Ô nhiễm làng nghề và những cái chết được báo trước

Bài cuối: Cảnh báo của bác sỹ chống độc

Thứ Hai, 13/07/2015, 10:35
Thời gian vừa qua, dư luận cả nước đã biết đến làng nhiễm độc chì Đông Mai ở tỉnh Hưng Yên với hậu quả đáng sợ do việc tái chế ắc quy gây ra. Nay, thêm một lời cảnh báo cho làng nghề ở xã Yên Xá, huyện Ý Yên, Nam Định. Tiến sỹ (TS) Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, đưa ra thực trạng đáng lo ngại này.

Chuyện một cư dân nhí của làng nghề ở... bệnh viện

Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, TS Nguyễn Kim Sơn giới thiệu cho chúng tôi gặp một bệnh nhân đang điều trị nhiễm độc chì là cháu Dương Trọng Mạnh sinh sống tại làng nghề đúc đồng Tống Xá, nơi mà hàng ngày, hàng giờ người dân vẫn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước.

Năm nay đã 14 tuổi nhưng cháu Mạnh nhìn nhỏ bé như cậu bé mới lên 10. Chân tay khẳng khiu, nước da Mạnh có màu tái xám. Chị Trần Thị Bích, mẹ cháu Mạnh cho chúng tôi biết: Cháu Mạnh từ nhỏ đến giờ đã kém ăn, nuôi mãi không thấy lớn. Thời gian gần đây, thấy cháu xanh xao, gày mòn, lười ăn nên gia đình quyết định đưa cháu về Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai để khám bệnh và tìm nguyên nhân. Tại đây, các bác sỹ đã giới thiệu và chuyển cháu sang Trung tâm chống độc để làm các xét nghiệm máu.

Kim loại chất bên đường ở khu công nghiệp xã Yên Xá.

Chỉ nghĩ rằng con mình ốm yếu, xanh xao và lười ăn do bộ phận tiêu hóa hay gan thận chức năng làm việc kém nhưng chị Bích như ngã ngửa khi bác sỹ thông báo cháu Mạnh đã bị nhiễm độc chì với hàm lượng lên đến 40mcg/ddL. Các bác sỹ cũng đã hỏi cặn kẽ để tìm ra nguyên nhân dẫn đến cháu Mạnh bị nhiễm độc chì mới hay gia đình chị sống trong làng nghề đúc đồng Tống Xá.

Chị Bích không giấu giếm chúng tôi: Nhà chị không làm đúc đồng nhưng hai vợ chồng đều đi làm thuê cho các xưởng đúc đồng, đúc thép trong làng. Quá trình đúc đồng buộc phải sử dụng nguyên liệu là chì. Hằng ngày, trong làng có cả hàng chục hộ làm nghề đúc đồng, đúc thép hoạt động liên tục. Các công đoạn của việc đúc đồng, đúc thép sẽ tạo ra lớp bột bay trong không khí cũng như nước thải ra môi trường bên ngoài.

Trao đổi với chúng tôi liên quan đến bệnh nhân Dương Trọng Mạnh, TS Nguyễn Kim Sơn tỏ ra khá ái ngại. Ông chia sẻ: Đây là trường hợp Trung tâm khá lưu tâm khi tiếp nhận. Bởi lẽ, một cậu bé 14 tuổi mà hình dáng khá gầy gò, nước da tái xanh. Qua kết quả xét nghiệm cũng như tìm hiểu về điều kiện môi trường sống của bệnh nhân, chúng tôi có thể khẳng định, việc bệnh nhân Dương Trọng Mạnh bị nhiễm độc chì bắt nguồn từ chính sự ô nhiễm của làng nghề đúc đồng Tống Xá. Con đường nhiễm độc có thể từ sự ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước…

TS Nguyễn Kim Sơn quan ngại, đây có thể không phải là trường hợp duy nhất bị nhiễm độc chì tại làng nghề Tống Xá. Bởi lẽ, biểu hiện của những bệnh nhân bị nhiễm độc chì nếu không xét nghiệm máu có thể sẽ dễ lẫn với các biểu hiện của một số bệnh khác. Bên cạnh đó, cũng có những gia đình vì điều kiện kinh tế eo hẹp nên không có điều kiện để đưa con lên thành phố làm xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Cần có nghiên cứu về sức khỏe người dân làng nghề

TS Nguyễn Kim Sơn cho biết: Trẻ em bị nhiễm độc chì sẽ khiến cho suy giảm trí tuệ, tổn thương não, ảnh hưởng đến sự phát triển về tinh thần, ảnh hưởng đến chỉ số IQ của trẻ.

Phân tích cặn kẽ hơn, nếu nồng độ chì trong máu dưới 10mcg/ddL thì sẽ ảnh hưởng đến tim mạch, miễn dịch của trẻ. Nồng độ chì trong máu lên đến 40mcg/ddL như trường hợp bệnh nhân Dương Trọng Mạnh bắt buộc phải nhập viện điều trị để tiến hành thải độc chì trong máu và cơ thể. Nếu không thực hiện, sẽ để lại hậu quả nặng nề cho các cơ quan trong cơ thể. Đối với hệ sinh sản sẽ làm giảm chức năng sinh sản ở cả nam và nữ, đặc biệt sẽ gây ra tình trạng bất thường về nhiễm sắc thể khi nồng độc chì lớn hơn 60mcg/ddL. Hệ xương cũng là một trong những bộ phận bị ảnh hưởng nhiều khi bị nhiễm độc chì như quá trình hình thành xương mới, ảnh hưởng đến chức năng tạo cốt bào và hủy cốt bào.

Đối với hệ nội tiết, nhiễm chì sẽ khiến làm giảm chức năng tuyến giáp, giảm hóc môn tăng trưởng. Trẻ cũng sẽ thường xuyên bị các cơn đau bụng. Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã từng điều trị cho một bệnh nhân bị nhiễm độc chì đã 18 tuổi nhưng trí tuệ kém phát triển, chỉ biết tắt bật tivi và đọc chữ o, a; thể trạng nhỏ bé. Như vậy, có thể thấy, trẻ bị nhiễm chì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, để lại những di chứng lâu dài.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, có khá nhiều người dân tại làng nghề Tống Xá đã tỏ ra e dè chia sẻ thông tin. Bởi lẽ, không chỉ gắn liền với lịch sử hàng trăm năm của một làng nghề, ngày nay, nghề đúc đồng, đúc thép… đã trở thành miếng cơm, manh áo của bà con Tống Xá. Nếu gia đình không trực tiếp mở xưởng đúc thì phần nhiều người dân trong làng kể cả nam lẫn nữ cũng trở thành thợ làm thuê tại các xưởng nghề. Biết nghề tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng với họ dường như không còn lựa chọn nào khác.

Tuy nhiên, trước thực tế số người mắc ung thư và tử vong do ung thư ở khu vực làng nghề Tống Xá, xã Yên Xá và những phát hiện, nghi ngại của người đứng đầu Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành y tế, môi trường tỉnh Nam Định, huyện Ý Yên cần có một chương trình nghiên cứu, kiểm tra tổng thể sức khoẻ người dân địa phương có phương án bảo vệ sức khoẻ. Đặc biệt, tại địa phương này cần phải kiểm tra tình trạng nhiễm độc chì, nhất là ở trẻ em để sớm điều trị, ngăn chặn hậu quả lâu dài. Phát triển kinh tế nhưng phải đi đôi với nâng cao sức khoẻ người dân thì mới phát triển bền vững.

Kết quả xét nghiệm sàng lọc 109 trẻ nhỏ ở làng Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên năm 2012 của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Bộ Y tế đã cho thấy, 97% trẻ em đều bị nhiễm chì trong máu, nhiều trẻ có lượng chì trong máu cao gấp 6-7 lần cho phép, cần được thải độc, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trẻ 2-3 tuổi, dù gia đình không làm nghề thu gom, tái chế chì nhưng cũng có hàm lượng chì trong máu rất cao, cho thấy môi trường ở đây bị ô nhiễm, với mức độ ngày càng trầm trọng.

Kết quả xét nghiệm gần đây cũng cho thấy, có nơi ở làng Đông Mai bị nhiễm chì ở mức gấp 1.000 lần cho phép, trong khi vẫn đang còn khoảng1.000 tấn rác thải cần được xử lý gấp. Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hưng Yên đã lập dự án để có giải pháp xử lý đất, nước, chất thải rắn. Từ nay đến hết năm 2015, sẽ di dời toàn bộ cơ sở tái chế chì đến nơi quy hoạch. Thay lớp đất mặt ở những nơi bị ô nhiễm, cô lập 100 tấn đất có hàm lượng chì cao trong những bể chứa. Hơn 40 hộ sẽ được di dời sang 21ha đất mà tỉnh đã quy hoạch, cùng với các phương án xử lý nước, đất, chất thải rắn cụ thể. Sau đó, tỉnh sẽ hỗ trợ người dân tẩy độc chì và xử lý môi trường. (PV)  

N.Hương - V.Hà
.
.
.