BV Chợ rẫy (TP HCM): Bác sỹ, bệnh nhân kêu trời vì quá tải

Thứ Bảy, 24/03/2007, 20:30

Có ngày phòng mổ của Khoa Cấp cứu có 20 ca mổ thì hết 10 ca là mổ ruột thừa mà tuyến y tế huyện cũng có thể làm được. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày, riêng Khoa Cấp cứu xử lý 250 ca cấp cứu.

Quá tải. Chuyện không mới ở Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, song từ nhiều năm nay, nỗi phiền muộn này vẫn không được cải thiện hơn bao nhiêu. Cho dù nhân sự có tăng, trang thiết bị được đầu tư thêm cũng như các biện pháp cải thiện tình hình, song tình trạng quá tải ở bệnh viện (BV) này đang lây đều ở khắp các khoa.

Quá tải chồng lên quá tải

Quá tải ở bệnh viện này hiển hiện ngay từ cánh cổng BV, nơi có bãi gửi xe rộng mênh mông, vậy mà không ngày nào những người trông xe không phải trưng lên tấm bảng "hết chỗ gửi xe…". Nhưng chuyện ở bãi gửi xe vẫn chỉ là chuyện nhỏ còn khắp nơi trong BV từ khuôn viên tới mọi ngóc ngách trong tòa nhà 11 tầng rộng lớn luôn đầy nghẹt người là người.

Cầu thang nơi tập trung mọi sự dịch chuyển của tòa nhà này thường xuyên bị kẹt. Lúc nào cũng có hàng đoàn người rồng rắn trước khu lên cầu thang máy. Để điều tiết lưu thông, khu vực này luôn thường trực 2-3 bảo vệ kiêm luôn việc giữ trật tự. Tuy cầu thang nơi đây được thiết kế rất rộng, mỗi cái có thể chứa hơn chục người, có cầu thang riêng cho bệnh nhân (BN), nhưng đa số những người có nhu cầu lên lầu I, lầu II đều đi cầu thang bộ… cho nhanh.

Không còn một giường nào trống tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (ảnh chụp chiều 21/3).

14h ngày 22/3, thử bách bộ lên tầng 7, chúng tôi đã được chứng kiến cả 7 lầu này đều đông nghẹt vì người qua lại. Không khí ngột ngạt. Tại các khu vực sảnh lớn trước cầu thang máy luôn đông người. BN trên băng ca ráng chịu cơn đau. Thân nhân lo đứng… thở.

Khu vực phòng khám nơi tầng trệt có bao nhiêu dãy ghế dành cho BN thì dường như kín cả. Kể cả vào buổi trưa. Vào những ngày cao điểm không đủ chỗ, người ta đành cứ có chỗ là… ngồi, bất kể đó là hành lang, ghế đá, gầm cầu thang… Đã có không ít trường hợp BN tới BV mục đích chỉ là đi khám vì bệnh tình mức độ vẫn còn chịu được nhưng thời gian đợi quá lâu nên… xỉu và phải đưa vào Khoa Cấp cứu.

Riêng khu vực làm các xét nghiệm: chụp X-quang, xét nghiệm máu, đo điện tim thì luôn chật lèn. Cái cảnh thường thấy ở đây là hai dãy băng ca và người nhà đứng chờ. Khám: chờ. Xét nghiệm: chờ. Mổ: chờ.

Đứng hóng gió cùng với một BN tên Nguyễn Việt T., người ở Đắk Lắk, vừa được nhập Khoa Ngoại lồng ngực 3 ngày. Ông T. than thở: "Đông thế này mà vẫn đưa BN lên hoài. Cứ 2 người một giường. Nóng quá tôi phải ra đây đứng".

Bà vợ ông đứng cạnh chen vào: "Khi hay tin ông bị mắc khối u ở phổi, chúng tôi đã từ Đắk Lắk xuống tận đây chữa chạy nhưng do phòng khám quá đông, ngày đầu tiên kết thúc thì ông ấy mới tới lượt… khám". Nhưng để hoàn thành thủ tục và được nhập viện, ông T. đã phải mất tới 7 ngày. 7 ngày chờ làm 5 cái xét nghiệm".

Giải pháp còn ở… trên ngọn

Bác sỹ Tôn Thất Quỳnh Ái nói đùa với chúng tôi: "BN ở BV Chợ Rẫy bây giờ có thể ví như chim bồ câu được xếp lớp trong chuồng vậy. Nếu chỉ một mình Khoa Cấp cứu quá tải thì dễ giải quyết. Đằng này quá tải đều khắp. Chỉ nội chuyện di chuyển BN từ khoa này sang khoa kia thôi cũng "tắc nghẽn giao thông".

Có BN ra viện thì mới có chỗ cho BN sau vào nằm. Nếu không BN mới tiếp tục phải chờ trong cảnh nằm băng ca ngoài hành lang". Gốc của vấn đề vẫn do bệnh nhân tập trung về quá đông và lại ngoài tầm điều tiết của BV. Một vết thương nhỏ phải khâu, băng với trình độ y tá cấp phường cũng làm dư sức nhưng quá "yêu BV", BN vẫn cứ chạy tuốt vào Chợ Rẫy.

Những lúc BN quá đông, việc phải sơ, cấp cứu cho những trường hợp này cũng lấy mất đi bao thời gian quý giá phục vụ cho những BN nặng. Chỉ riêng số ca cấp cứu mà tuyến dưới có thể xử lý tới đây cũng chiếm tới 30%. BV chỉ được giao 1.400 giường nhưng thường xuyên có tới 2.500 BN nội trú và gần 4.000 BN ngoại trú/ngày.

Căng thẳng nhất vẫn là ở Khoa Cấp cứu. Dù đã phân công theo chế độ 3 ca 4 kíp nhưng do số người đã ấn định rất khó điều động hỗ trợ nhau. Chỉ cần có một sự cố nhỏ về nhân sự là cả tua trực bị ảnh hưởng.

Có ngày phòng mổ của Khoa Cấp cứu có 20 ca mổ cấp cứu thì hết 10 ca là mổ ruột thừa mà tuyến y tế huyện cũng có thể làm được. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày, riêng Khoa Cấp cứu xử lý 250 ca cấp cứu. Ngày lễ Tết có thể lên tới 350-450 ca. Và bức xúc nhất là chuyện băng ca phải trở thành… giường. Đó là cách tốt nhất để tiết kiệm được diện tích và di chuyển BN cho nhanh.

Cả BV có khoảng 400 chiếc băng ca chở BN nhưng luôn thấy… thiếu. Các điều dưỡng sợ nhất là chuyện không kiểm soát được băng ca. Khoa Cấp cứu được ưu tiên 70 chiếc băng ca nhưng nhiều lúc không còn một chiếc. Không mất đi đâu cả mà chỉ vì băng ca theo BN về trại chưa kịp trả lại. Thiếu băng ca, xe cấp cứu ập tới. Vậy là lại náo loạn chuyện tìm băng ca… Nói tới chuyện này, bác sỹ Tôn Thất Quỳnh Ái cười và nói: "Chuyện nghe cứ như chuyện đùa!", song đó là sự thật.

Bác sỹ Trịnh Thanh Mai - Phó Khoa Cấp cứu lại chìm sâu trong nỗi băn khoăn khác. Với cường độ làm việc liên tục của một kíp trực (6 người ), nhưng do số lượng BN luôn đông, bác sỹ, điều dưỡng Khoa Cấp cứu không đành lòng mà nghỉ phép để bỏ mặc BN. Chỉ cần 1 trong 6 người nghỉ bệnh là những người còn lại phải gồng mình làm thay. Ráng làm từ ngày này qua ngày khác khiến nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp là điều luôn ám ảnh các bác sỹ. Những băn khoăn này xin gửi tới lãnh đạo BV Chợ Rẫy…

Huyền Nga
.
.
.