Vi phạm an toàn đê điều ở Hà Nội trước mùa mưa bão: Nhiều tuyến đê xung yếu bị xâm hại

Bài 1: Buông lỏng quản lý, vi phạm tràn lan

Thứ Tư, 12/06/2013, 10:22
Sự cố sạt lở đê sông Nhuệ (đoạn qua huyện Thường Tín) và sạt lở kè Xuân Canh, huyện Từ Liêm vừa qua đã khiến cho TP Hà Nội phải chi nhiều tỷ đồng để khắc phục.

Năm 2012, Hà Nội xảy ra 28 sự cố trên các tuyến đê xung yếu. Năm 2013, nhiều tuyến đê của Hà Nội đang đứng trước nguy cơ gặp sự cố khi nạn khai thác cát trái phép đang hoành hành trên sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ và các vụ việc vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh phòng chống lụt bão liên tục xảy ra.

Sự tắc trách trong công tác quản lý ở một số địa phương đã khiến vi phạm tái diễn đòi hỏi thành phố Hà Nội cần phải có những giải pháp quyết liệt trước mùa mưa bão năm nay.

Đê biến thành nơi kinh doanh

Sự cố sạt lở xảy ra mới nhất là ở tuyến đê sông Nhuệ, đoạn qua huyện Thường Tín với chiều sâu sạt lở vào thân đê 1,5m làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại và an toàn tuyến đê. Trước đó, Hà Nội đã phải chi ra 30 tỷ đồng để khắc phục sạt lở kè Xuân Canh trước mùa mưa bão. Mặc dù vậy, tại nhiều tuyến đê xung yếu và chắn lũ của Hà Nội, vi phạm Luật Đê điều diễn ra vẫn phổ biến.

Dù đã được nghe nhiều về những vi phạm tồn tại trên tuyến đê sông Hồng chạy dọc các huyện Phúc Thọ, Đan Phương, Từ Liêm, nhưng có mặt ở đây vào những ngày này, chúng tôi không khỏi giật mình. Xã Liên Trung, huyện Đan Phượng là một trong những điển hình của tình trạng người dân thiếu ý thức ngang nhiên tập kết vật liệu xây dựng (gạch, đá, gỗ, tre, nứa…) ngay trên mặt đê.

Ngay dưới chân – mái đê, đoạn thuộc khu vực thôn Hạ (xã Liên Trung), nhiều người dân còn lợp lều tạm ngay tại đây với mục đích có chỗ để làm nơi sơ chế lâm sản. Trong khi đó chỉ cách vài chục mét bên dưới là con sông Hồng. Mặt đê bị cày nát, lồi lõm do xe tải chở vật liệu xây dựng qua lại suốt ngày đêm. Đóng cọc tre, lợp lán nứa, thế nên phần diện tích đất ở chân - mái đê theo đó cũng bị sụt lún, ảnh hưởng không nhỏ. Nhìn qua, ít ai nghĩ rằng nơi đây lại là chân đê, thuộc hành lang an toàn bảo vệ đê điều – đê xung yếu tuyến sông Hồng. 

Xuôi theo tuyến đê Tả Đáy, chúng tôi đến 3 xã làng nghề của huyện Hoài Đức là Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai để “mục sở thị” vi phạm trên tuyến đê này.

Vào ngày chính vụ, cả 3 xã có trên 3 nghìn hộ sản xuất miến dong, mì gạo, bột sắn dây với lưu lượng gần 1 nghìn xe ôtô vận chuyển hàng hóa qua lại mỗi ngày. Chính vì thế mà mặt đê bị hư hỏng, cày xới do quá tải. Xã Dương Liễu còn tổ chức họp chợ ngay trên mặt đê.

Xã Minh Khai, Cát Quế người dân vô tư đóng cọc tre để làm giàn phơi miến, mì gạo ngay trên mặt đê. Mái đê bị người dân dựng đủ các loại lều lán, cắm biển quảng cáo, bày bán hàng hóa, mở quán cắt tóc gội đầu…Vật dụng sinh hoạt gia đình bỏ đi, cát sỏi, gạch ngói xây dựng… cũng đều để chồng chất ở chân đê và mái đê. Hậu quả kép của sản xuất làng nghề trong khu dân cư ở đây đã khiến cho môi trường bị ô nhiễm, kênh mương bị rác thải, phế thải, nước thải tống xuống gây ách tắc, hạn chế khả năng tiêu thoát.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP Hà Nội thì năm 2012 thành phố đã xảy ra 28 sự cố trên các tuyến đê sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Đáy, sông Tích. Có sự cố đã đặc biệt đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân khu vực phường Thanh Lương và phường Chương Dương.

Năm 2013, tình trạng vi phạm Luật Đê điều diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến đê trọng điểm cần phải giải tỏa nhanh chóng trước mùa mưa bão.

Họp chợ ngay trên mặt đê Tả Đáy, đoạn qua xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức.

Chính quyền buông lỏng quản lý

Qua khảo sát của chúng tôi, tại nhiều tuyến đê xung yếu trên địa bàn thành phố đã và đang tồn tại tình trạng vi phạm cũ chưa xử lý dứt điểm thì vi phạm mới đã xuất hiện. Những vi phạm chủ yếu vẫn là tập kết vật liệu xây dựng, dựng lều quán, chợ tạm… trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn đê. Điều đáng nói, những vi phạm này ngang nhiên tồn tại, còn chính quyền một số địa phương dường như “bất lực” trong việc không xử lý được dứt điểm.

Nói về vấn đề trên, ông Hoàng Văn Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Trung, huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho hay, tuyến đê sông Hồng đi qua địa bàn xã dài khoảng 1km. Từ đầu năm đến nay, chính quyền xã cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng xử lý 12 trường hợp vi phạm hành lang an toàn đê điều (tập kết vật liệu xây dựng, kinh doanh buôn bán trên mặt đê, mái đê…), buộc số hộ này di dời trên 30 mét khối gỗ cùng nhiều nguyên vật liệu khác. Tuy nhiên, do lực lượng còn mỏng, nên các vi phạm vẫn lén lút xảy ra.

“Thời gian tới đây, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục khắc phục, xử lý nghiêm những vi phạm còn tồn tại”, ông Hanh cho biết thêm.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP Hà Nội thì vẫn còn một số địa phương, đơn vị và người dân có tư tưởng chủ quan trong việc phòng chống lụt bão. Đây là nguyên nhân dẫn tới những vi phạm Luật Đê điều diễn ra nhiều như hiện nay.

Ông Phí Đình An, Chủ tịch UBND xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức cho rằng, bây giờ là thời điểm an toàn nên vi phạm vẫn phổ biến, khi nào đến mùa mưa lũ thì xã sẽ giải tỏa. Lý do mà cả người dân và chính quyền nơi đây chủ quan được lý giải: do Tả Đáy là tuyến đê nhiều năm qua chưa xảy ra sự cố sạt lở nên nó khá an toàn! Có lẽ vì thế mà vi phạm ở dọc tuyến đê này cứ ngày một nhiều lên.

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão TP Hà Nội thì tâm lý chủ quan và sự thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm đã khiến cho nhiều địa phương tái diễn nạn vi phạm Luật Đê điều. 

Nhìn vào những ý kiến trên, rõ ràng, công tác ngăn chặn, xử lý các vi phạm có liên quan đến hành lang an toàn đê điều chưa được chính quyền một số địa phương thực sự coi trọng. Theo ông Thịnh thì trách nhiệm để tồn tại vi phạm thuộc về chính quyền địa phương. Nhiều nơi để “nước đến chân mới nhảy” nên bước vào mùa mưa bão vẫn chưa giải tỏa được hết vi phạm.

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão TP Hà Nội: Nguyên nhân vi phạm hành lang bảo vệ đê điều xảy ra còn nhiều là do việc xử lý, giải tỏa vi phạm của một số địa phương chưa mạnh tay. Tâm lý nể nang, ngại va chạm của một số địa phương khiến cho người dân coi đê như của nhà mình, ngang nhiên vi phạm.

Chính vì sự thiếu kiên quyết, chế tài xử lý chưa đủ mạnh nên người dân đã “nhờn” luật. Việc giải tỏa cần phải được các địa phương tiến hành ráo riết trong năm, chứ không chỉ trong mùa mưa bão.

H.H.

Trần Huy - Trần Hằng
.
.
.