Áp lực từ nhu cầu việc làm và nỗi lo thất nghiệp

Thứ Tư, 02/07/2008, 08:57
Là một thành phố lớn thứ 3 trong cả nước, Hải Phòng có khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội ở mức cao hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước. Nhưng còn có một thực tế khác, áp lực về nhu cầu việc làm của người dân độ tuổi lao động không ngừng tăng. Đặc biệt có sự đột biến ở khu vực nông thôn.

Nguyên nhân chính, ruộng đất canh tác ngày càng thu hẹp do bị thu hồi để giao cho các dự án phát triển sản xuất công nghiệp, đô thị. Hệ lụy kèm theo: nông dân mất việc làm, khả năng tìm chọn được một ngành nghề khác là rất nhỏ…

Áp lực từ nông thôn

Chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng cũng có thể ước đoán được rằng, trong vòng 10 năm trở lại đây, đã có hàng vạn ha đất nông nghiệp đã không thể trồng cấy vì phải nhường chỗ cho các dự án mới được đầu tư chẳng liên quan gì đến con trâu, ruộng lúa. Đánh đổi cho sự phát triển theo hướng hiện đại và công nghiệp hoá này là hàng chục vạn người trong độ tuổi lao động đã mất dần khả năng tự tạo việc làm trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Công bằng mà nói, khi giao ruộng đất cho các dự án, các hộ nông dân đều nhận được khoản tiền đền bù không nhỏ. Tuy nhiên, rất ít người trong số đó biết cách sử dụng hiệu quả đồng vốn bất ngờ này để chuyển đổi nghề nghiệp, đầu tư kinh doanh phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Số đông còn lại chỉ biết dùng số tiền đó để chi tiêu cá nhân như xây dựng nhà cửa, mua xe cộ, mua sắm đồ đạc.

Chỉ một thời gian ngắn, họ đã phải đối mặt gay gắt với nhu cầu có việc làm ổn định, lâu dài như cuộc sống của người nông dân từ bao đời nay. Vậy mới có chuyện tương phản: Giờ đây khi về thăm các vùng quê ngoại thành Hải Phòng, thấy rất nhiều nhà cao cửa rộng, xe cộ dập dìu nhưng ai cũng nơm nớp nỗi lo vì thu nhập rất thấp, rất khó khăn để kiếm được miếng cơm manh áo theo đúng nghĩa ổn định từ nghề khác.

Nếu xét thu nhập hiện tại của người dân khu vực nông thôn so với chuẩn mới, số hộ nghèo đang tăng lên từng ngày, nguy cơ thất nghiệp rất dễ xảy ra. Với tổng mức dân số 1,8 triệu người, trong đó, khoảng 70% sinh sống khu vực nông thôn đủ để thấy nhu cầu cần việc làm đối với nông dân đủ để thành áp lực lớn cho cả thành phố.

Hướng giải quyết chưa thực sự hiệu quả

Giải quyết việc làm nói chung và khu vực nông thôn nói riêng chưa khi nào là vấn đề không được thành phố chú trọng. Bằng các giải pháp hỗ trợ như: công nghiệp hoá sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm diện tích nhưng gia tăng giá trị thu nhập kinh tế; chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp với đối tượng chính là cây, con giống mới, đào tạo, phổ cập nghề mới kết hợp với nghề truyền thống, những năm qua, gánh nặng về tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo tại thành phố cảng đã đạt được những kết quả nhất định.

Cụ thể, năm 2007 đã giải quyết việc làm cho 4,37 vạn lao động, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt tới 47; tuyển sinh đào tạo nghề 21.460 lượt học sinh, trong đó đào tạo nghề dài hạn ước khoảng 7.000 học sinh (kế hoạch 6.800 học sinh).

Trong năm 2008 này phấn đấu bố trí khoảng 4,5 vạn lượt người lao động có việc làm, tăng khoảng 3-4% so với năm 2007. Trong đó,  tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51-52%. Mục tiêu chung là hạ tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) xuống còn 5,5-5,7%.

Riêng từ đầu năm đến nay, đã giải quyết việc làm cho hơn 22.500 lao động, đạt hơn 50% kế hoạch. Trong đó nhóm ngành công nghiệp, xây dựng đã tạo việc làm cho 7.000 người; nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp, dịch vụ, giải quyết việc làm cho hơn 7.000 người. Gần 1.300 người đã được xuất khẩu lao động.

Cứu cánh thực hiện mục tiêu này là các trung tâm đào tạo dạy nghề ngắn và trung hạn, các trường nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo số liệu chúng tôi thu thập được, cho đến thời điểm này, tại tất cả các trung tâm nói trên mới chỉ tuyển dụng đào tạo cho khoảng 1.200 - 1.300 người, trong đó chủ yếu là độ tuổi thanh niên, học các ngành nghề quá phổ biến như điện máy, cơ khí, sửa chữa ôtô, nghề thủ công...

Một vài trung tâm thực sự có trách nhiệm trong việc tích hợp cả 3 yếu tố: tư vấn tuyển sinh, đào tạo và giới thiệu việc làm. Nhờ vậy một phần nhỏ trong số này sau khi "tốt nghiệp" sẽ được các đơn vị sản xuất tập trung tiếp nhận. Tuy nhiên những trung tâm này không nhiều, do phải hội đủ điều kiện đầu tư đào tạo chất lượng, uy tín thương hiệu. Số đông còn lại chỉ là đào tạo ngắn hạn, đơn giản, học viên chỉ vỡ vạc khái niệm nghề để sau này tự kiếm việc tại nhà, các cơ sở nhỏ lẻ với mức thu nhập không đồng đều và tương đối thấp.

Trong khi đó, không phải nông dân nào cũng đủ điều kiện theo các lớp đào tạo do thành phố mở, nhất là những nông dân lớn tuổi, trình độ văn hoá hạn chế. Đương nhiên là không thể có được chỗ làm tại những cơ sở sản xuất ổn định, lâu dài và thu nhập cao.

Mặt khác, khi tìm hiểu vấn đề này tại khu vực nông thôn, được biết có nhiều lớp đào tạo tại chỗ do thành phố hỗ trợ trong khuôn khổ chương trình chuyển đổi nghề cho nông dân, người theo học không phải trả bất kỳ chi phí nào song việc tuyển sinh vẫn rất khó khăn.

Theo phản ánh của người dân, các lớp này dường như không tính đến nhu cầu thực tế. Ví dụ, các lớp sửa chữa điện tử, cơ khí, dạy nghề thú y tại làng cần 40 học viên/lớp, chẳng lẽ sau đó lại mở 40 cửa hàng điện tử, cơ khí hay 40 ông thú y cùng hành nghề chung trong 1 làng?

Theo chúng tôi, đào tạo gắn với giải quyết việc làm là hướng đi tích cực nhưng cần rút ra những bài học thực tế. Không nên hiểu đó là các chương trình phổ cập nghề. Hãy dạy cái người dân cần, hành nghề để tạo thu nhập ổn định thì mới tránh được thất nghiệp đang đe doạ... gõ cửa

Lê Minh Triết
.
.
.