BQL Khu di tích Đền Hùng thu nhiều tỷ đồng của dân nhưng chỉ… ký sổ?

Thứ Tư, 23/02/2011, 11:58
Chỉ ít ngày nữa là diễn ra lễ hội văn hóa Giỗ tổ Hùng Vương. Hòa trong không khí ấy, chung tôi theo chân du khách đổ về lễ hội nhưng lại ghi nhận được những chuyện buồn tại khu di tích lớn nhất cả nước này. Du khách và những người quan tâm đến vụ việc này ví những chuyện buồn ấy như những “hạt sạn” trong “bữa tiệc văn hóa”. Hay nói một cách khác, nếu không được xử lý triệt để nó sẽ làm xấu đi hình ảnh đẹp của miền đất Tổ.

“Hô biến” nhiều tỷ đồng?

Những ngày gần đây, chúng tôi liên tục nhận được phản ánh của người dân việc lãnh đạo Ban quản lý Khu di tích lịch sử đền Hùng (BQL di tích đền Hùng) lợi dụng “đặc quyền” được giao quản lý khu di tích để chỉ đạo thu nhiều khoản thu lên đến hàng tỷ đồng trái với quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Tiến Khôi - Giám đốc BQL đền Hùng làm việc với phóng viên báo chí.

Để được “mục sở thị” tố cáo của người dân, chúng tôi đã có mặt tại Đền Hùng trong những ngày sắp diễn ra lễ hội. Mặc dù, còn gần 2 tháng nữa mới diễn ra lễ hội Đền Hùng 2011 (mùng 10/3 âm lịch năm Tân Mão), nhưng không khí náo nhiệt của lễ hội lớn nhất cả nước đã bao trùm khắp khu di tích Đền Hùng và cả các khu vực lân cận.

Từ cổng chính dẫn tới Đền Hùng, la liệt các ki ốt to, nhỏ với đủ các lọai mặt hàng được bày bán. Chỉ tính riêng các ki ốt cỡ 50 - 60m2 đã có đến con số hàng trăm, nếu cộng cả các quầy bán hàng 5-7m2 thì phải đến con số hàng nghìn. Đập vào mắt phóng viên là tình trạng lộn xộn trong hoạt động nhiều dịch vụ tại đây.

Chị H., một chủ ki ốt tại Đền Hùng cho biết: từ nhiều năm nay gia đình chị “thuê” lại ki ốt của BQL di tích Đền Hùng kinh doanh hàng ăn uống, quà lưu niệm. Mỗi năm gia đình chị phải nộp hơn 100 triệu đồng cho BQL di tích. Đáng lưu ý, khoản thu trên không có biên lai, chứng từ mà chị H khi nộp tiền chỉ cần ký vào một cuốn sổ tại BQL di tích Đền Hùng.

Chị H. than vãn: “Năm đầu tiền lãi được 50 triệu, năm sau được 70 triệu nhưng năm vừa rồi lỗ gần 100 trăm triệu… Các “sếp” lĩnh hết rồi các anh ạ, khó làm ăn lắm”. Cũng theo chị H., hàng tháng chị đều phải lên BQL di tích Đền Hùng “ký sổ”. Tháng lễ hội thì phải nộp 30 triệu đồng/tháng, những tháng còn lại trong năm 7 triệu đồng/tháng.

Trong vai của một người có nhu cầu thuê ki ốt tại Đền Hùng, chúng tôi có dịp tìm hiểu rõ hơn sự việc bất thường này tại nhiều điểm kinh doanh khác nhau trong khuôn viên khu di tích. Tất cả các hộ mà chúng tôi tiếp xúc đều có “hoàn cảnh” nộp tiền tương tự trường hợp chị H. là… nộp tiền chỉ cần “ký sổ”?! Còn nữa, khi chúng tôi ngỏ ý muốn thuê một ki ốt cỡ to để kinh doanh thì nhiều tiểu thương tại đây cho biết đã hết chỗ từ lâu vì cả một dãy ki ốt dài gần với Đền Hùng là của anh em, họ hàng ông Khôi (tức ông Nguyễn Tiến Khôi - Giám đốc BQL đền Hùng - PV) đã xí phần?!

Sau khi có đầy đủ các thông tin về việc làm bất thường này, chúng tôi tìm đến phòng làm việc của ông Nguyễn Tiến Khôi - Giám đốc BQL Khu di tích Đền Hùng. Sau khi trình bày nội dung làm việc, không biết có phải vị giám đốc này linh cảm điều gì hay không nhưng luôn miệng cho phóng viên biết ông sắp nghỉ hưu?! Khi được hỏi về tổng số tiền thu từ các ki ốt dịch vụ tại Đền Hùng 1 năm là bao nhiêu thì ông Khôi nói rằng không đáng là bao nhiêu, chỉ khoảng 70 triệu đồng/năm?!

Như vậy, theo trả lời của ông Khôi thì tổng số tiền thu của mấy trăm ki ốt kia chưa bằng 1 ki ốt mà phóng viên ghi nhận từ các tiểu thương?! Tại sao lại có 2 con số chênh lệch nhau đến hàng trăm lần như vậy?

Còn nữa, khi được hỏi đến các biên lai thu tiền của các hộ kinh doanh thì ông Khôi trình ra nhiều tập phiếu thu của các năm 2007, 2008, 2009, 2010. Trên các phiếu thu này thể hiện số tiền thu của mỗi hộ kinh doanh chỉ vẻn vẹn vài trăm nghìn đồng? Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, các phiếu thu này do BQL Khu di tích Đền Hùng lập ra và không phải là biên lai thu tiền theo quy định của Bộ Tài chính.

Như vậy, tổng số tiền mà BQL Khu di tích Đền Hùng đã thu đã thu của các hộ kinh doanh trong nhiều năm qua là bao nhiêu? Có được nộp vào Kho bạc Nhà nước hay đã sử dụng ra sao là điều mà cơ quan điều tra cần sớm vào cuộc để làm rõ. Đáng lưu ý, trong 5 năm qua Nhà nước đầu tư cho Đền Hùng hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó BQL Khu di tích Đền Hùng được giao làm chủ đầu tư nhiều dự án có số tiền hàng trăm tỷ đồng xong chất lượng công trình, tiến độ thi công, hệ thống cây xanh... vẫn còn nhiều dấu hỏi chưa được làm rõ.

Sáng 27/11/2010, UBND tỉnh Phú Thọ, Thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ khởi công tu bổ, tôn tạo Đền Hạ - Di tích lịch sử Đền Hùng. Tổng số tiền đầu tư cho việc tu bổ, tôn tạo này lên đến 18 tỷ đồng. Công trình được UBND tỉnh Phú Thọ giao cho Khu di tích lịch sử Đền Hùng làm chủ đầu tư. UBND tỉnh Phú Thọ đã giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục và chỉ đạo triển khai xây dựng công trình đảm bảo đúng tiến độ, xong trước thời gian tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2011.

Chỉ đạo là vậy, song theo ông Giám đốc Khu di tích Đền Hùng thì đến ngày Giỗ tổ Hùng Vương ngôi đền này mới chỉ xong được phần vỏ, nội thất thì phải sau lễ hội mới triển khai.

Việc chậm trễ này nguyên nhân từ đâu cũng cần được làm rõ

Theo An ninh Thủ đô/Bảo vệ Pháp luật
.
.
.