Ẩn họa cháy nổ từ những vựa ve chai trong khu dân cư

Thứ Tư, 26/02/2014, 15:16
Hiện nay, đang là đợt cao điểm của mùa khô, nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thế nhưng, tại nhiều khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều vựa thu mua ve chai, ẩn chứa mối lo “bà hỏa” rình rập các hộ dân đang sinh sống.

Dọc theo quốc lộ 13 đoạn chạy qua phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, la liệt những đống phế liệu chất cao, phủ kín nhà. Chỉ chưa đầy một giờ mà có đến hàng chục xe ba gác, người mua ve chai chở đầy giấy, nhựa… về tập kết. Đặc biệt, thời điểm tan tầm từ 16-19h mỗi ngày, số “hàng hóa” tập kết với số lượng khủng, khiến chủ vựa phải để tạm ra cả ngoài lề đường. Dưới tiết trời oi bức khiến những người có mặt ướt đẫm mồ hôi, tuy nhiên vẫn có 4 thanh niên đang xếp hàng chuyển từ xe ba gác vào nhà vô tư phì phèo điếu thuốc. Mà họ hoàn toàn không nghĩ rằng, chỉ cần một đốm nhỏ của tàn thuốc bắt lửa vào đống phế liệu dưới chân thì hậu quả khôn lường.

Không chỉ dọc theo đường quốc lộ 13, chúng tôi rảo quanh địa bàn phường An Bình, phường Tân Đông Hiệp (thị xã Dĩ An), phường Phú Lợi (TP Thủ Dầu Một)… cũng phát hiện có đến hàng chục vựa ve chai mọc lên giữa khu dân cư đông đúc. Chứa trong nhà chưa đủ, các chủ vựa còn cho chất hàng ra cả mé đường hay áp sáp những bức tường của nhà bên cạnh. Hàng hóa toàn là thứ dễ cháy. Tuy nhiên, trong điểm thu mua ve chai này không hề có một dụng cụ chữa cháy nào để đề phòng khi hỏa hoạn xảy ra.

Hiện trường vụ cháy 3 vựa phế liệu (phường An Phú, thị xã Thuận An).

Mới đây, lúc13h ngày 18/1, một vụ cháy lớn liên quan đến 3 cơ sở thu mua phế liệu gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, rất may người dân cư ngụ trên địa bàn khu phố 1B, phường An Phú (thị xã Thuận An) đã kịp thời thoát ra ngoài. Chị Phạm Thị H. (ngụ phường An Phú) vẫn chưa hết kinh hoàng về vụ hỏa hoạn, kể lại: “Ban đầu đám cháy xuất hiện ở một cơ sở, sau khi thiêu rụi hoàn toàn cơ cở này thì lan sang 2 cơ sở kế bên. Hàng chục hộ dân ở lân cận các cơ sở thu mua phế liệu này đã phải di chuyển đồ đạc ra ngoài”.

Cũng theo chị H và một số người dân khác cư ngụ tại phường An Phú, các cơ sở phế liệu thường xuyên vứt hàng bừa bãi ra lề đường. Nhiều lần, được mọi người nhắc nhở nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn. Nhờ sự chữa cháy kịp thời của hơn 30 cán bộ, chiến sĩ thuộc Sở Cảnh sát PCCC Bình Dương và Công an thị xã Thuận An mà “bà hỏa” mới được dập tắt. 

Theo Thượng tá Võ Văn Hồng, Phó trưởng Công an thị xã Thuận An: Nghề thu mua phế liệu đã có từ lâu, góp phần không nhỏ trong việc tái chế nguồn tài nguyên. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện ngày càng ăn nên làm ra nên rất nhiều người chọn theo dù tiêu chí có phần khắt khe như: cơ sở thu mua phải có giấy phép kinh doanh, đảm bảo vệ sinh môi trường, thiết bị phòng chống cháy nổ... Thế nhưng trên thực tế, hầu hết cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn đều chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên. Không chỉ gây tiếng ồn, môi trường xung quanh cũng bị ảnh hưởng khi mùi ẩm mốc từ các vật dụng hư cũ tạo điều kiện cho nhiều loại côn trùng gây bệnh như ruồi, muỗi, gián, chuột sinh sôi... Phế liệu chất đầy nhà và tràn ra cả lề đường khiến nhiều người cảm thấy ngột ngạt vì phải sống chung với “rác”.

“Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cháy xảy ra tại các cơ sở phế liệu chủ yếu là do ý thức PCCC của các hộ kinh doanh chưa cao. Việc PCCC tại chỗ là hết sức quan trọng, lực lượng chức năng địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn nữa để hạn chế những nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Điều đáng nói, khi xảy ra hỏa hoạn ngoài việc gây thiệt hại cho chính mình, những vựa ve chai này còn uy hiếp hàng trăm hộ dân nằm lân cận. Một đặc điểm chung rút ra từ các vụ cháy tại cơ sở phế liệu là khi xảy ra cháy nổ thì rất khó dập tắt. Dù lực lượng PCCC đã triển khai chữa cháy khá sớm nhưng vẫn không thể cứu vãn được tình hình vì những loại nguyên liệu chứa bên trong toàn là chất dễ cháy như nhựa, giấy, cao su…”, Thượng tá Hồng cho biết thêm

Đức Mừng
.
.
.