“An ninh là để phát triển, phát triển là thực hiện an ninh”

Thứ Năm, 27/04/2006, 10:29

LTS: Bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản VN lần thứ  X, nhà báo Nguyễn Công Khế có cuộc trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Bộ Công an, về một số vấn đề an ninh của đất nước trong thời kỳ mới.

* Nhà báo Nguyễn Công Khế: Xin Thượng tướng cho biết những vấn đề an ninh mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong tình hình mới hiện nay?

- Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng: Tất cả chúng ta đều biết, hiện tại chúng ta đang sống trong một thế giới có những sự biến đổi nhanh chóng do tiến trình toàn cầu hóa kinh tế - chính trị thế giới đem lại. Bởi vậy, tôi cho rằng nhiệm vụ  công tác an ninh của chúng ta cũng phải có những thay đổi tương xứng để phù hợp với tình hình mới.

Trước tiên chúng ta phải có nhận thức mới, tư duy mới. Xu thế và quy luật vận động của thế giới ngày nay cho thấy, biên giới của một quốc gia giờ đây không chỉ đơn thuần là địa giới hành chính, bao gồm biên giới trên đất liền trên biển, và trên không mà còn là biên giới mềm của hàng hóa, văn hóa, thông tin, tài chính... Vì vậy, bảo vệ an ninh cũng phải được tiến hành trên cả hai hình thức biên giới truyền thống và biên giới mềm; trong đó, biên giới mềm ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Và với vị thế địa chính trị có ý nghĩa chiến lược mà Việt Nam có được, các tác động và ảnh hưởng của toàn cầu hóa đối với Việt Nam sẽ diễn biến ngày càng nhanh chóng và phức tạp.

Trong đó, những vấn đề cụ thể mà chúng ta sẽ phải đối mặt đó là các hoạt động tình báo kinh tế, buôn bán thông tin, làm băng hoại các giá trị văn hóa của dân tộc, các âm mưu gây chia rẽ đại đoàn kết dân tộc. Đó là những mối nguy lớn, đòi hỏi chúng ta phải tập hợp toàn dân, cả trong và ngoài nước, cùng đoàn kết để tạo nên một thế trận an ninh nhân dân vững chắc để bảo vệ an ninh quốc gia, phát huy ý thức tự chủ, tự cường, nâng cao vị thế đất nước trong thời kỳ mới. Rõ ràng, mục tiêu của an ninh là tạo sự ổn định cho phát triển đất nước, và chính sự phát triển của đất nước sẽ là nhân tố đảm bảo an ninh một cách cơ bản nhất. Trong thành tựu của 20 năm đổi mới, có những đóng góp không nhỏ của hoạt động an ninh, và để đảm bảo sự đột phá của đất nước trong giai đoạn mới, vấn đề an ninh cũng phải có những chuyển biến mạnh mẽ.

* Nhà báo Nguyễn Công Khế: Từ những vấn đề an ninh mới như Thượng tướng vừa nói, chúng ta sẽ phải tổ chức lực lượng an ninh nhân dân ra sao?

- Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng: Về lực lượng, tất nhiên chúng ta sẽ có lực lượng an ninh chuyên nghiệp và lực lượng của toàn dân. Lực lượng an ninh chuyên nghiệp phải mạnh về tư tưởng chính trị vì đất nước, vì dân tộc; phải thật sự trong sạch, vững mạnh, phải được tổ chức chính quy, tinh nhuệ, và hiện đại. Tóm lại là phải thật sự xứng đáng là nòng cốt của thế trận an ninh nhân dân.

Bên cạnh lực lượng an ninh làm nòng cốt sẽ là các Bộ, Ban, Ngành có liên quan mật thiết như quốc phòng, giáo dục, ngoại giao, kinh tế, tài chính, ngân hàng, các phương tiện truyền thông... Tất cả phải được đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Đảng, Nhà nước để tạo nên một thể chế an ninh quốc gia toàn diện và bền vững.

Xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc là tính ưu việt của truyền thống và sức mạnh của an ninh Việt Nam. Cần phải có biện pháp để nâng cao tinh thần đoàn kết, cảnh giác của toàn dân trước những vấn đề an ninh mới của quốc gia, của dân tộc để từ đó có thể phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết của hơn 80 triệu công dân Việt và hơn 3 triệu kiều bào trên cả thế giới.

Tuy nhiên, trong thế giới toàn cầu hóa, lực lượng như vừa nêu là chưa đủ. Chúng ta còn phải tính toán đến việc huy động các nguồn lực của thế giới để phục vụ cho mục tiêu an ninh quốc gia. Đó là việc chủ động tạo nên các quan hệ hợp tác an ninh sâu rộng với khu vực và thế giới đặc biệt để giải quyết các vấn đề khủng bố, chia rẽ sắc tộc, an ninh kinh tế.

* Nhà báo Nguyễn Công Khế: Thưa Thượng tướng, làm thế nào để có thể tập hợp một lực lượng của an ninh nhân dân và an ninh thế giới nêu trên; và lực lượng này sẽ được trang bị sức mạnh gì?--PageBreak--

- Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng: Tôi cho rằng, trước hết, chúng ta cần nêu cao tinh thần quốc gia, tinh thần đại đoàn kết dân tộc trước những thách thức lớn và cũng là cơ hội lớn cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Đó vừa là động lực, vừa là phương pháp để xây dựng các lực lượng an ninh trong nước. Thứ hai là phải định hình một nền văn hóa mới phù hợp, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thiên về phát triển. Đó là sức quyến rũ để có được sự ủng hộ của những lực lượng an ninh trên toàn thế giới. 

Không những thế, chúng ta phải nâng cao sức mạnh của từng người dân. Bởi sức mạnh của nền an ninh nhân dân dựa trên nền tảng tập hợp sức mạnh của từng công dân Việt Nam, từng Kiều bào Việt ở trên khắp thế giới. An ninh quốc gia có can hệ đến sự bình an, hạnh phúc và phát triển của từng cá nhân. Do vậy, chúng ta phải cùng nâng cao sự cảnh giác về các vấn đề an ninh mới cho từng người dân; phải nhanh chóng nâng cao đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần.

Đó chính là việc chúng ta xây dựng sức mạnh của an ninh mềm, sức mạnh của tinh thần quốc gia và nền văn hóa ưu việt của dân tộc, được cụ thể thành sức mạnh của kinh tế, chính trị, văn hóa, thông tin, giáo dục, tài chính của cả đất nước, của từng tổ chức, và tới từng người dân.

* Nhà báo Nguyễn Công Khế: Những vấn đề mà Thượng tướng nêu thực sự rất quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhưng dường như nó còn quá mới mẻ đối với mọi người, vậy chúng ta phải làm thế nào để có thể quán triệt tư duy mới, sức mạnh mới của thế trận an ninh nhân dân tới tất cả các đối tượng có liên quan?

- Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng: Theo tôi có hai nhóm công việc chính. Một là, quán triệt và cụ thể hóa tư duy mới về an ninh nhân dân thành các chính sách, hoạch định của Đảng và Nhà nước trong tổ chức và hoạt động của lực lượng an ninh nhân dân. Phối kết hợp có hiệu quả với các ban ngành khác như quốc phòng, ngoại giao, giáo dục, thông tin để tạo nên một Nhà nước hoạt động có hiệu quả. Hai là, qua các phương tiện thông tin đại chúng và hoạt động giáo dục, tác động đến từng người dân và tới toàn thể thế giới tinh thần quốc gia và bản sắc văn hóa Việt Nam. Điều đó sẽ tạo nên một thế trận "lòng dân", "lòng người".

Để tạo được thế trận đó thì vai trò của báo chí là vô cùng quan trọng. Báo chí nói chung và báo chí an ninh nói riêng cần có sự thay đổi nhanh chóng theo chiều hướng tích cực hơn, để có thể hướng cả dân tộc, cả quốc gia tới cuộc cạnh tranh toàn cầu đang ngày đêm diễn ra, đến vấn đề phát triển toàn diện đất nước từ kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa,... Các hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam hòa bình, ổn định và giàu tiềm năng; tôn vinh các giá trị ưu việt của văn hóa dân tộc; đó cũng là đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an ninh và phát triển. Tóm lại, phải làm rõ thông điệp: "An ninh là để phát triển, phát triển là thực hiện an ninh"

.
.
.