Thất thoát hàng nghìn tỉ đồng thuế tài nguyên mỗi năm: Lộ diện những “lỗ hổng” của ngành khai khoáng

Bài 2: Doanh nghiệp đủ chiêu trốn thuế, nợ thuế

Thứ Tư, 12/11/2014, 07:43
Khai gian sản lượng, giả chết lâm sàng, cố tình chây ì… Với những chiêu thức tinh vi, nhiều doanh nghiệp khai khoáng đang trốn thuế, nợ thuế khiến ngân sách Nhà nước thất thu hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Vậy là, mặc dù là tài sản quốc gia, mặc dù đang bị khai thác hết công suất nhưng nguồn thuế tài nguyên đóng vào ngân sách quốc gia lại chẳng đáng là bao…
>>Bài 1: Dân nghèo vì… khoáng sản

Doanh nghiệp giả chết lâm sàng, khai gian sản lượng để trốn thuế

Theo Cục Thuế tỉnh Cao Bằng, hiện trên địa bàn tỉnh có 27 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, mới chỉ có 5 doanh nghiệp hoàn thành nghiêm túc việc nộp thuế, 19 doanh nghiệp nợ thuế, 3 doanh nghiệp giấy phép hết hạn. Tổng số thuế còn tồn đọng là 26,7 tỉ đồng, trong đó có một số doanh nghiệp nợ đọng kéo dài như Công ty CP Khoáng sản Công nghiệp Cao Bằng (8 tỉ đồng), Công ty CP Công nghiệp Măng gan Cao Bằng (6,4 tỉ đồng), Công ty CP Khai thác chế biến khoáng sản Barit và chì kẽm Cao Bằng (6,8 tỉ đồng), Công ty CP khoáng sản Tây Giang Cao Bằng (1,1 tỉ đồng)… Để tránh gian lận thuế, tỉnh Cao Bằng áp dụng thu thuế theo sản lượng ấn định, tuy nhiên cũng không có nhiều doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc.

Bà Đinh Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng Quản lí nợ và cưỡng chế thuế (Cục Thuế tỉnh Cao Bằng) cho biết: “Hiện tại, Cục Thuế tỉnh đã ban hành quyết định cưỡng chế thuế đối với 17/19 doanh nghiệp đang nợ thuế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không có số dư trong tài khoản nên không thể trích tài khoản. Sau 1 tháng, chúng tôi sẽ tiến hành cưỡng chế bằng cách ngừng hoá đơn”. Bà Tuyết cũng nói thêm: “Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đều lấy lí do hoạt động thua lỗ, khó khăn tài chính để nợ đọng thuế. Rất khó để biết họ có thua lỗ thật sự hay không do chúng tôi chỉ kiểm soát được số tài khoản họ đăng kí với cơ quan thuế. Doanh nghiệp kêu thua lỗ nhưng chưa có doanh nghiệp nào xin dừng hoạt động. Nhiều mỏ vẫn sản xuất cầm chừng, thậm chí khi cơ quan thuế đến làm việc, cả công ty chỉ còn mỗi bảo vệ”.

Về lí do nợ thuế, ông Phạm Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Măng gan Cao Bằng nói: “…Chúng tôi đang gặp khó khăn về tài chính. Hiện doanh nghiệp đang trả nợ thuế mỗi tháng 800 triệu đồng, đến quý 1-2015 sẽ trả nợ dứt điểm”. Mặc dù kêu khó khăn tài chính nhưng báo cáo doanh thu của doanh nghiệp rất khả quan. Năm 2012, doanh thu của doanh nghiệp đạt 12,9 tỉ đồng, năm 2013 tăng lên 19,3 tỉ đồng và chỉ trong 9 tháng đầu năm nay đã đạt 25 tỉ đồng. Doanh thu tăng trưởng cao nhưng doanh nghiệp vẫn báo thua lỗ, khó khăn tài chính, phải chăng đây là chiêu “giả chết lâm sàng” để cố tình nợ thuế?

Hiện nay, lỗ hổng lớn trong hoạt động khai thác khoáng sản chính là việc Nhà nước thất thu thuế tài nguyên. Nguyên nhân là việc thu thuế vẫn được tiến hành dựa trên sản lượng tự khai báo của doanh nghiệp trong khi lại không kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp khai gian sản lượng để trốn thuế, phí. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, việc để doanh nghiệp tự khai báo trữ lượng là rất văn minh, hầu hết các nước tiên tiến đều làm vậy, tuy nhiên ý thức tự giác, minh bạch của nhiều doanh nghiệp Việt Nam không cao.

Mặc dù doanh thu liên tục tăng trưởng tốt nhưng Công ty CP Công nghiệp Măng gan Cao Bằng vẫn kêu khó khăn để chây ì khoản thuế 6,4 tỉ đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) thì cho rằng, việc doanh nghiệp tìm cách trốn thuế xuất phát từ chỗ thuế tài nguyên tăng cao. “Trước đây, thuế tài nguyên và phí môi trường còn thấp, giờ tăng cao quá khiến nhiều doanh nghiệp không còn kinh phí để nộp”, ông Quân nói.

Đứng ở góc độ cơ quan thuế, bà Đinh Thị Ánh Tuyết - Trưởng phòng Quản lí nợ và cưỡng chế thuế (Cục Thuế tỉnh Cao Bằng) cho biết: “Chúng tôi không thể biết doanh nghiệp có khai gian sản lượng hay không, đây là chuyên môn được giao của Bộ Công Thương, lực lượng Công an”.

Nhà đầu tư ngoại cũng trốn thuế, nợ thuế

Việc Tập đoàn Besra (Canada) đóng cửa mỏ vàng lớn nhất Việt Nam (Bồng Miêu) sau khi đã khai thác cạn kiệt mỏ vàng và vẫn không chịu đóng gần 300 tỉ đồng tiền thuế đã cho thấy thực trạng đáng buồn là khoáng sản – tài nguyên quốc gia đang bị “hô biến” thành ngoại tệ “chảy” sang nước ngoài. Chiêu thức quen thuộc vẫn là báo cáo thua lỗ để chây ì nộp thuế.

Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, ông Lương Đình Đường, hiện trên địa bàn tỉnh, tổng nợ thuế của các tổ chức và cá nhân là 768 tỉ đồng. Riêng Tập đoàn Besra Inc Việt Nam, đơn vị đang quản lý hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn, nợ 297 tỉ đồng, chiếm 38% tổng số nợ thuế của địa phương. Điều đáng nói là tập đoàn này nợ thuế không phải do làm ăn thua lỗ, vì con số 6,9 tấn vàng mà hai công ty này khai thác được khiến ai nghe cũng choáng ngợp. Theo tính toán của giới kinh doanh, nếu tính giá vàng tại thời điểm thấp nhất là 30 triệu đồng/lượng thì 6,9 tấn vàng có giá trị trên 5.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, 2 công ty vàng chỉ thực hiện đóng các khoản thuế tương đối đầy đủ đến cuối năm 2011, từ năm 2012 bắt đầu nợ thuế. Cục Thuế tỉnh Quảng Nam liên tục hối thúc, thậm chí dùng biện pháp cưỡng chế nhưng 2 công ty vàng vẫn chây ì.

Ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết việc thu thuế đối với 2 doanh nghiệp trên rất khó khăn. Điển hình, tháng 3/2014, sau khi cưỡng chế thuế qua tài khoản ngân hàng, cơ quan thuế chỉ thu được hơn 100 triệu đồng vì tiền đã bị rút hết. Tháng 4/2014, khi áp dụng biện pháp vô hiệu hóa hóa đơn, đồng nghĩa doanh nghiệp không được xuất hóa đơn để bán vàng, thế nhưng vàng vẫn được xuất bán qua cửa hải quan sân bay Đà Nẵng hơn 61 tỉ đồng. Mặc dù cưỡng chế từ tháng 4 nhưng đến ngày 15/7, cơ quan thuế mới “bịt” được việc xuất bán vàng này.

Trước tình trạng nợ thuế trầm trọng của hai công ty này, Cục Thuế nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở, kịp thời hoàn thuế VAT để hai đơn vị có điều kiện hoàn thành nghĩa vụ thuế, nhưng mọi nỗ lực này đã không đem lại kết quả. Trong quý I/2014, hai công ty này chỉ nộp vào ngân sách Nhà nước 8,2 tỉ đồng, nhưng đây lại là tiền thuế VAT do Cục Thuế hoàn, bù trừ nợ thuế, chứ không phải do hai công ty tự nộp. Việc nợ thuế kéo dài buộc Cục Thuế Quảng Nam 11 lần ra quyết định xử phạt nộp chậm thuế.

Doanh nghiệp ngoại phù phép, chuyển giá để trốn thuế, Nhà nước thất thu nguồn thuế hàng nghìn tỉ đồng, người dân phải gánh chịu đói nghèo, ô nhiễm môi trường… Trước câu hỏi của PV Báo CAND về việc có hạn chế cấp phép khai thác cho nhà đầu tư ngoại để hạn chế tình trạng “chảy máu” khoáng sản hay không, ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, theo quy định của pháp luật về khoáng sản, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài không bị hạn chế. Chính sách của Nhà nước là khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại và thân thiện với môi trường để khai thác triệt để, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả khoáng sản, đồng thời gắn khai thác với chế biến sâu nhằm tăng giá trị khoáng sản. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “chảy máu” tài nguyên, lợi nhuận chủ yếu rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài thì cần nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước cùng với các công cụ pháp luật đủ mạnh để hạn chế tình trạng nâng khống giá trị đầu tư, chuyển giá và gian lận thương mại.

TS Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản (Bộ Tài nguyên - Môi trường):

“Nhà nước không kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế của các doanh nghiệp khai khoáng đồng nghĩa với việc không nắm được thực trạng “tài sản” của mình, dẫn đến khó định hướng hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản. Nhà nước cũng không kiểm soát được nguồn thu ngân sách từ thuế tài nguyên, bởi sản lượng làm căn cứ tính thuế do doanh nghiệp tự kê khai”.

Tổng thu thuế tài nguyên (ngoài dầu khí) chỉ chiếm 1,43% tổng thu thuế nội địa.

Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), số thuế tài nguyên khai thác nội địa chiếm tỉ trọng 16-17% tổng thu ngân sách Nhà nước, trong đó dầu khí chiếm 82-83% tổng số thu về thuế tài nguyên. Trong các năm 2010 - 2012, tổng thu thuế tài nguyên (ngoài dầu khí) là 5.701 tỉ đồng, chiếm 16% tổng thu thuế tài nguyên và chỉ chiếm 1,43% tổng thu thuế nội địa. Đây là khoản thu điều tiết 100% cho ngân sách địa phương để xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường và đảm bảo an sinh xã hội nơi khai thác.

Hà Ly - Lệ Thuý - Lưu Hiệp
.
.
.