Quản lý trang tin thông tin điện tử, đừng đợi “rách rồi mới vá”:

Bài 2: Nhiều kiểu lách luật, bịt thế nào cho kín?

Thứ Ba, 16/12/2014, 08:45
Nếu như báo điện tử phải hoạt động theo luật báo chí, tức là có những ràng buộc nhất định để đảm bảo tính trung thực, khách quan, thì các trang tin thông tin điện tử và trang tin điện tử tổng hợp không phải tuân theo luật báo chí. Từ kẽ hở này đã nảy sinh nhiều hệ lụy, dẫn đến sai phạm khó kiểm soát của hàng loạt trang tin thông tin điện tử thời gian qua như thông tin sai, thiếu kiểm chứng, giật gân, câu khách; vi phạm đạo đức xã hội, làm băng hoại thuần phong mỹ tục; vi phạm bản quyền.
>>Quản lý trang tin thông tin điện tử, đừng đợi rách rồi mới vá

Mặc dù pháp luật đã quy định rõ trang tin thông tin điện tử không được phép hoạt động như một tờ báo, bản thân các trang tin  thông tin điện tử trong giấy phép hoạt động cũng đều không có chức năng báo chí, các đơn vị này cũng không có cơ quan chủ quản, có nghĩa là không có tôn chỉ mục đích rõ ràng, tuy nhiên, trên thực tế, họ vẫn hoạt động báo chí một cách bừa bãi, trái với quy định của pháp luật.

Thực tế này đã khiến không ít người phải đặt câu hỏi, tại sao đã có báo điện tử rồi, lại còn có thêm loại hình trang tin thông tin điện tử làm gì, trong khi các trang tin thông tin điện tử không được phép sản xuất tin bài, mà chỉ được dẫn lại thông tin từ báo chí chính thống? Mặc dù theo quy định, sử dụng thông tin phải tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ nhưng việc sao chép rồi tự ý chỉnh sửa tít, thêm bớt nội dung đang diễn ra tràn lan ở các trang thông tin loại này. Đây có thể gọi là vấn nạn “ăn cắp” tin bài, sống nhờ trên “sức lao động” của các cơ quan báo chí.

Trường hợp của Báo Thanh Niên bức xúc, phản ứng khi bị các trang tin thông tin điện tử cắt xén tin bài, vi phạm bản quyền, có thể xem là một ví dụ điển hình trong hàng loạt vụ vi phạm trong lĩnh vực này. Vào tháng 11/2014, sau khi Báo Thanh Niên đăng tải bài phỏng vấn độc quyền ca sỹ Hồ Ngọc Hà, hàng loạt trang tin thông tin điện tử đã lấy lại, tự ý cắt xén và không dẫn nguồn, khiến cho nhiều độc giả hiểu nhầm đó là thông tin riêng của các trang tin đó. Quá bức xúc, đại diện Báo Thanh Niên đã phải lên tiếng yêu cầu các trang tin thông tin điện tử tôn trọng bản quyền của mình về vấn đề này. Một ví dụ khác là vào tháng 9/2014, sau khi thông tin về Giáo sư Ngô Bảo Châu đi dép tổ ong dạy học sinh vùng cao, được 1 báo điện tử đăng tải, ngay tức thì các trang tin thông tin điện tử đã xào xáo rồi đưa tin lại với nhiều tít dẫn khác nhau...

Thế nhưng, chỉ sau mấy tiềng đồng hồ, trên Facebook của Giáo sư Ngô Bảo Châu đã đăng tải status khiến nhiều người phải giật mình về độ chính xác của những thông tin mà các trang mạng đã xuất bản, với đại ý rằng: “Chuyến đi không có các nhà báo đi cùng nên nhóm từ thiện không chịu trách nhiệm về các bài viết dựa trên trí tưởng tượng của một số nhà báo”. Qua đó cho thấy, việc sao chép lại thông tin từ các báo điện tử không chỉ vi phạm bản quyền, mà còn làm hỗn loạn thông tin mạng khi tin bài gốc sai có thể kéo theo hàng chục trang tin khác cũng bị sai theo.

Ngoài ra, mặc dù pháp luật quy định rõ, các trang tin thông tin điện tử đã đăng thông tin từ báo chính thống thì phải đăng chính xác theo đúng nguồn tin, thế nhưng quy định này không có nhiều trang tin điện tử thực hiện đúng. Điều này dẫn đến hậu quả là có rất nhiều thông tin sau khi đã được cơ quan báo chí chính thống đính chính thì các trang dẫn nguồn này không đính chính hay chỉnh sửa nội dung mới mà cơ quan báo chí đã đưa lên, gây hậu quả nghiêm trọng.

Thực tế cho thấy, sau khi có những động thái mạnh từ cơ quan quản lý, nhiều trang tin thông tin điện tử đã có những cách lách luật, bằng cách dẫn lại thông tin từ những tờ báo đã có thỏa thuận riêng với họ. Thậm chí, có những thông tin không xuất hiện trong tờ báo gốc, song vẫn được dẫn nguồn theo tờ báo đó. Bên cạnh đó, các cơ quan này còn mặc nhiên vào các hội nghị, hội thảo để lấy tài liệu, thông tin sản xuất tin bài. Trong quá trình đưa tin, do không tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, hoặc không có nghiệp vụ nên đã dẫn đến việc nhiều trường hợp đưa thông tin sai, gây hại cho cá nhân, tổ chức lẫn xã hội. Đây là hiện tượng lách luật, tức là tìm kẽ hở pháp luật chưa cấm. Họ biến việc sai luật thành đúng luật để hợp thức hóa sai phạm, gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Do đó, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ TT&TT cần có giải pháp để sớm chấm dứt tình trạng này.

Một trong những đề xuất được nhiều những người làm báo đề cập đến nhiều nhất trong việc bịt lổ hỗng quản lý là cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của trang tin thông tin điện tử tổng hợp để nó có thể hoạt động đúng với chức năng vốn có của nó. Ví dụ như, trang tin thông tin điện tử của một trung tâm sức khỏe chỉ đăng tin về hoạt động của trung tâm, thấy tin bài nào liên quan đến mình thì giới thiệu vài đoạn rồi dẫn link về bài gốc. Đối với các mô hình tổng hợp thuần túy như baomoi.com, chỉ giới thiệu vài đoạn rồi link về tin bài gốc.

Bên cạnh đó, để chấm dứt tình trạng “ăn cắp”bản quyền, có thể bổ sung thêm quy định bằng cách cấm trang tin thông tin điện tử tổng hợp không được đăng lại tin bài từ báo chính thống khác, mà chỉ được đăng một đoạn ngắn rồi dẫn về tin bài gốc. Mỗi khi cơ quan báo chí đã sửa gốc thì nội dung sửa chữa cũng sẽ được các trang tin này chia sẻ, đảm bảo độ chính xác, kịp thời cao. Riêng đối với các trang tin thông tin điện tử có nhu cầu sản xuất tin bài và có khả năng đáp ứng được yêu cầu này thì Bộ TT&TT cũng nên xét điều kiện để cấp phép ra báo điện tử; tránh tình trạng DN phải “lách luật” để hoạt động, còn cơ quan quản lý thì đau đầu vì không thể xử lý vi phạm.                

Cần tăng chế tài, tăng sự kiểm soát để xử lý nghiêm sai phạm của các trang tin thông tin điện tử. Điều này không có nghĩa là hạn chế báo chí, vì các trang tin điện tử là của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tư nhân chứ không phải cơ quan báo chí, nên cần hạn chế hoặc chấn chỉnh để chúng hoạt động đúng tôn chỉ mục đích như trong giấy phép đăng ký kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. (Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam)

Hầu hết những người khởi xướng, quản lý và tham gia hoạt động các trang tin thông tin điện tử, mạng xã hội đều có tuổi đời rất trẻ, phần lớn đều dưới 30 tuổi. Họ rất giỏi về công nghệ, nhạy bén với cái mới và táo bạo trong kinh doanh. Đây là những phẩm chất rất quý giúp họ có thể khởi nghiệp thành công. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là rất nhiều người trong số đó không nắm được các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực mình hoạt động nên đã để xảy ra những sai phạm đáng tiếc.

Cũng chỉ vì quá trẻ, giỏi về công nghệ, nhạy bén trong kinh doanh, nhưng lại hạn chế về pháp luật, kiến thức văn hóa, xã hội, thiếu nhạy cảm chính trị nên đôi khi làm sai mà vẫn tưởng mình làm đúng. Chính cái thiếu và hạn chế này khiến các em đôi khi không đủ bản lĩnh và tỉnh táo để vượt qua những cám dỗ về lợi nhuận thuần túy cho cá nhân mình, DN mình mà coi nhẹ lợi ích chung của đất nước, cộng đồng xã hội. (Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát Thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT).

Huyền Thanh
.
.
.