Anh đã "trở về" sau 60 năm

Chủ Nhật, 11/03/2007, 14:25
Là độc giả thường xuyên của Báo CAND, khi lướt đọc qua các hàng tít theo thói quen, ông Hùng bất ngờ đọc thấy tên Đỗ Bội Quỳnh và la lớn: "Anh Quỳnh đây rồi. Tưởng như anh tôi là bằng xương, bằng thịt trở về sau 60 năm biệt tăm tích".

"Những tưởng tâm nguyện cả đời sẽ theo chúng tôi về nơi chín suối vì biết rằng có giao cho thế hệ thứ 3 trong gia đình chắc gì đã làm được", đó là tâm sự của ông Đặng Mộng Hùng khi nói về hành trình "đòi quyền" truy tặng liệt sỹ cho anh rể… hụt Đỗ Bội Quỳnh, chiến sỹ Công an hy sinh ngày 2/9/1949.

Nỗi lòng người sống

Theo ông Đỗ Bội Quyết, em trai liệt sỹ Đỗ Bội Quỳnh, năm 1944, anh trai ông thoát ly gia đình tham gia Mặt trận Việt Minh. Tháng 12/1948, ông Quỳnh công tác tại Ban Điệp báo, Ty Công an Hà Nội. Ngày 2/9/1949, máy bay Pháp thả bom trúng trụ sở cơ quan đóng tại thôn Văn Ông, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây và ông Quỳnh hy sinh cùng 4 đồng chí khác.

Hòa bình lập lại, bố mẹ ông đã dày công đi tìm gặp những đồng chí trước đây cùng công tác với ông Quỳnh nhằm xác nhận trường hợp hy sinh của con mình để đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sỹ. Tuy nhiên, tâm nguyện của các cụ chưa thành.

Khi trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Mộng Hùng, người được ông Đỗ Bội Quyết ủy quyền làm thủ tục đề nghị truy tặng liệt sỹ cho ông Đỗ Bội Quỳnh, cho biết: Cụ thân sinh ra ông và ông Đỗ Bội Quỳnh có giao ước gả con cho nhau. Trước đó, ông Quỳnh về quê ở huyện Xuân Trường, Nam Định, nơi cả hai gia đình tản cư từ Hà Nội về, hẹn sau mùng 2/9 sẽ về tổ chức cưới chị gái ông là Đặng Thị Phúc.

Qua 2/9, không thấy ông Quỳnh về, bố ông bèn đưa em trai là Đỗ Bội Quyết ra thôn Văn Ông, xã Tảo Dương Văn, Ứng Hòa, Hà Tây. Đến nơi, cụ mới biết con trai mình hy sinh ngày 2/9/1949.

Do chiến tranh nên điều kiện đi lại khó khăn, năm 1954, hòa bình lập lại, cụ thân sinh ra ông Quỳnh mới đi xin xác nhận làm chế độ liệt sỹ cho con trai. Tuy nhiên, khi ở tuổi 80, sức tàn, lực kiệt mà tâm nguyện chưa thành, trong lòng vẫn hy vọng sự hy sinh của con trai mình sẽ được Tổ quốc và nhân dân ghi nhận. Trước khi ra đi, cụ để lại di chúc cho các con mình hãy làm tiếp việc cụ chưa hoàn thành.

Cách đây 14 năm, bà Đặng Thị Phúc, người từng là vợ chưa cưới của ông Quỳnh, hiện đang sống ở TP Hồ Chí Minh, cho ông Hùng biết: "Anh Quỳnh hy sinh tại thôn Văn Ông, Hà Tây". Ông Hùng, ông Quyết cùng con cháu đi tìm và được chính quyền, bà con xã Tảo Dương Văn tận tình giúp đỡ. Đến lúc này, họ mới nhận được phần mộ của anh mình. Tuy nhiên, việc xác nhận liệt sỹ cho anh trai các ông không biết bấu víu vào đâu.

Báo CAND - nhịp cầu nối

"Khi chúng tôi bước vào tuổi "xưa nay hiếm", hy vọng Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sỹ cho anh Đỗ Bội Quỳnh khó thực hiện thì Báo CAND đã đem đến niềm vui bất ngờ. Ngày 23/1, như mọi lần tôi cầm trên tay tờ Báo CAND (tôi là độc giả thường xuyên của Báo) và lướt đọc qua các hàng tít theo thói quen. Thật bất ngờ, tôi đọc thấy tên Đỗ Bội Quỳnh.

Tôi la lớn: "Anh Quỳnh đây rồi" và tưởng như anh tôi bằng xương, bằng thịt trở về sau 60 năm biệt tăm tích", ông Đặng Mộng Hùng xúc động kể lại cơ duyên "gặp" anh rể… hụt của mình trên Báo CAND.

Ngay đêm đó, ông Đỗ Bội Quyết, người sát cánh cùng ông Hùng, làm theo di chúc của cha mình về việc hoàn tất thủ tục để Nhà nước công nhận liệt sỹ cho anh trai, lập tức bay ra Hà Nội. Sáng hôm sau, các ông đến gặp Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh và được ông tận tình hướng dẫn, hỗ trợ để hoàn thiện hồ sơ đúng yêu cầu, thủ tục gửi cơ quan chức năng đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sỹ cho ông Đỗ Bội Quỳnh. Vấn đề còn lại bây giờ là thời gian, ông Hùng hào hứng nói.

Qua bài viết trên Báo CAND, thân nhân của liệt sỹ Đỗ Bội Quỳnh đã tìm được anh mình một cách đúng nghĩa khi công lao của liệt sỹ được nhân chứng, người có trách nhiệm ghi nhận. Qua Báo, những người bấy lâu nay mang trong mình nỗi day dứt về việc làm thế nào để tìm được thân nhân các liệt sỹ hy sinh ngày 2/9/1949 như Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh được giải tỏa.

Cầm trên tay tập hồ sơ xin xác nhận liệt sỹ của thân nhân liệt sỹ Đỗ Bội Quỳnh, tôi không khỏi thán phục lòng nhiệt thành của bố mẹ ông, em trai ông và cả người em vợ… hụt Đặng Mộng Hùng.

Ngay từ những năm đầu giải phóng, họ đã đi tìm nhân chứng xác nhận sự hy sinh cao cả của ông Đỗ Bội Quỳnh. Ngày 26/9/1975, đồng chí Lưu Thiện Lý, Chủ nhiệm Khách sạn Du lịch Thắng Lợi, xác nhận: "Năm 1949, tôi công tác tại Phòng Điệp báo, Ty Công an Hà Nội, đồng thời là Bí thư Chi bộ, có biết đồng chí Đỗ Bội Quỳnh, tức Nguyễn Văn Đường, thời gian này là cán bộ nghiên cứu và đảng viên công tác tại Văn phòng Ty Công an Hà Nội lúc đó đóng tại thôn Văn Ông, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, Hà Tây.

Ngày 2/9/1949, những cán bộ và nhân viên của văn phòng không có gia đình đều được giao nhiệm vụ tập trung tại Văn Ông để bảo vệ cơ quan. 10 sáng cùng ngày, máy bay địch đến oanh tạc, 5 đồng chí hy sinh". Ngày 29/9, đồng chí Nghiêm Thiết Dung, Trưởng phòng Thông tin cổ động, Sở Văn hóa Hà Nội cũng xác định nội dung tương tự.

Năm 1994, đồng chí Nguyễn Tài, nguyên Trưởng ty Công an Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ngoài việc xác nhận đồng chí Đỗ Bội Quỳnh công tác và hy sinh như nêu ở trên, còn viết: "Sau kháng chiến chống Pháp, bộ phận phụ trách chính sách của Công an Hà Nội có nhiều thay đổi nên thiếu sót không kịp làm đủ các thủ tục để Nhà nước cấp danh hiệu liệt sỹ cho 5 đồng chí đã hy sinh tính mạng mình cho dân tộc, mặc dù chúng tôi đã xin và được Chính phủ truy tặng Huân chương Kháng chiến cho những chiến sỹ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ kể trên".

Thân nhân của ông Đỗ Bội Quỳnh đã mất rất nhiều thời gian, công sức, song việc hoàn tất thủ tục đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sỹ cho ông vẫn chưa thực hiện được. Trong mùa xuân mới, những người làm báo trong lực lượng Công an rất vui mừng khi là cầu nối giúp những người đang sống hoàn thành tâm nguyện và người đã mất được tôn vinh

Cao Hồng
.
.
.