Bà đỡ của sản phụ có HIV

Chủ Nhật, 21/12/2008, 15:50
Tôi đến Khoa Sản 3, Bệnh viện Phụ sản TW lúc 14h20' ngày 17/12, đúng lúc cặp mẹ con thứ 100 trong năm 2008 xuất viện. Người mẹ 26 tuổi, ẵm đứa con trai mới sinh nặng 3,1kg, bên cạnh là bà ngoại đang khệ nệ những tã lót, đường sữa... Nhìn bề ngoài, họ cũng như hàng trăm cặp "mẹ tròn con vuông" khác rời viện. Chỉ có điều, trong sổ theo dõi bệnh nhân, tên của người mẹ được viết bằng bút mực màu đỏ, ký hiệu về những sản phụ có HIV.

Tôi biết về Khoa Sản 3, Bệnh viện Phụ sản TW qua chị Nguyễn Thu Hằng, điều phối viên của dự án "Tăng cường sự tham gia của những người sống chung và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS".

Một người mẹ có HIV đã từng mất hai đứa con vì căn bệnh AIDS. Một sản phụ từng điều trị dự phòng lây từ mẹ sang con và sinh nở tại đây. Trong câu chuyện của chị, vừa có cái ấm ức, buồn tủi vì bị kỳ thị khi sinh đứa con đầu ở một cơ sở y tế (xin giấu tên) vừa có sự trân trọng các bác sỹ, nhân viên y tế ở Khoa Sản 3 khi chị sinh đứa con thứ hai.

Cùng là lương y, nhưng ở hai nơi, chị nhận được thái độ, lối ứng xử và cách chăm sóc bệnh nhân trái ngược nhau. Chị tự rút ra kết luận, đội ngũ y, bác sỹ ở Khoa Sản 3, những bà đỡ cho sản phụ có HIV là người hiểu đúng về căn bệnh nan y cũng như cơ chế lây nhiễm. Họ có sự cảm thông với người bệnh, trân trọng những đứa trẻ sắp chào đời. Vì thế, họ đã để lại ấn tượng tốt với những sản phụ có HIV từng vượt cạn tại đây như chị.

Khác với vẻ tấp nập hay sự quá tải như một số khoa trong cùng bệnh viện, hầu hết các buồng bệnh của Khoa Sản 3 đều còn giường trống. Điều này vừa vui, lại vừa buồn. Vui ở chỗ số bệnh nhân sản khoa mang trong mình căn bệnh truyền nhiễm, trong đó có HIV chưa đến mức quá tải đối với khoa. Buồn ở chỗ có một số sản phụ dù mang trong mình những bệnh truyền nhiễm nhưng vẫn chưa được đến (hoặc không đến) khoa để vượt cạn. Việc này sẽ ảnh hưởng đến việc ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm.

Tôi hỏi về sự mát tay của các bà đỡ ở khoa, nữ hộ sinh tên Hoa, người có thâm niên gần 20 năm gắn bó với công việc đỡ đẻ cho biết, từ đầu năm đến nay, có 107 sản phụ có HIV đến khoa, trong đó có 100 ca sinh nở thì đều "mẹ tròn con vuông" cả. Một tỷ lệ thật đáng mừng, nhất là với những sản phụ mà chỉ số miễn dịch của họ suy giảm.

Còn bác sỹ Liên Phương thì cho biết, theo các nghiên cứu, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang khi chuyển dạ là 50% (25% khi mang thai, 25% do chăm sóc sau đẻ), nên ngoài đảm bảo an toàn cho người mẹ, việc giữ an toàn cho đứa trẻ khi sinh cũng rất quan trọng.

Thời gian chuyển dạ càng kéo dài càng ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ. Để nhanh chóng kết thúc giai đoạn này, căn cứ vào tình hình, bác sỹ sản khoa sẽ cho đẻ thường hoặc mổ đẻ. Khi đẻ thường, bác sỹ phải tuyệt đối không để đứa trẻ bị xây xước. An toàn cho người mẹ và em bé là một nhẽ, bác sỹ, nhân viên y tế cũng phải tuyệt đối tuân thủ công tác vệ sinh, bảo hộ.

Dù như vậy hầu hết bác sỹ, nhân viên y tế trong khoa đều bị phơi nhiễm. Cá biệt, có người từng bị phơi nhiễm đến 4 lần. Thế nhưng vì sức khỏe, vì tính mạng người bệnh và đứa trẻ, họ vẫn tiếp tục làm công việc đầy nguy cơ lây nhiễm căn bệnh nan y này.

Trước khi đến đây, tôi cứ nghĩ rằng việc bị phơi nhiễm HIV thật khủng khiếp. Nó khiến người từng bị phơi nhiễm tránh xa cái công việc khiến họ bị phơi nhiễm. Nhưng khi đến đây, gặp cô y tá tuổi đời mới 20 từng bị kim tiêm đâm vào tay sau khi lấy máu cho sản phụ và từng phải uống thuốc dự phòng cả tháng trời, tôi lại nghĩ khác.

Không gian thoáng đãng, yên tĩnh ở Khoa sản 3, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Cô y tá tên H., có khuôn mặt bầu bầu và chiếc răng thỏ duyên duyên chỉ cười khi nói về tai nạn của mình. Cô bảo bất cẩn trong khi làm việc thật khó tránh khỏi. Không thể do tai nạn này mà cô xin chuyển sang khoa khác được. Nếu vậy, sẽ chẳng còn ai ở lại khoa này cả. Trong thời gian điều trị phơi nhiễm, cô cũng rất lo lắng, song vẫn làm việc, tiếp xúc, chăm sóc sản phụ có HIV.

Nói về tương lai, cô lại cười mà bảo rằng mình vẫn chưa có người yêu. Cô cũng chẳng dám nói với các "vệ tinh" là mình làm ở nơi chuyên chăm sóc sức khỏe sinh sản cho sản phụ có HIV bởi vì trong xã hội vẫn còn có những người chưa hiểu đúng về vấn đề này. Một thực tế thật đáng buồn.

Còn nữ bác sỹ rất cởi mở, người 4 lần phơi nhiễm HIV thì thẳng thắn cho biết "ai cũng xin đi khỏi khoa này thì sản phụ có HIV đẻ ở đâu". Câu nói giản dị của chị khiến những nữ hộ lý, nữ y tá cùng có mặt trong phòng bật cười. Chị từng bị phơi nhiễm trong khi khâu vết mổ cho sản phụ, bị nước ối bắn vào mắt…

Nói về tâm trạng trong khi chờ đến ngày được tuyên "trắng án" (sau 3 tháng bị phơi nhiễm mới có kết quả), chị bảo trong quãng thời gian này không dám ngủ chung giường với chồng. Bản thân chồng chị cũng chẳng hiểu lý do bỗng dưng vợ đòi… ly thân. "Có những cái với người thân, ruột thịt của mình cũng không dám nói", chị tâm sự.

Trong khoa còn có bác sỹ trong khi mổ lấy thai, máu bắn vào mắt. Trường hợp khác lại còn bị máu của sản phụ bắn tung tóe lên người… Dù tận mắt chứng kiến những vụ tai nạn của đồng nghiệp và biết rõ rất khó tránh nhưng những bác sỹ, nhân viên y tế được phân công, công tác tại đây đều không từ chối nhiệm vụ được giao.

Nếu ai đó nghĩ rằng, những sản phụ có HIV phần lớn là những đối tượng tệ nạn xã hội là sai lầm dù vẫn có những người mẹ là con nghiện, là gái mại dâm, bác sỹ Liên Phương cho biết. Bệnh nhân của chị có những người là giảng viên đại học, là bác sỹ, là kỹ sư… Họ là nạn nhân.

Khát vọng làm mẹ và quyền làm mẹ của họ không ai được phép chối bỏ. Đứa con là hy vọng, là tương lai của họ. Không ai không thương cảm trước sản phụ là giảng viên một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Chị vốn là con gái nhà lành, gặp, yêu và kết hôn với người chồng hiện tại. Chồng chị là Giám đốc một công ty, trước khi lấy vợ, anh từng công tác ở một tỉnh miền phía Bắc.

Bản thân anh không hề biết mình có HIV trong những lần "tiếp khách" ở các tụ điểm ăn chơi. Một phút buông thả, anh đã lây bệnh cho người vợ vô tội mà mình cưới sau này. Còn chị, sau phút choáng váng đã tìm đến bệnh viện để được điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con và "mẹ tròn con vuông" sau khi sinh tại khoa.

Lại có sản phụ là một kỹ sư đã nói trong nước mắt với bác sỹ trong khoa, rằng chị vô cùng tủi nhục khi đưa đứa con đầu có HIV đến điều trị ở một bệnh viện TW cũng trên địa bàn Hà Nội. Khi chị định đặt đứa trẻ xuống giường để bác sỹ khám, cô nhân viên y tế đã bảo chị phải trải nilon rồi mới được phép đặt đứa trẻ nằm xuống. Bao nhiêu tủi hổ trào dâng trong lòng người mẹ trẻ, chị thương con đứt ruột và thấy buồn ghê gớm.

Vẫn còn những nhân viên y tế, những người hiểu biết, mà còn kỳ thị mẹ con chị huống hồ người thường. Nghe người sản phụ có HIV đến sinh đứa con thứ hai kể lại câu chuyện này, y, bác sỹ của khoa càng thấu hiểu nỗi khổ tâm của những người mẹ khi đến đây sinh con. Nó tiếp sức cho họ làm tốt hơn công việc bà đỡ của mình.

14% các ông chồng âm tính với HIV trong số các cặp vợ chồng đến khoa sinh con. Một tỷ lệ nói lên sự hào hiệp cũng như tình yêu của những người đàn ông đối với người vợ của mình. Có rất nhiều trường hợp trong số đó, dù biết vợ có HIV nhưng vẫn yêu tha thiết người mình đã lựa chọn.

Thông thường, chỉ trường hợp vợ âm tính, khi quyết định có thai, bác sỹ mới tư vấn điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con. Nhưng thực tế, vẫn có những ông chồng âm tính (vợ dương tính) đến đề nghị tư vấn trước khi quyết định có thai. Với những trường hợp này, bác sỹ đành mời những người chồng giàu tình thương và trách nhiệm này về. Thế nhưng, vẫn có người tìm mọi cách để có thai dù việc dự phòng của họ không mấy khoa học. Trường hợp của anh T. ở Hà Nội là một ví dụ.

Sau khi bị các bác sỹ từ chối vì việc điều trị dự phòng, vợ chồng anh T. tự thực hiện bằng cách đục thủng bao cao su khi quan hệ. Khi nghe kể lại cách mà họ "điều trị dự phòng", các bác sỹ vừa thương, vừa giận.

Lại có những người đàn ông, dù biết vợ của bạn lây nhiễm HIV từ chồng, người chồng đã mất nhưng vẫn kiên quyết lấy chị này làm vợ. Khi chị vợ đẻ, ngoài hành lang là bà mẹ chồng cũ cùng người chồng mới thắc thỏm chờ đợi. Nhìn cảnh này, bác sỹ mổ đẻ phải rơi lệ. Họ cảm động vì tình yêu người chồng dành cho người vợ và cả tình cảm của người mẹ chồng với con dâu cũ. Một thứ tình cảm thật đáng quý trọng.

Như một xã hội thu nhỏ, qua những sản phụ tìm đến sinh nở, y, bác sỹ trong khoa tiếp xúc cả với những cảnh đời cười ra nước mắt. Có trường hợp người vợ mới 19 tuổi, người chồng 21 tuổi. Trong khi chờ vợ sinh, người chồng cho biết trước đây anh cùng 6 người bạn cùng "mua" một cô gái bán dâm. Hiện tại, 6 người bạn này đã mất, chỉ còn mình anh lấy được vợ và sinh con.

Nghe câu chuyện mà đắng lòng, anh là người duy nhất còn sống nhưng lại truyền bệnh cho người vợ vô tội. Con anh có bị lây nhiễm hay không đang chờ vào sự màu nhiệm của tự nhiên, của y học và cả cách chăm sóc nó sau khi sinh.

Nếu điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con từ khi mang thai 28 tuần, tỷ lệ lây nhiễm khoảng 5%. Nếu việc điều trị này tiến hành từ khi người mẹ mang thai 16 tuần, tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn 5%. Kết quả nghiên cứu này là sự động viên, cổ vũ cho những bà đỡ của các bà mẹ có HIV ở Khoa Sản 3.

Khát vọng làm cha, làm mẹ và niềm tin ở tương lai của những ông bố, bà mẹ kể cả khi họ có HIV là chính đáng. Chính những đứa con cho họ hy vọng và niềm tin vào cuộc sống. Đón những đứa trẻ khỏe mạnh, những đứa trẻ đem lại hạnh phúc cho bố mẹ nó khi chào đời cũng là niềm tự hào của các bà đỡ ở đây

Cao Hồng
.
.
.