Đau đáu chuyện quản lý đất rừng Tây Nguyên

Bài 1: Nhiều bất thường trong việc giao khoán đất rừng ở Gia Lai

Thứ Sáu, 28/06/2013, 12:20
Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn đã giao đất cho 177 hộ, vượt quy định 44 hộ, nhưng trong đó có tới 121 hộ không nằm trong phương án nhận khoán. Số diện tích giao khoán đúng quy định chỉ hơn 400ha, còn lại trên 860ha hợp đồng giao khoán không theo phương án. Nhiều trường hợp chỉ có hộ khẩu tạm trú, hoặc nhập khẩu để hợp lý hóa hồ sơ nhận khoán...

Các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên 54.461km², dân số khoảng 5,1 triệu người, là địa bàn chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng; đồng thời là tiềm năng lớn về tài nguyên rừng và nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, phát triển lâm nghiệp. Tây Nguyên có hàng trăm công ty lâm nghiệp Nhà nước và các ban quản lý rừng phòng hộ, với tổng diện tích đất lâm nghiệp được giao quản lý hàng trăm ngàn hécta, nhưng trong tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh và bảo vệ rừng còn nhiều lỏng lẻo, kém hiệu quả, việc giao khoán đất và rừng không hợp lý để lại nhiều hậu quả đến nay rất khó giải quyết…

Có dấu hiệu trục lợi?

Theo quyết định phê duyệt phương án giao khoán đất rừng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai vào năm 2007, tổng diện tích đất lâm nghiệp giao khoán thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê là 95ha. Theo xác định hiện trạng đất lâm nghiệp ở đây không có rừng, thuộc trạng thái IA, IB, với tổng số 14 hộ xin nhận khoán, gồm 35ha trồng cây bạch đàn, 60ha trồng cao su.

Cách thức khoán ổn định theo chu kỳ trồng bạch đàn 15 năm, trồng cao su 30 năm, nguồn vốn đầu tư do các hộ tự nhận khoán, đối tượng nhận khoán là các hộ cư trú tại địa bàn xã Bar Maih, các hộ là công nhân, gia đình người đang công tác tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê.

Thế nhưng trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện có 19 hộ nhận khoán sử dụng trồng cao su. Trong tổng số 14 hộ nhận khoán theo phê duyệt thì có tới 11 hộ chuyển nhượng đất, vườn cây, thanh lý hợp đồng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê và được giao khoán lại cho các hộ khác sử dụng với tổng diện tích trên 68ha. Trong đó có trường hợp chuyển nhượng số tiền lớn hoặc giao đất cho những cá nhân không đúng quy định...

Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn, diện tích đất rừng phê duyệt giao khoán năm 2007 là 1.269ha, với tổng số hộ nhận khoán 133 trường hợp, trong đó phân định cụ thể 362ha điều, 145ha bạch đàn, 761ha cao su; đối tượng giao khoán là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại xã Ia Le và người dân địa phương...

Qua kiểm tra cho thấy, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn đã giao đất cho 177 hộ, vượt quy định 44 hộ, nhưng trong đó có tới 121 hộ không nằm trong phương án nhận khoán. Số diện tích giao khoán đúng quy định chỉ hơn 400ha, còn lại trên 860ha hợp đồng giao khoán không theo phương án. Nhiều trường hợp chỉ có hộ khẩu tạm trú, hoặc nhập khẩu để hợp lý hóa hồ sơ nhận khoán chứ thực tế không cư trú tại địa phương.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn còn giao khoán diện tích rừng vượt ra ngoài diện tích quy hoạch hàng trăm hécta nhưng không được cấp thẩm quyền phê duyệt; nhiều trường hợp chuyển nhượng trái quy định để thu lợi...

Thảm cảnh phá rừng ở Tây Nguyên.

Nhiều bất minh...

Ngay từ khi mới thực hiện việc giao khoán đất rừng ở các ban quản lý rừng đã có thông tin phản ánh sai phạm, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa xử lý rốt ráo vấn đề.

Năm 2008, UBND tỉnh Gia Lai đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cùng UBND huyện Chư Sê kiểm tra làm rõ trách nhiệm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn và Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê trong việc mua bán đất giao khoán..., nhưng sau đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai không kết luận sai phạm mà đề nghị cho phép tiếp tục thực hiện.

Năm 2012, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Gia Lai có biên bản đánh giá việc triển khai phương án giao khoán đất lâm nghiệp ở các ban quản lý rừng phòng hộ trên là chưa đúng với phương án đã được phê duyệt... nhưng đề nghị bổ sung thủ tục...

Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê đã giữ lại diện tích 3ha không đưa vào danh sách giao khoán. Theo lý giải của lãnh đạo ban này là diện tích 3ha còn lại ở thời điểm đó không có người nhận khoán nên lãnh đạo Ban đi huy động người để đầu tư trồng cao su... Sau đó, ông Tào Văn Lang nhận khoán và giao trả 64 triệu đồng vốn đầu tư ban đầu lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê.

Tuy nhiên, thực tế hồ sơ tại thời điểm đó có tên Đinh Hyot (52 tuổi), ở xã Bar Maih xin nhận khoán nhưng không được giao đất. Trong khi đó diện tích đất 3ha này được giao cho một tên khác là Đinh Men không rõ địa chỉ, rồi lập hợp đồng giao khoán lại cho ông Tào Văn Lang ở thôn 7, xã Ia Blang, Chư Sê, Gia Lai...

Hai Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê và Nam Phú Nhơn, thuộc tỉnh Gia Lai đã có nhiều sai phạm trong việc giao khoán đất rừng nhưng đến nay chưa được xử lý nghiêm. Đã có nhiều quyết định thanh tra, xử lý nhưng không hiểu sao các sai phạm vẫn chưa được xử lý đến nơi, đến chốn?

Ngọc Như
.
.
.