Ô nhiễm làng nghề và những cái chết được báo trước

Bài 1: Người làng nghề ‘ra đi’ khi tóc còn xanh

Chủ Nhật, 12/07/2015, 11:07
Làng Tống Xá ở xã Yên Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định nổi tiếng từ bao đời nay với nghề đúc đồng. Người làng nghề đi khắp các nơi trên cả nước, làm ra nhiều sản phẩm đáng ngưỡng mộ. Thế nhưng, đã nhiều năm nay, người dân Yên Xá nơm nớp mối lo về sức khoẻ của mình và gia đình trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí. Họ càng lo lắng hơn khi mỗi năm người trong làng mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều hơn, trong đó có người còn rất trẻ.

Sạp hoa quả của chị Bùi Thị Toan nằm giữa ngã ba xã Yên Xá. Đây là nguồn sinh sống duy nhất của 4 mẹ con chị mấy năm nay. Nhà chị Toan ở thôn Cổ Liêu, xã Yên Xá, cách đây chừng cây số nhưng chị chọn nơi bán hàng này vừa có nhiều khách lại vừa gần nhà mẹ đẻ, hằng ngày bà có thể ra đỡ đần giúp chị. 

Chị mua thêm cái máy ép mía, vừa bán hoa quả, vừa bán nước mía để tăng thêm thu nhập. Một mình nuôi 3 đứa con, gánh nặng dồn cả lên vai người phụ nữ sinh năm 1973, trông chị già sọm so với tuổi 42.

Cách đây 5 năm, chồng chị, anh Hà Văn Huy bất ngờ ra đi mãi mãi ở tuổi 35 chỉ sau 1 tháng phát hiện bệnh ung thư gan. Chị kể, hằng ngày anh vẫn đi làm nghề đúc đồng ở thôn Tống Xá. Đó là công việc đã diễn ra nhiều năm. Một hôm anh đi làm về kêu mệt, tức ngực rồi hôm sau nghỉ làm. Thấy người yếu quá, chị giục anh sang Bệnh viện Ninh Bình khám bệnh. Ngờ đâu, bác sỹ phát hiện anh mắc căn bệnh quái ác - ung thư gan giai đoạn cuối.

Bên trong một xưởng tái chế kim loại ở Tống Xá.

Do bệnh phát hiện quá muộn nên không thể cứu chữa, bác sỹ cho anh về nhà. Chị Toan cậy cục khắp nơi tìm các bài thuốc dân gian cố chống chọi lại cái chết để giữ chồng. Người ta bảo xào giun cho anh ăn, chị cũng làm, miễn là anh khoẻ lại. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Anh đi, bỏ lại 3 đứa con cho người vợ trẻ.

Chúng tôi tìm vào Trạm xá Yên Xá, nơi theo dõi sát nhất tình trạng sức khoẻ của người dân trong xã. Bà Bùi Thị Dung ở thôn Tống Xá đã hơn 10 năm làm Trạm trưởng có thể đọc tên từng người đã mất với căn bệnh gì. Bà Dung giở cuốn sổ cũ mèm “Theo dõi nguyên nhân tử vong” từ nhiều năm qua và ước tính, trong xã có tới 40% người ung thư tử vong là do bệnh liên quan đến tiêu hoá.

Năm 2009 xã có 5 người tử vong do ung thư thì năm 2010 con số ấy đã tăng lên 9 người. Đa số những người đó mắc bệnh ung thư gan, dạ dày, ung thư phổi, vòm họng… Con số đó được coi là nhiều bởi xã Vân Xá là xã nhỏ chỉ có 4 thôn.

Năm 2012 cả xã vẫn có tới 9/18 người mất vì ung thư. Năm 2013 có 9/17 người, năm 2014 có 8/19 người mất vì ung thư. Trong đó có người mới 28 tuổi, có người đang ở độ tuổi khoẻ mạnh cũng đột ngột ra đi vì trọng bệnh. Năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường có về địa phương làm cuộc khảo sát về tình hình ô nhiễm môi trường. Kiểm tra qua 100 người thì phát hiện 5 người bị nhiễm độc chì. Từ đó đến nay cũng không có một cuộc kiểm tra, khảo sát nào khác. 

Thôn Tây Tống Xá, xã Yên Xá là thôn tập trung đến 98 công ty, doanh nghiệp chuyên về sản xuất đúc đồng, gang, sắt, thép, kinh doanh sản phẩm, phế liệu. Điều này đã giúp cho đời sống kinh tế của người dân trong thôn có những bước phát triển đáng kể. Số lao động tập trung tại 98 công ty, doanh nghiệp này chiếm khoảng 60% số lao động của thôn. Hiện nay, chỉ còn lại số ít xưởng sản xuất tồn tại trong khu dân cư do thiếu quỹ đất để di dời còn phần lớn đã tập trung hoạt động Khu công nghiệp xã Yên Xá.

Tuy nhiên, theo ông Dương Xuân Ngoạn, Trưởng thôn Tây Tống Xá thì hệ quả từ hoạt động đúc đồng, gang, sắt, thép để lại cho môi trường là điều khó tránh khỏi. Ông Ngoạn cho biết, những ngày nắng nóng, chỉ cần bước chân vào thôn là đã cảm nhận thấy không khí rất ngột ngạt, khó thở. Những làn bụi li ti bay lơ lửng trong không trung. Ô nhiễm nguồn nước do khu công nghiệp thải ra, ô nhiễm tiếng ồn là điều mà người dân nơi đây đang hằng ngày phải đối mặt. Đặc biệt, những người trực tiếp lao động tại các doanh nghiệp còn phải đối mặt với nguy cơ về bệnh tật trong đó có bệnh ung thư. 

Nói về môi trường sống ở địa phương, ông Dương Doãn Nhưỡng, Bí thư Đảng uỷ xã Yên Xá cho biết, xã có 1.143 hộ dân với 3.800 nhân khẩu. Trong xã có hơn 90 cơ sở đúc đồng, đúc thép. Thường thì các công ty này tập trung sản xuất vào ban đêm để sử dụng điện giá rẻ. Thời điểm khi người dân ngủ, nghỉ thì cũng là lúc các lò nấu thép hoạt động, xả ra môi trường nước thải, khí thải độc hại. Nguồn nước mặt tại địa phương đã ô nhiễm, nhưng rất may có tới 93% hộ dân đã được dùng nước máy...

Chúng tôi tìm đến Khu công nghiệp xã Yên Xá. Gọi là Khu công nghiệp nhưng thực chất là các doanh nghiệp sản xuất được bố trí một khu riêng tiếp nối ngay sát với khu dân cư thôn Tống Xá. Bởi vậy, công việc sản xuất, tái chế kim loại đương nhiên ảnh hưởng tới cuộc sống, môi trường của người dân.

Đi dọc đường làng, tới trục đường khu công nghiệp, người ta cảm nhận ngay một thứ mùi khó chịu xộc vào mũi. Bước chân vào một cơ sở tái chế kim loại ở giữa khu công nghiệp, chúng tôi chứng kiến cả một khu sản xuất thô sơ với nhiều loại vật liệu kim loại dùng để tái chế. Những chiếc quạt công nghiệp mở hết công suất chạy rào rào nhưng không làm giảm sức nóng dưới mái tôn hầm hập. 

Theo ông Nhưỡng, trước đây hệ thống thoát nước của các cơ sở sản xuất này để chảy tràn lan nên gây ô nhiễm môi trường nặng. Hiện, khu công nghiệp đã xây hệ thống máng thoát nước nên đỡ hẳn tình trạng trên. Tuy vậy, cũng chỉ mới có một gia đình làm hệ thống thông gió, 2 lò thép lớn ở xa khu dân cư.

Việt Hà - Nguyễn Hương
.
.
.