Cần “liều thuốc đặc trị” cho taxi Hà Nội

Bài 1: Gia tăng xe taxi “dù” và xe vi phạm

Thứ Tư, 15/05/2013, 09:04
Là phương tiện vận tải công cộng song không hoạt động theo luồng tuyến cố định như xe buýt, hay xe khách, nên hiện tại có  hàng nghìn phương tiện taxi trên địa bàn Hà Nội đang ngày đêm hoạt động bát nháo, làm cho bộ mặt giao thông ở Thủ đô thêm phần rối loạn, phức tạp, để lại ấn tượng xấu trong mắt du khách đến tham quan.

Cùng đó, nạn xe dù, “chặt chém” hành khách đang có chiều hướng xuất hiện trở lại, trong khi nhiều biện pháp ngăn chặn của cơ quan chức năng dường như rơi vào tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”. Vấn đề đặt ra, cần có những giải pháp quyết liệt, triệt để đưa hoạt động taxi vào nền nếp.

Chỉ chưa đầy 1 tháng, Hà Nội liên tiếp diễn ra các vụ việc lái xe taxi cố tình “ép giá” khách nước ngoài. Cũng trong thời gian này, không ít xe “dù” đã bị lực lượng chức năng “sờ gáy”, song đâu lại vào đó. Điều đáng nói, không chỉ bây giờ hoạt động taxi mới hỗn loạn, mà tình trạng này đã diễn ra từ lâu, đã và đang gây nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp tới trật tự an toàn giao thông Thủ đô. Địa bàn hoạt động không chỉ sân bay, trường học, bệnh viện mà trên mọi tuyến đường…

Biến "công" thành "phượng"

Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT từng đưa ra thống kê, Hà Nội có khoảng 116 hãng taxi đang hoạt động, với khoảng 17.000 xe. Thế nhưng, ước tính cũng có khoảng 1.000 taxi “dù” đang ngang nhiên hoạt động và thường tập trung ở nơi đông người, như các bến xe, bệnh viện. Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT đánh giá, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng lớn tới các hãng taxi, xe taxi “dù” còn là hình ảnh phản cảm đối với Hà Nội, với những vi phạm thường xuyên, như gian lận cước, bắt chẹt khách, chống người thi hành công vụ...

Thanh tra giao thông kiểm tra, dán tem để chống taxi "dù".

Với kinh nghiệm nhiều năm chống taxi gian, một thanh tra giao thông bật mí: "Nếu như lái xe taxi chính hãng chọn cung giờ an toàn từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm, thì lái xe taxi gian chọn cung giờ còn lại để hoạt động. Trong cung giờ này, sự kiểm soát của lực lượng chức năng, như Thanh tra giao thông, CSGT rất hạn chế. Taxi "dù" có thể hoạt động mà ít bị "sờ gáy".

Cũng trong khoảng thời gian này, do ít xe hoạt động nên việc làm ăn của tài xế gian càng thuận lợi hơn, hành khách ít sự lựa chọn hơn. Sau những “giờ vàng” này, tài xế taxi gian đánh xe về gara, hay một nơi nào đó tháo logo, nhãn mác, phù hiệu trở thành chiếc ôtô bình thường. Taxi “dù” được chia làm nhiều loại, bao gồm taxi dỏm gắn mác taxi thật, hoạt động một cách công khai. Với nhóm taxi gian này, thủ thuật để hô biến "công" thành "phượng" chính là cách dùng hệ thống nhãn mác, phù hiệu, logo dỏm có phủ nam châm. Bắt đầu ca tác nghiệp, tài xế gian chỉ cần đính nhãn mác, phù hiệu, logo được scan giống hệt taxi chính hiệu, lắp thêm đèn hiệu, và đồng hồ tính cước dỏm, là có thể lên đường hành nghề một cách nhanh chóng.

Vị thanh tra này đã mách nước đối phó với dạng taxi giả như thật này, như sau: Hành khách chỉ cần miết tay lên logo, phù hiệu taxi, ngay lập tức sẽ phân biệt được xe gian hay xe chính hãng. Với logo chính hãng được ngành Giao thông cấp, khi miết sẽ có những gờ nổi, đây chính là những "chiếc khóa" được in ấn đặc biệt để chống làm giả. Với logo dỏm, khi miết tay, tuyệt nhiên không có những gờ nổi này, mà trơn như gương. 

Đường Phủ Doãn (trước cổng Bệnh viện Việt - Đức) sáng 14/5: Đường ùn ứ vì hàng dài taxi đi chậm trả khách, bắt khách.

Còn anh Thanh Bình, làm trong lĩnh vực vận tải thì bày tỏ: Ngay cả lực lượng chức năng còn khó phân biệt taxi chính hãng và taxi “dù”, huống hồ người dân. Logo của các hãng taxi lớn bị nhái gần như giống hệt từ màu sắc, kiểu dáng, thậm chí là số điện thoại. Chỉ khi khách ngồi trên xe mới có thể nhận biết. Chủ xe chỉ cần sử dụng thiết bị tạo “xung” gắn vào đường dây trước đồng hồ tính tiền. Thiết bị này hoạt động bởi một điều khiển từ xa, có kiểu dáng giống nhiều loại khóa điện tử của ôtô. Nhân lúc khách hàng sơ ý, anh “xế” ý tứ nhấn nút và đồng hồ tính tiền sẽ tự động nhảy nhanh hơn bình thường. Trường hợp, không gọi xe mà phải lên xe lạ, tốt nhất là cứ mặc cả trước. Còn vớ phải taxi “dù”, thấy đồng hồ tính tiền “phi” ầm ầm thì xuống xe luôn” – anh Bình chia sẻ.

Hoạt động bát nháo, gây ùn tắc giao thông

Một nghiên cứu của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cùng với Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho thấy  trong tổng số hơn 17.000 xe taxi đang hoạt động, thì khu vực trung tâm TP có khoảng 100 DN với 1,4 vạn xe và khu vực sân bay Nội Bài có 4 DN với khoảng 700 xe.

Đặc biệt, cơ quan tư vấn kết luận: “Taxi là một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc trong nội thành”. Tính ra, 1km đường đô thị Hà Nội, hiện phải “cõng” 16 taxi hoạt động. Khảo sát đếm lưu lượng phương tiện tại một số nút giao thông trọng điểm trong khung giờ cao điểm cho thấy, lượng xe taxi qua nút trên tổng số ôtô (xe tải, taxi, xe buýt, xe con) chiếm tỷ lệ rất cao, từ 22-40%. Mặt khác, hiện diện tích đỗ xe cho taxi mới đáp ứng từ 5-10% nhu cầu. Cơ sở vật chất phục vụ cho taxi giao ca của nhiều hãng cũng đặc biệt thiếu, đa số sử dụng lòng đường, vỉa hè. Hà Nội hiện có 58 điểm dừng đỗ taxi 15 phút, đáp ứng cùng lúc được khoảng hơn 200 xe (chiếm khoảng 1/8 lượng xe đang hoạt động). Các điểm đỗ này không có sự điều hành, quản lý, nên taxi dừng, đỗ bừa bãi.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an Hà Nội cũng chỉ ra rằng, sự phát triển quá nhanh về số lượng xe taxi và phân bố không đồng đều trên địa bàn TP Hà Nội đã làm nảy sinh nhiều bất cập. Tình trạng ùn tắc giao thông trở nên phổ biến tại đa số các nút giao thông trong giờ cao điểm do các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ giao thông đã quá tải. Kể cả khi taxi bị cấm hoạt động trong giờ cao điểm trên một số tuyến phố nhất định, thì tình trạng ùn tắc do taxi vi phạm đỗ dừng, lại diễn ra tại các khu vực của 42 bệnh viện lớn nhỏ trên địa bàn, như Bệnh viện Lao và bệnh phổi Trung ương; Bệnh viện Xanh Pôn; Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản TW, Bệnh viện K…

Tính  cả năm 2012, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã xử lý 6.277 trường hợp taxi vi phạm, trong đó đứng đầu là lỗi đỗ, dừng xe không đúng quy định; đi không đúng làn đường, phần đường; quay đầu xe trái quy định trong khu dân cư… Thế nhưng chỉ tính từ 1/1 đến 10/5/2013, số taxi vi phạm bị lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý đã lên tới 3.483 trường hợp và vi phạm chủ yếu vẫn là các lỗi kể trên.   

Ông  Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, ngay trong đợt kiểm tra ngày 8/5 vừa qua, lực lượng thanh tra đã lập biên bản 5 trường hợp lái xe gian lận cước của các hãng Ngọc Linh, Hương Lam, Sông Hồng, Trung Việt. Một số lái xe đã dùng “chiêu” sử dụng điện thoại điều khiển đồng hồ cước, hoặc dùng khóa mở cửa kính điện để điều khiển chíp được gắn trong đồng hồ…

Sợ lái xe trả thù

Chị Phạm Ngọc Hoa, ở số nhà 508B, CT5, Khu đô thị Mỹ Đình – Sông Đà (Từ Liêm) vốn là một khách hàng thường xuyên sử dụng taxi làm phương tiện đi lại do đang mang bầu. Làm việc ở tận phố Quán Sứ, chiều 13/5, chị vừa bắt taxi hãng TN từ nhà tới nơi làm việc theo hành trình Phạm Hùng – Cầu Giấy – Kim Mã – Lý Thường Kiệt – Quán Sứ, nhưng đồng hồ của hãng taxi lên tới 180.000 đồng mà bình thường tôi đi chỉ mất khoảng 120.000đ. Chênh lệch như thế thì rõ ràng là đồng hồ không chính xác”, chị Hoa bức xúc cho biết. Theo chị Hoa, các hãng taxi niêm yết giá chỉ mang tính hình thức bởi thực tế, cánh lái xe thường dùng mọi “thủ thuật” để “chặt chém” hành khách. Thậm chí, dù đã phát hiện được hành vi gian lận của hãng taxi, hành khách đều phải “móc túi” trả tiền do đã “trót” leo lên xe. Bên cạnh đó, chị Hoa cũng thừa nhận, có không ít hành khách đủ can đảm để cầm máy gọi điện báo về đường dây nóng (ngay trước mặt nhà xe) về các hãng, do lo sợ họ sẽ đi ẩu.

Thanh Huyền
.
.
.