Những ngày trên đại công trình thuỷ điện Sơn La:

Bài 1: Hối hả cho ngày tổ máy số 3 (thủy điện Sơn La) phát điện

Chủ Nhật, 22/05/2011, 13:01
Đứng trên đỉnh dốc nhìn sang phía bên kia của thị trấn Ít Ong, dưới ánh nắng đầu hè chói chang ở lòng chảo Mường La hiện lên một công trình thuỷ điện kỳ vĩ. Đại công trường Sơn La những ngày này đang hối hả thi công để sớm vượt tiến độ cho tổ máy số 3 phát điện...

Hoà chung trong không khí cả nước đang chuẩn bị cho ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đại công trường thuỷ điện Sơn La những ngày này đang ngổn ngang máy móc, không khí làm việc hối hả, khẩn trương của hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân để chào mừng cho ngày hội lớn của đất nước.

Trước đó, tin vui hân hoan đến với đồng bào cả nước là tổ máy số 1 và số 2 phát điện, hoà vào lưới điện quốc gia. Còn tổ máy số 3 đang hoàn thiện giai đoạn lắp ráp để đưa vào phát điện cuối tháng 8, phấn đấu đến cuối năm 2011 phát điện 4/6 tổ máy. Đến công trình thuỷ điện Sơn La, chứng kiến hàng nghìn công nhân, kỹ sư và những người bảo vệ cho công trình thuỷ điện đang ngày đêm làm việc, chúng tôi thực sự cảm phục về lòng hy sinh lớn lao của họ để làm nên dòng điện cho Tổ quốc.

Từ thành phố Sơn La đến thị trấn Ít Ong, huyện Mường La chỉ hơn 40km, nhưng đường đi phải trải qua vài chục chiếc cua tay áo, bốn bề núi non hùng vĩ, trên là dốc cua dựng đứng, dưới là vực sâu thăm thẳm, thế mới khâm phục những công nhân phải đưa hàng ngàn tấn thiết bị, máy móc, có những máy biến áp nặng tới 282 tấn vào xây dựng thuỷ điện gian khổ đến thế nào. Đứng trên đỉnh dốc nhìn sang phía bên kia của thị trấn Ít Ong, dưới ánh nắng đầu hè chói chang ở lòng chảo Mường La hiện lên một công trình thuỷ điện kỳ vĩ. Đại công trường Sơn La những ngày này đang hối hả thi công để sớm vượt tiến độ cho tổ máy số 3 phát điện.

Đại công trường những ngày nước rút

Công trình Thuỷ điện Sơn La được khởi công xây dựng vào tháng 12/2005. Đây là công trình thuỷ điện lớn nhất cả nước, với một tầm vóc vĩ đại của một công trình thế kỷ có giá trị về kinh tế, xã hội rất lớn, tạo cho Sơn La xứng đáng là "Hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc". Sáu năm qua, bằng chính khối óc và nghị lực của đội ngũ những nhà quản lý, nhà khoa học, kỹ sư, công nhân và hàng vạn đồng bào các dân tộc vùng lòng hồ vì dòng điện của Tổ quốc đã vất vả hy sinh mồ hôi, xương máu để dòng điện ở 2 tổ máy tỏa sáng.

Công trình thủy điện Sơn La đang thi công gấp rút để chuẩn bị phát điện tổ máy số 3.

Trời mưa sầm sập, cả thị trấn Ít Ong ướt sũng trong mưa rừng. Người ta ví thời tiết ở Mường La "đỏng đảnh" như con gái 17 quả cũng không sai. Vừa mới nắng đấy mà mưa đã ràn rạt. "Thời tiết khắc nghiệt là cản trở lớn nhất cho việc thi công của chúng tôi. Mùa hè ở đây ngoài trời lúc nào cũng trên 40 độ, nắng cháy da cháy thịt, chưa kể có hôm gió Lào thổi sang thì oi nồng, bỏng rát, công nhân đầm mình ngoài công trường bị say nắng là chuyện thường. Nhưng đêm xuống nhiệt độ lại giảm mạnh, nếu ai không quen thì rất dễ ốm"- ông Chu Đức Triệu, Phó giám đốc Chi nhánh Lilama 10 tại Sơn La vừa dẫn chúng tôi xuống công trường thuỷ điện vừa phân bua về cơn mưa chiều đột ngột đổ xuống.

Đây là thời điểm hoạt động lắp máy rầm rộ nhất, thế nên dù mưa nhưng cả công trường vẫn thi công. Chi nhánh Lilama 10 có chức năng lắp máy tất cả các thiết bị của nhà máy thuỷ điện Sơn La, khoảng 73.000 tấn. Cả chi nhánh có 13 đội với 1.300 công nhân.

Theo ông Triệu thì hiện nay công nhân của Lilama đang đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ gấp rút như hàn thanh dẫn Stato của tổ máy số 3; chuẩn bị lắp cực từ của Roto nặng 1.100 tấn; đấu nối phần điện của ống dẫn dòng lên trạm biến áp và đang chuẩn bị tư thế để lắp máy biến áp của tổ máy số 3. "Khó khăn phức tạp nhất là khi lắp đặt Roto vì nó nặng, yêu cầu độ chính xác cao, công nhân phải có kinh nghiệm"- ông Triệu chia sẻ.

Kể về công nhân của mình, ông Triệu không khỏi tự hào cho biết: "Phần lớn họ đều có tay nghề cao, đều trải qua rất nhiều kinh nghiệm từ lắp đặt thiết bị ở nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, Yaly, Thác Bà… Những công nhân trẻ đều qua đào tạo trung cấp kỹ thuật, nên chúng tôi rất yên tâm".

Dưới cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt, nhưng 93 công nhân của Đội lắp máy số 1, Chi nhánh Lilama 10 vẫn đang bơm áp lực để thử xi lanh. Chiếc xi lanh to như cột nhà đang được thử áp lực, gương mặt ai cũng căng thẳng, bởi nếu chỉ sai sót một ly thôi thì công của họ có thể thành "dã tràng xe cát".

Chính vì vậy mà Đội phó Đội lắp máy Phạm Văn Tài luôn sát cánh cùng anh em từng giây, từng phút. "Đây là chiếc xi lanh dùng để kéo van cung xả trên của đập tràn, mà van cung nặng những mấy trăm tấn nên phải thận trọng trước khi đưa đi lắp đặt"- anh Tài phân bua.

Nói rồi anh cười khề khà để lộ hàm răng trắng bóng trên khuôn mặt đen sạm. Nắng gió công trường làm cho nước da của công nhân nào cũng đen như "cột nhà cháy" nhưng trông lại rất rắn rỏi. Năm nay anh Tài 52 tuổi, đã 30 năm anh xa gia đình vì dòng điện của Tổ quốc. Nghề công nhân lắp máy đã đưa anh đi khắp các công trình thuỷ điện, từ Hoà Bình, Yaly… rồi đến Sơn La. Anh đã ở công trường Sơn La 5 năm, thời gian về thăm gia đình chỉ tính trên đầu ngón tay.

Công nhân Ngô Văn Đức, quê ở Thanh Hoá, người trẻ nhất ở đây chia sẻ. "Ở Thuỷ điện Sơn La được gần 3 năm, đã qua 2 cái Tết và cả lần nghỉ lễ 30-4 vừa rồi tôi không về quê, tuy có nhớ nhà nhưng tôi vẫn tình nguyện ở lại vì tiến độ công việc".

Vì dòng điện của Tổ quốc mà 1.300 công nhân lắp máy của Lilama 10 trong các dịp lễ, Tết đều tình nguyện ở lại công trường. Các công nhân đang phải đảm nhận những phần việc rất quan trọng như đấu nối máy biến áp, sau đó là lắp ráp, đến 30/6 hoàn thiện 4 cửa đập tràn. Hiện nay đang có 120 công nhân ở 4 cửa lắp cẩu 2x30 tấn, lắp cung xả mặt, van thẳng xả mặt… nên phải đảm bảo nhân lực trong thời gian tới.

Chúng tôi có mặt tại đỉnh đập tràn khi cơn mưa chiều vẫn còn lất phất. Đồng chí Trần Văn Phòng, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án Thuỷ điện Sơn La cho biết, đến thời điểm này phần xây dựng công trình cơ bản đã xong, trên công trường chỉ còn lại khoảng 4.000 công nhân, chủ yếu là lắp máy và kỹ thuật. Còn hơn 5.000 công nhân của Tổng thầu Sông Đà đã xong nhiệm vụ và rút lên xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Nậm Chiến. Duy chỉ còn đơn vị Sông Đà 707 (Sông Đà 7) đang thi công.

Đồng chí Phan Tiến Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sông Đà 7 cho biết: "Công việc đổ bê tông cửa nhận nước sắp đến giai đoạn hoàn tất. Đến nay đã 7 năm lãnh đạo, cán bộ công nhân của chúng tôi ở công trình đã gắng hết sức để hoàn thành tiến độ công việc được giao. Sau công trình này chúng tôi lại tiếp tục thi công thuỷ điện Nậm Chiến".

Tất cả vì dòng điện

Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 92/QĐ-TTg phê duyệt đầu tư Dự án thuỷ điện Sơn La. Trước đó, từ năm 1996, cán bộ của Công ty cổ phần Tư vấn điện 1 đã lên Mường La để khảo sát và thử mũi khoan đầu tiên với độ sâu 300m. Ngày ấy, đi lại nơi đây là chuyện vô cùng khó khăn. Thế mà ngày nay, trải qua biết bao vất vả, gian truân, công trình đã dần hiện lên thật kỳ vỹ. Ấn tượng đặc biệt với chúng tôi là chiếc đập tràn cao sừng sững, trái ngược với sự nhỏ bé của con người và máy móc đang di chuyển quanh nó. Để xây dựng được chiếc đập tràn này, các kỹ sư và công nhân phải mất thời gian hơn 2 năm và tổng khối lượng bê tông để đổ đập tràn lên tới 3 triệu mét khối.

Ông Nguyễn Đình Thảo, Phó Trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy Thuỷ điện Sơn La cho biết: "Đầu năm 2008, chúng tôi đổ mét khối bê tông đập tràn đầu tiên. Đây là đập tràn lớn nhất ở nước ta và sử dụng công nghệ hiện đại nhất: công nghệ acici hay còn gọi là đắp đập bê tông đầm lăn, có tháng chúng tôi đắp tới 180 nghìn mét khối".

Không thể kể hết những gian truân, vất vả của hơn 10 nghìn công nhân, kỹ sư, ban lãnh đạo dự án để xây dựng nên công trình thuỷ điện Sơn La trong suốt 6 năm qua. Có những lúc thời gian thi công gấp rút, Ban lãnh đạo dự án đã phát động các chiến dịch thi đua liên kết như: "chiến dịch thi đua 335 ngày đêm và 365 ngày đêm…" để hoàn thành tiến độ thi công.

Theo ông Thảo thì hiện nay các công nhân đang lắp đặt Roto của tổ máy số 3, dự kiến đến 20/5 có thể hạ bánh xe công tác, phấn đấu đến 30/8 chạy tổ máy số 3. Chương trình chống lũ năm 2011 nằm trong dự đoán và quy trình của Nhà máy nên không ảnh hưởng gì đến công trường. Dự báo năm nay có nước sớm và nước không bị kiệt, đây là điều thuận lợi để công trường thi công đúng tiến độ, đến 30/8 sẽ phát điện tổ máy số 3.

Khi chúng tôi đến công trường cũng là lúc các công nhân đang "đánh vật" với chiếc máy biến áp to sừng sững. Đây là máy biến áp để lắp đặt cho tổ máy số 3, nặng 282 tấn. Để vận chuyển được chiếc máy này từ cảng Hải Phòng lên Sơn La phải mất mấy tháng trời. Chỉ riêng đoạn đường vận chuyển  bằng đường bộ từ xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La lên đến công trường cũng mất đúng 1 tháng.

Mỗi khi qua cầu, các công nhân phải sử dụng một xe ôtô dài để chuyển máy biến áp sang nhằm giảm tải độ rung. Ông Thảo cho biết, hầu hết thiết bị vật tư xây dựng công trình đều vào dạng "siêu trọng, siêu cường" nên vận chuyển rất vất vả. Có những bánh xe công tác nặng 210 tấn, để vận chuyển lên tới công trường cũng mất cả tháng…

Chúng tôi rời công trình khi màn đêm đã buông xuống. Giữa khung cảnh u tịch của núi rừng là ánh đèn rực sáng hắt ra từ thuỷ điện. Ở trong đó, những người thợ vẫn miệt mài làm việc ca ba như những con ong chăm chỉ, cần mẫn dệt lên ánh sáng cho đời.

Những mốc son ghi nhớ của Nhà máy Thuỷ điện Sơn La: Khởi công và ngăn sông vào ngày 2/12/2005, đầu năm 2008 đổ tấn bê tông đập Acici đầu tiên. Tháng 5/2010 ngăn dòng sông Đà để tích nước. Tháng 8/2010 kết thúc đổ bê tông đầm lăn. Ngày 17/12/2010, tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Sơn La phát điện hoà vào lưới điện quốc gia; ngày 21/4/2011 phát điện tổ máy số 2 và hoà vào lưới điện quốc gia, tất cả đều vượt trước tiến độ 2 năm. Theo kế hoạch đề ra, cứ sau 4 tháng sẽ có một tổ máy phát điện để hoà vào lưới điện quốc gia. Dự kiến, tổ máy cuối cùng sẽ phát điện vào ngày 30/8/2012, kịp thời bổ sung nguồn năng lượng lớn cho đất nước.

Công trình thuỷ điện Sơn La có quy mô hồ chứa 9,26 tỷ m3, mức nước dâng bình thường là 215m, công suất lắp máy 2.400kw, sản lượng bình quân 9.429 tỷ kw/h, vốn đầu tư được điều chỉnh đến năm 2010 là 58.000 tỷ đồng. Mục tiêu đầu tư của dự án là cung cấp điện năng để phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, góp phần chống lũ, cung cấp nước cho đồng bằng Bắc Bộ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc.

Trần Hằng - Anh Hiếu
.
.
.