Hiểm họa cháy nổ nhìn từ khu công nghiệp, cao ốc, siêu thị

Bài 2: Chữa cháy, thoát nạn nhà cao tầng như thế nào?

Thứ Bảy, 04/10/2014, 09:57
Với tình hình cháy vẫn diễn biến rất phức tạp, nguy cơ cháy chợ, nhà cao tầng đang tiềm ẩn mức độ cao. Tại đây, công tác an toàn PCCC chưa được quan tâm đúng mức cũng như việc tuân thủ chặt chẽ các quy định về công tác an toàn PCCC. Theo chân CBCS Cảnh sát PCCC đi thực tế những nơi này và theo ghi nhận của chúng tôi cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho nên điều trước tiên chúng ta cần làm gì để thoát nạn?
>> Bài 1: Thảm hoạ kinh hoàng

Cháy nhà cao tầng xử lý như thế nào?

Cuối tháng 9, chúng tôi nhận được điện thoại từ đồng chí Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Cầu Giấy (Sở Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Hà Nội) với mệnh lệnh “lên đường để kiểm tra...”. Quá hiểu nghề của các anh, chỉ cần có thế với máy ảnh và cuốn sổ, chúng tôi xuất phát theo địa chỉ mà các anh hướng dẫn là tòa nhà chung cư CT3, dự án D22 Mai Dịch được xây dựng vào năm 2011, có 11 tầng.  Được biết, khi đoàn tiến hành kiểm tra, trước đấy đã có văn bản gửi Ban quản lý chung cư về việc kiểm tra các phương tiện về PCCC như hệ thống báo cháy, trang thiết bị PCCC... Qua thủ tục ban đầu, đoàn kiểm tra liên ngành do đồng chí Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Cầu Giấy dẫn đầu tiến hành kiểm tra. Sau nửa buổi, đoàn liên ngành phát hiện ngoài những phương tiện chữa cháy đủ đảm bảo an toàn, chung cư này đã vi phạm khi không duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống đèn chiếu sáng sự cố. Đây là lỗi tuy không lớn nhưng lại vô cùng quan trọng vì nó báo cháy, chỉ dẫn lối thoát nạn khi chảy, nổ xảy ra để người dân có thể biết theo lối đấy để ra nơi an toàn.

Phòng Cảnh sát PCCC Cầu Giấy, Hà Nội diễn tập đưa xe thang tiếp cận tòa nhà cao tầng.

Địa bàn các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm do Phòng Cảnh sát PCCC Cầu Giấy trực tiếp phụ trách có 128 công trình nhà cao tầng (trong đó, văn phòng có 43; chung cư, nhà ở có 72 và nhà đa năng 12). Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đoàn liên ngành vừa kiểm tra 16 công trình trên địa bàn Cầu Giấy, lập biên bản 13 trường hợp vi phạm, với số tiền 136 triệu đồng. Gần như các lỗi vi phạm ở chung cư và nhà cao tầng chủ yếu là ý thức người dân lấn chiếm buồng thang thoát nạn làm nơi để hàng hoá, vật dụng; để xe máy, ôtô che chắn lối thoát nạn; lấy gạch, đá chèn vào làm lối đi lại hằng ngày gây hỏng hóc. Đến khi xảy ra cháy dễ bị khói, khí độc và sản phẩm cháy xâm nhập vào dẫn đến làm mất tác dụng của buồng thang thoát hiểm.

Việc xuất hiện nhiều nhà cao tầng, siêu cao tầng là một yêu cầu tất yếu khách quan trong tình trạng cư dân tại các đô thị đông đúc, quỹ đất hạn hẹp nhưng câu hỏi đặt ra khi cháy ở những nhà siêu cao tầng (từ 30 tầng trở lên) công tác chữa cháy sẽ như thế nào? Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm (Sở Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Hà Nội) cho biết, những chung cư cao tầng hiện đại đều được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, tức là đảm bảo các yêu cầu an toàn PCCC theo đúng các tiêu chuẩn, quy định, các quy định của pháp luật về PCCC. Khi nhận được thông tin cháy, ngoài xe chữa cháy, xe thang cũng được điều động đến hiện trường (loại xe này sử dụng cho các nhà cao tầng) với nhiệm vụ đưa phương tiện chữa cháy và Cảnh sát PCCC  hiện trường ở những tầng dưới của nơi xảy ra cháy. Từ đó, lực lượng cứu hỏa sẽ di chuyển vào bên trong tòa nhà dùng hệ thống chữa cháy tại chỗ (gồm hệ thống họng nước, buồng thang thoát nạn thoát hiểm...) để tiếp cận đám cháy một cách nhanh nhất.

Kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn

Hỏa hoạn không chừa một ai, không chừa một không gian nào. Vậy khi xảy ra cháy, chúng ta cần phải làm gì để không trở thành nạn nhân trong vụ hỏa hoạn? Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, để có thể tự bảo vệ mình khi hỏa hoạn xảy ra, mỗi chúng ta cần trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn PCCC, rèn luyện các kỹ năng cần thiết để tự cứu lấy mình cũng như người xung quanh. Đối với các tòa nhà chung cư, cao tầng, khi xảy ra hỏa hoạn, người dân cần chú ý:

Khi phát hiện có cháy, việc đầu tiên phải bình tĩnh để xử lý và nhanh chóng tìm giải pháp “Dập lửa, thoát hiểm”. Có thể dùng bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước... để dập tắt đám cháy.

Trong trường hợp đám cháy quá lớn không thể dập tắt, phải nhanh chóng thoát hiểm: Ấn chuông báo động tòa nhà; thông báo cho mọi người biết có cháy trên đường thoát hiểm; gọi 114 hoặc mã vùng + 114 thông báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC; tuyệt đối không sử dụng thang máy; tìm lối thoát hiểm và đi theo chỉ dẫn EXIT đã được thiết kế sẵn.

Lực lượng Cảnh sát PCCC khẩn trương dập tắt một vụ cháy.

Trường hợp lối thoát hiểm bị bao trùm bởi khói: Sử dụng mặt nạ phòng độc cá nhân (nếu có); nhúng ướt khăn, quần áo... bằng chất kiệu cotton trùm lên mặt; bò khom người để tránh khói độc và lấy dưỡng khí, dùng tay sờ vào một bên tường để tìm đường thoát. Trong trường hợp bị cay mắt do khói không quan sát được, dùng chân đưa ra trước để dò đường. Lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp sẽ hỗ trợ ngay khi tiếp cận hiện trường.

Trong trường hợp phải mở cửa để thoát hiểm, nhớ kiểm tra cửa trước khi mở. Nếu thấy nóng mà lửa không thoát theo đường đó và để hạn chế khói, khí độc tràn vào từ khe cửa trên và tránh bị đám cháy hút hết oxy từ chân cửa phải dùng băng dính dán chặt, giẻ ướt chặn lại. Nhanh chóng thoát ra chỗ thoáng như ban công, sân thượng; dùng các thiết bị chuyên dụng để thoát hiểm; tuyệt đối không nhảy từ cửa sổ, ban công  trên cao xuống; chỉ cần xuống dưới tầng bị cháy rồi từ đó dùng thang bộ đi xuống nơi an toàn. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể dùng vòi chữa cháy trong nhà. Trong trường hợp không thể thoát ra ngoài, đứng ở ban công dùng mũ, quần áo... có màu thu hút để vẫy, báo động cho lực lượng cứu hộ

M.Hiền – P.Thủy – T.Huy
.
.
.