Ẩn họa do “móc ruột” lòng sông

Thứ Tư, 24/09/2008, 15:57
Theo đánh giá của Tổng cục Cảnh sát thì trong thời gian qua tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên các tuyến sông vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng này không chỉ làm biến đổi dòng chảy, luồng chạy tàu, gây sạt lở đất đai canh tác, thất thoát tài nguyên quốc gia mà còn làm cho tình hình phức tạp, lộn xộn trên các tuyến sông.

Trên địa bàn Hải Dương hiện có 296 cảng, bến thủy nội địa, trong đó 134 cảng, bến có giấy phép, 158 bến không có giấy phép. Ngoài những cảng bến có phép chấp hành tốt, số bến còn lại chủ yếu được sử dụng vào việc chứa vật liệu xây dựng và khai thác trái phép...

Nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng và trốn thuế, các chủ bến bãi chỉ làm hợp đồng thuê đất của xã, phường, thị trấn ven sông để làm điểm tập kết và tiêu thụ cát sỏi khai thác trái phép. Trong khi đó, chính quyền các xã, phường, thị trấn ven sông chỉ thu tiền thuê đất, không kiểm soát hoạt động thực tế của số bến bãi này.

Theo lực lượng lượng Công an thì việc quản lý Nhà nước về vấn đề này còn có những hạn chế do chưa khảo sát đánh giá được trữ lượng cát, sỏi lòng sông trên các tuyến sông. Vì vậy, việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi lòng sông với trữ lượng bao nhiêu, được khai thác ở tuyến sông nào chưa có căn cứ khoa học.

Bên cạnh đó việc quản lý hoạt động các doanh nghiệp sau khi được cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông chưa được thực hiện triệt để nên xảy ra tình trạng doanh nghiệp sau khi được cấp phép đã nhượng lại quyền khai thác cho các đơn vị, cá nhân không được phép khai thác để thu lợi. Từ đó dẫn đến các doanh nghiệp, cá nhân sau khi được nhượng lại quyền khai thác phải tìm cách khai thác tối đa bất chấp việc vi phạm các quy định.

Trên địa bàn các tuyến sông Hà Nội, nạn khai thác cát sỏi trái phép cũng thường xuyên diễn ra. Gần đầy nhất lực lượng Công an Hà Nội đã bắt quả tang một tàu khai thác cát trái phép trên sông Đáy đoạn qua xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức). Chủ chiếc tàu trên khai nhận đã hoạt động khai thác từ năm 2006 đến nay và bán lại cho các đại lý trong khu vực.

Nạn khai thác cát tại khu vực này đã làm cho hàng ngàn mét vuông đất bãi bị sạt lở nghiêm trọng. Tại Bắc Ninh 6 tháng đầu năm 2008 lực lượng CSGT đường thủy đã phối hợp kiểm tra các tụ điểm hút cát tại xã Hòa Long (TP Bắc Ninh), xã Tam Giang (huyện Yên Phong) và đã lập biên bản vi phạm đối với 8 trường hợp tàu thuyền hút cát trái phép, bàn giao cơ quan chức năng xử lý.

Tuy nhiên theo cơ quan chức năng thì nạn khai thác cát trái phép hiện bức xúc nhất vẫn là trên tuyến sông Cầu dọc theo địa bàn các xã thuộc huyện Quế Võ tình trạng khai thác cát diễn ra khá bức xúc. Có những xã vào lúc cao điểm có tới 7-8 tàu cùng hoạt động khai thác cát trái phép.

Mặc dù địa phương nơi đây đã thành lập tổ liên ngành tiến hành truy quét, đẩy đuổi nhưng do lực lượng mỏng, địa bàn giáp ranh nên nạn khai thác cát lậu vẫn diễn ra rất bức xúc. Thậm chí tại địa phương này hồi đầu năm 2008, khi tiến hành truy quét những cán bộ làm nhiệm vụ còn bị các đối tượng khai thác cát trái phép dùng hung khí tấn công lại.

Theo lực lượng Công an các địa phương và Cục CSGT đường thủy thì tình hình khai thác cát sỏi diễn ra phổ biến, thường xuyên trên các tuyến sông trọng điểm, có mật độ giao thông lớn và đều có ảnh hưởng đến luồng, tuyến giao thông.

Mặc dù đã có khá nhiều văn bản Luật, Nghị định liên quan đến việc quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông. Chính quyền nhiều địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy để chấn chỉnh hoặc quy định cụ thể việc khai thác cát, sỏi.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chính của tình trạng này là do việc quản lý còn nhiều sở hở, thiếu thống nhất giữa địa phương và các văn bản pháp lý ở Trung ương, đặc biệt là cấp phường, xã

Nhóm phóng viên điều tra
.
.
.