Xung quanh chủ trương sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất vào năm 2015

Bài cuối: Cần giải pháp quyết liệt, tránh “bệnh” thành tích

Thứ Ba, 29/07/2014, 09:56
Mốc 2015 không còn nhiều thời gian. Xét về tổng thể, khi tổ chức kỳ thi quốc gia chung sẽ đạt được nhiều lợi ích, đỡ tốn kém cho xã hội hàng ngàn tỷ đồng. Vấn đề là làm thế nào để tổ chức kỳ thi đó theo đúng kỳ vọng, không tạo hệ lụy gây tổn thất lớn cho xã hội, đồng thời khắc phục được tình trạng thành tích ở nhiều địa phương và trường phổ thông.
>> Bài 1: Phải đạt tầm của một kỳ thi ĐH

Báo CAND tiếp tục lấy ý kiến của các giáo sư, nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia khảo thí và tuyển sinh.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Trường ĐH phải chủ trì việc chấm thi!

Tôi cho rằng, kỳ thi “hai trong một” ngay từ năm tới có thể thực hiện được. Vì thực ra đề thi lâu nay, nhất là năm nay, đã có sự đổi mới. Để chuẩn bị cho năm tới thì Bộ GD&ĐT phải nghiên cứu về cấu trúc đề, tập huấn người ra đề để đề thi ấy phải là đề thi tương đối nhuần nhuyễn. Đề thi đó còn phải có yêu cầu: một bài thi gồm nhiều môn chứ không thi rời rạc, toán riêng, văn riêng… như hiện nay. Ví dụ, thí sinh sẽ làm 4 bài thi: Toán và Tin; các môn khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh; các môn khoa học xã hội như Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân; và bài thi môn Ngoại ngữ.

Nhập hai kỳ thi làm một thì đương nhiên phải có giám thị là thầy, cô ở các trường phổ thông, cũng như ở các trường ĐH, CĐ. Thường thì cho đến nay, kỳ thi ĐH vẫn được đánh giá là nghiêm túc vì tính chất, mục đích của kỳ thi này. Nếu gộp hai kỳ thi thành một với hai mục đích thì tôi tin là kỳ thi này sẽ nghiêm túc hơn. Khâu chấm thi cũng có thể tổ chức hội đồng chấm hỗn hợp như vậy và bài thi thì không nhất thiết tỉnh nào chấm tỉnh ấy như kỳ thi tốt nghiệp hiện nay, mà đưa về một số trường ĐH chịu trách nhiệm chủ trì việc chấm thi và mời giáo viên phổ thông cùng chấm. Nhà nước phải cho thành lập ngay cơ quan khảo thí quốc gia. Cơ quan này độc lập với tất cả các bộ, địa phương thì mới đảm bảo tính khách quan. Bên cạnh đó, khuyến khích thành lập những tổ chức khảo thí khác hoặc giao cho những trường ĐH lớn có trách nhiệm tổ chức các đơn vị khảo thí.

Tuy nhiên, cũng không nên quá kỳ vọng là gộp hai kỳ thi chung sẽ chống được tiêu cực. Chống được hay không phụ thuộc vào mỗi học sinh, phụ huynh, giáo viên và lãnh đạo địa phương.

Nếu tổ chức một kỳ thi quốc gia, đề thi cần phải phân hóa mạnh để đủ sức làm hai “sứ mệnh”.

Ông Dương Đình Hoán, Quyền Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Thanh Hóa: Nên đổi, đảo cán bộ coi thi, chấm thi để tránh cục bộ thành tích.

Chúng tôi đã nghiên cứu dự thảo Đề án về tổ chức một kỳ thi quốc gia của Bộ GD&ĐT. Về cơ bản, chúng tôi ủng hộ việc tổ chức một kỳ thi quốc gia. Tuy nhiên, trong hai phương án được đưa ra, chúng tôi nghiêng về phương án 1 - thi theo môn (tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp năm 2014); phương án 2 - thi theo bài, theo tôi chưa ổn lắm. Về hình thức tổ chức thi theo cụm thi theo địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chúng tôi thấy cần nghiên cứu thực hiện đổi, đảo cán bộ coi thi và chấm thi để giảm áp lực cho các thầy cô ở địa phương và cũng hạn chế tình trạng cục bộ. Tránh tình trạng người coi thi là các thầy cô ở địa phương, coi thi và chấm thi cho học sinh của chính địa phương đó. Tổ chức thi ở các cụm thì việc quản lý, chỉ đạo cũng có phần bị phân tán. Như Thanh Hóa là tỉnh lớn, tổ chức thành các cụm cũng gây khó khăn cho việc quản lý. Các giáo viên Thanh Hóa coi thi, chấm thi chỉ cần “lỏng” một chút thôi thì kết quả đã thay đổi đáng kể. Vì thế, chúng tôi cũng có đề xuất, cần huy động số lượng cán bộ của các trường ĐH, CĐ vào coi thi và chấm thi, tạo sự nghiêm túc, chặt chẽ như các kỳ thi ĐH, vì các trường ĐH đến coi thi để tuyển học sinh cho mình.

TS. Nguyễn Khắc Thái, nguyên giảng viên ĐH Huế: “Phải thanh lọc tình trạng tiêu cực trong hệ thống trường phổ thông”.

Gộp thành một kỳ thi quốc gia là một cố gắng đổi mới lớn của ngành giáo dục. Việc gộp thành một kỳ thi chung tiết kiệm được Ngân sách Nhà nước, chi phí lớn của nhân dân và giảm bớt được phiền toái áp lực học hành, thi cử, đi lại. Tôi có băn khoăn là hiện nay, chúng ta chưa có quy chuẩn thống nhất về giáo trình, chương trình học phổ thông. Hiện có người đưa ra quy chuẩn của Tây Âu, của Mỹ, và quy chuẩn trong nước, chưa có sự thống nhất mà đã đưa vào kỳ thi chung là vội vã. Trong khi xã hội còn có nhiều tiêu cực, liệu có thể dựa vào kết quả học lực, học bạ của học sinh ở các trường phổ thông để làm một phần cơ sở vào ĐH?

Để gộp thành một kỳ thi quốc gia, theo tôi cần giải quyết được 3 việc: Thứ nhất, đánh giá lại toàn bộ chương trình phổ thông ở Việt Nam, bổ sung những điểm, những mặt chưa tương thích với thế giới, với nhu cầu hiện đại, chứ không phải  sao chép một chương trình nào đấy áp đặt vào học sinh trong nước. Thứ hai, phải thanh lọc tình trạng tiêu cực trong hệ thống trường phổ thông. Điểm của học sinh phải là điểm thực chất để lấy làm căn cứ một phần xét vào ĐH. Thứ ba, nên duy trì một kỳ thi ĐH chung cho tất cả các trường ĐH, với mẫu đề thống nhất. Tri thức cần thống nhất trong toàn quốc, tránh chênh lệch giữa các vùng, miền, khu vực. Tôi cũng đề nghị nên có một chính sách ưu tiên cho các đối tượng được hưởng đãi ngộ của Nhà nước. Việc áp dụng kỳ thi quốc gia vào năm 2015, theo tôi cần phải cân nhắc kỹ, không nên quá vội vàng để lại hệ lụy là sự bất bình đẳng giữa các đối tượng trong xã hội, bất bình đẳng giữa thành thị với nông thôn, người giàu - người nghèo.

NGƯT Lê Tiến Hưng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An: Giao cho các trường đại học tổ chức thi, chịu trách nhiệm trước Chính phủ

Từ kinh nghiệm thực tế tổ chức thi ở địa phương, tôi thấy điều quan trọng cấp cơ sở phải quán triệt sâu sắc chủ trương của Chính phủ và của Bộ GD&ĐT. Có được sự thống nhất như vậy thì thực hiện rất dễ. Để triển khai kỳ thi quốc gia vào năm tới, theo tôi phải thay đổi tư duy, nhận thức - đây là vấn đề khó, bởi đụng đến lợi ích trước mắt thì ai cũng chạnh lòng. Trong giáo dục luôn có nhân văn nên đôi khi thương trò. Nhưng về lâu dài, thực sự nghĩ cho bản thân các em, cho gia đình, rồi quốc gia, dân tộc, thì thay đổi là cần thiết. Nếu coi thi cử đột phá, quản lí là khâu quan trọng thì cũng cần sự quan tâm từ trên xuống.

Việc áp dụng tổ chức kỳ thi quốc gia vào năm 2015, cá nhân tôi cho rằng có lẽ hơi vội. Nếu có thể thì nên công bố chủ trương và làm sau 2-3 năm sau đó, cho học sinh của 1 khóa học THPT biết trước chủ trương. Còn nếu coi đây là "đột phá phải làm ngay" thì phải công bố chủ trương ngay; đồng thời chuẩn bị tâm thế chấp nhận cái mới khi vào thực tiễn sẽ khó khăn trăm bề. Cứ làm, lắng nghe, hoàn thiện và chuẩn bị hết sức chu đáo để có tinh thần cầu thị của toàn xã hội. Ngay bây giờ cũng phải nghĩ đến quy chế thi cho kỳ thi chung. Quy chế thi tốt nghiệp không dùng được, không khách quan được, kết quả bị đội lên hết. Thách thức lớn nhất có lẽ là cách tổ chức thi. Tôi nghĩ, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ lâu nay luôn được đánh giá nghiêm túc nên thi chung giao cho các trường ĐH, CĐ tổ chức, lãnh đạo địa phương tham gia nhưng trường ĐH chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chính phủ và Bộ GD&ĐT. Tôi tin đội ngũ làm đề thi của chúng ta rất giỏi. Nếu có điều kiện và cần thiết thì mời chuyên gia quốc tế tham dự. Và phải thực sự quyết tâm thì sẽ làm được...

Thu Phương – Thu Uyên
.
.
.