

Tiếng nói người trong cuộc

“Trong công tác PCCC, quan trọng nhất là phải phát huy nguyên tắc 4 tại chỗ” – Thượng tá Đỗ Thanh Hải, Trưởng Phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát PCCC &CNCH nói. 4 tại chỗ bao gồm: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Những bất cập trong công tác PCCC được lực lượng PCCC nhắc đến bao gồm: Ý thức và kiến thức của người dân còn lơ là, chủ quan, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh sản xuất. Tiếp đó là công tác quy hoạch đô thị, KCN chưa quan tâm đến khoảng cách an toàn PCCC, đường giao thông cho xe chữa cháy. Thứ nữa là điều kiện PCCC ở các KCN, khu dân cư chưa đảm bảo. Đặc biệt, lực lượng tại chỗ ở nhiều cơ quan đơn vị hoạt động yếu kém, không phát hiện sơ hở trong công tác phòng cháy, phát hiện cháy muộn, báo cháy muộn.

Trong việc báo cháy muộn có phần nhiều do sự chủ quan, do sợ ảnh hưởng đến uy tín, thi đua của đơn vị, sợ bị xử phạt khi lực lượng chức năng căn cứ vào nguyên nhân cháy và xác định hành vi để cháy… Đến khi họ không chữa cháy được thì mới gọi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Lúc đó, mọi việc đã muộn, hậu quả để lại rất lớn.

Theo quy định, mỗi tổ dân phố phải có một đội dân phòng làm công tác PCCC trong khu dân cư. Hiện tại, ở các khu dân cư đều đã thành lập đội này nhưng hầu như chỉ là hình thức “đánh trống ghi tên”, hiệu quả hoạt động không có bởi chế độ chính sách cho đội ngũ này cũng gần như không có gì. Thế nên, lực lượng PCCC phải quan tâm công tác tuyên truyền phòng cháy tới từng người dân trên từng địa bàn.

Như ở Đội Cảnh sát PCCC số 2 Hà Nội, Thiếu tá Dương Tiến Bách, Đội trưởng Đội Hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC cho biết, đội đã đi kiểm tra, tuyên truyền tới từng khu dân cư, làm quy chế, lồng ghép với các hoạt động khác. Chủ yếu các chương trình tuyên truyền, ký cam kết đều triển khai vào buổi tối nhưng anh em CBCS không nề hà. Tuy vậy, điều đáng buồn là khi triển khai, rất nhiều hộ dân không có ý thức tham gia. Có cuộc hội nghị tuyên truyền về PCCC trong khu dân cư, giấy mời phát đi 200 tờ nhưng chỉ có khoảng 50 người đến. 

Ở địa bàn Đội Cảnh sát PCCC số 1 phụ trách, hàng năm đơn vị đều tổ chức Hội thao nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, tổ chức thông tin lưu động, tuyên truyền PCCC tại các khu dân cư vào buổi tối và vận động các hộ kinh doanh tự trang bị phương tiện chữa cháy… 

Cảnh sát PCCC Hà Nội đã triển khai công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC bằng việc làm cụ thể như: in đĩa CD tuyên truyền về PCCC gửi đến các Phòng để gửi UBND các phường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh…

Tóm lại, trong công tác PCCC, việc chủ động phòng cháy, phát huy lực lượng tại chỗ khi chữa cháy là quan trọng nhất. Bên cạnh đó là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong PCCC như: xây dựng thiết kế hệ thống PCCC, triển khai phương án thực tập chữa cháy…

Hiện nay, những quy định của pháp luật về PCCC đã có đầy đủ. Ngoài Luật PCCC, các Nghị định, Thông tư đưa Luật vào thực tế đã được triển khai rộng rãi. Mới đây, ngày 25/6 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 47 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC. Chỉ thị yêu cầu: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC, xây dựng chiến lược PCCC nhất là đối với các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy nổ cao…

Trả lời phỏng vấn Báo CAND, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH nhận định, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ thị 47 của Ban Bí thư Trung ương thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về công tác PCCC nói chung và sự quan tâm của Đảng đối với tính mạng, tài sản của nhân dân trước mối đe dọa nguy cơ cháy nổ. Ngay sau đây, lực lượng PCCC sẽ tham mưu cho Bộ Công an tổ chức triển khai đồng bộ các yêu cầu, nhiệm vụ mà Chỉ thị đặt ra.

Dân gian thường có câu “cứu người như cứu hoả” để xác định mức độ quan trọng của công tác PCCC. Qua công tác thu thập tài liệu, chúng tôi ghi nhận sáng kiến rất hay của Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 Hà Nội là nên đưa bản tin cảnh báo cháy trên sóng truyền hình quốc gia vào các giờ cao điểm, khi nhiều người xem ti vi, ví dụ như sau chương trình thời sự, trước hoặc sau bản tin thời tiết để nhắc nhở người dân có ý thức phòng cháy. Đó là ý tưởng rất đáng để đưa vào thực hiện trong thời gian gần nhất. 

Phòng hơn chống. Nếu phòng cháy tốt, sẽ hạn chế các vụ hoả hoạn. Khi đó, sẽ ít đi những con số thương vong, thiệt hại tài sản và giấc mơ... thất nghiệp của Cảnh sát PCCC mới có thật.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC, xây dựng chiến lược PCCC nhất là đối với các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy nổ cao…

(Chỉ thị số 47 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC ngày 25/6 của Ban Bí thư Trung ương Đảng). 

Phạt 12 tỷ đồng lỗi vi phạm an toàn phòng cháy trong 6 tháng đầu năm

6 tháng đầu năm, cả nước có 6.271 trường hợp vi phạm về PCCC bị xử lý, 13 trường hợp bị phạt cảnh cáo, tạm đình chỉ hoạt động 11 cơ sở, đình chỉ hoạt động 8 cơ sở không đảm bảo an toàn về phòng cháy, phạt tiền 6.228 trường hợp với số tiền khoảng 12 tỷ đồng.

Hướng dẫn phòng cháy hộ gia đình

- Ở những nhà chật hẹp, người dân cần gửi xe máy ra khu trông coi ở chỗ được cấp phép có trang bị chữa cháy chứ không nên để xe ở tầng 1 cạnh nhà bếp.

- Đối với nhà buộc phải làm “chuồng cọp” chống trộm thì phải làm cửa “chuồng cọp”, có khoá, mở được. Đặc biệt là nên thực tập tình huống giả định cháy ở ngay từng gia đình.

- Cửa phòng làm bằng gỗ đặc tốt hơn cửa kính. Bởi khi xảy ra cháy, cửa kính không chịu được sức nóng sẽ vỡ, khói ùa vào trong. Khi cháy, nếu không thoát được ra ngoài thì tốt nhất nên ở trong phòng, bịt kín khe hở bằng băng dính hoặc chặn chăn để tránh khói vào phòng. Trong mỗi phòng phải để 1 cuộn băng dính to.

(Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng CS PCCC số 2 Hà Nội)

V. Hà – C.Hồng – Đ. Hùng
.
.
.