Tai nạn xe khách và nỗi lo ám ảnh trên những cung đường

Bài 2: “Giải mã” các vụ tai nạn xe khách

Thứ Sáu, 21/06/2013, 21:11
Sau mỗi vụ TNGT, ai cũng giật mình, lo sợ. Ngay lập tức, cơ quan chức năng vào cuộc tiến hành giám định, “giải mã” các nguyên nhân dẫn đến việc nhà xe và hành khách bị lưỡi hái tử thần cướp đi. Rồi những giải pháp tiếp tục được đưa ra. Song những nỗ lực đó dường như “muối bỏ bể”, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra và còn có chiều hướng gia tăng. Vậy đâu là bản chất vấn đề. Nguyên nhân nào có thể khắc phục, và nguyên nhân nào khó thay đổi…
>> Bài 1: Nhà xe, hành khách vẫn “đánh đu” với “tử thần”

97% số vụ tai nạn nghiêm trọng do vi phạm tốc độ, sai phần đường

Theo kiểm tra đánh giá của các cơ quan chức năng, trong các vụ tai nạn giao thông xe khách thảm khốc, thì có đến 80% là do ý thức lái xe, với các lỗi vi phạm chủ yếu là lấn làn đường, tránh vượt sai quy định, chạy quá tốc độ, phương tiện bị mất phanh...

Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cũng cho thấy có tới 80% số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe khách gây ra, chủ quản lý xe là tư nhân; trong số đó có tới 97% số vụ vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định, thiếu chú ý quan sát. Thông qua hoạt động thanh tra thiết bị giám sát hành trình tại Quảng Ninh tháng 5 vừa qua, kiểm tra khoảng 50 xe từ thiết bị hộp đen trong thời gian 10 ngày, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.157 vi phạm về tốc độ, vi phạm lớn nhất là 126km/giờ (quy định tối đa là 80km/giờ). Cá biệt, có trường hợp trong một ngày, lái xe khách vi phạm tốc độ tới 300 lần.

CSGT xử lý lái xe dừng đỗ sai phần đường.

Đánh giá việc lái xe cố tình “vượt đuổi” tốc độ quy định, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, với tốc độ cao như vậy, người lái không thể làm chủ tốc độ, không thể xử lý được tình huống xuất hiện đột ngột trên đường, đó là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua. Ông Hiệp đưa ra nghiên cứu của các nước trên thế giới, tốc độ xe tăng lên 10km/giờ, thì khả năng xảy ra tai nạn và mức độ xảy ra tai nạn tăng lên gấp 2 lần. Như vậy, xe khách chạy với tốc độ 125km/giờ so với tốc độ cho phép là 70km/h, thì mức độ tai nạn tăng lên gấp 32 lần.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra giao thông, Bộ GTVT cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, tai nạn xảy ra một phần còn do việc đào tạo, cấp phép lái xe ở nhiều địa phương quá dễ dãi. Song, chỉ đến khi lực lượng chức năng vào cuộc, mới bị phát hiện. Gần đây nhất, qua đợt kiểm tra đầu tháng 5 tại 5 Sở GTVT, 25 cơ sở đào tạo lái xe ôtô, 4 cơ sở lái xe môtô, 15 trung tâm sát hạch… Thanh tra Bộ đã kiến nghị hạ số lượng đào tạo lái xe của 4 đơn vị tại TP Hồ Chí Minh; dừng tuyển sinh đào tạo lái xe ôtô tại 2 đơn vị Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp, thuộc Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Phân hiệu III Trường Trung cấp nghề khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại Hậu Giang…

Hạ tầng giao thông kém - nguyên nhân gây tai nạn

Không đổ lỗi hoàn toàn cho ý thức của lái xe, một số đại diện cơ quan chức năng cũng đưa ra nhận định nguyên nhân tai nạn xe khách tăng, một phần là do kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, (một trong 9 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng cao) thừa nhận, hiện nay, tuyến QL1A là tuyến giao thông huyết mạch của cả nước, có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn. Các vụ tai nạn đều xảy ra ở các điểm đen. “Vì thế, cơ quan chức năng cần có thống kê ngay điểm đen, để gắn biển cảnh báo cho người tham gia giao thông, xây dựng mô hình điểm về an toàn giao thông”, ông Thắng kiến nghị.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia bày tỏ, về hệ thống cơ sở hạ tầng, chất lượng đường sá, mặc dù đã được nâng cấp, cải thiện nhiều hơn trước nhưng theo đánh giá chung, thì vẫn chưa đảm bảo điều kiện an toàn. Đặc biệt rất nhiều khu dân cư, khu công nghiệp vẫn hình thành dọc các tuyến quốc lộ được nâng cấp. Chính quyền vẫn cấp đất dọc các tuyến đường này, trong khi công tác quản lý an toàn hành lang đường bộ chưa được giải quyết triệt để. Rõ ràng, người dân khi đi qua, sẽ tạo ra sự xung đột rất nguy hiểm cả ban ngày lẫn ban đêm. Ông Thái cho biết: "Theo phân tích của Cục Cảnh sát  giao thông đường bộ - đường sắt, nguyên nhân gây tai nạn từ cơ sở hạ tầng, chất lượng đường sá, chiếm khoảng từ 1-1,5% số vụ tai nạn giao thông".

Nhấn mạnh hơn, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, ý thức của người dân tham gia giao thông còn hạn chế… Vậy, tai nạn giao thông chỉ giảm khi lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, nhưng cũng chỉ làm được một thời gian rồi lại tái diễn. Ngoài ra, ông Hiệp khẳng định, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và lực lượng tuần tra kiểm soát vi phạm đóng vai trò “then chốt” trong việc kéo giảm tai nạn nghiêm trọng.

Thượng tá Vũ Tiến Dũng, Trưởng phòng CSGT Điện Biên: Bố trí lực lượng chốt trực tại các đoạn đèo dốc, để “đánh thức” lái xe sau hành trình dài

Để ngăn ngừa tai nạn giao thông, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, lực lượng CSGT Điện Biên thường xuyên tăng cường tuần tra kiểm soát tuyến đường đèo dốc, cụ thể là bố trí chốt trực tại đỉnh đèo. Đây được coi như hành động “đánh thức” lái xe, nhất là những lái xe khách chạy tuyến Hà Nội - Điện Biên sau một đêm dài lái xe trên đường. Ngoài ra, CSGT Điện Biên còn thông báo trường hợp xe vi phạm trên các phương tiện truyền thông, tới các doanh nghiệp để họ kiên quyết xử lý lái xe vi phạm. Đồng thời, tại một số điểm có nguy cơ tai nạn cao, ngành Giao thông nên nghiên cứu bố trí một số biển hạn chế tốc độ, không nên cho lái xe chạy tốc độ cao.

Bộ trưởng  Đinh La Thăng: “Không thể nói một lái xe không biết sử dụng phanh tay là ổn được”

Mới đây, tại cuộc họp khẩn để tìm ra giải pháp ngăn chặn tình trạng gia tăng tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn lên tiếng: “Xe khách gây tai nạn, Đăng kiểm nói không vấn đề gì thì công tác đào tạo phảicó vấn đề. Không thể nói một lái xe không biết sử dụng phanh tay là ổn được”. Bộ trưởng Thăng đề nghị, thời gian tới, phải rà soát tất cả trung tâm đào tạo lái xe, kiên quyết xoá các trung tâm đào tạo, sát hạch kém chất lượng và xem xét trách nhiệm các đơn vị quản lý dễ dãi trong cấp phép.

Ông Nguyễn Đình Chung - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Đa phương thức Duyên Hải (Hải Phòng): Tai nạn thường xảy ra khi không có lực lượng Công an ở đó

Số lượng các chốt, trạm kiểm tra dọc tuyến QL5 khá nhiều, nhưng hoạt động không thường xuyên liên tục, phân bố không đồng đều. Do đó, chế tài đối với người điều khiển và phương tiện còn hạn chế. Các vụ tai nạn thường xảy ra khi không có lực lượng Công an ở đó, nhất là vào ban đêm. Bởi vậy, cơ quan Công an nên điều hành hệ thống chốt, trạm kiểm tra một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo 24/24h. Đồng thời, đặt các biển cảnh báo, nguy hiểm ở vị trí dễ nhận biết cho người tham gia giao thông.

PV

T. Huyền
.
.
.