"Ăn đường ăn chợ" dễ vào bệnh viện

Thứ Bảy, 02/02/2013, 09:45
Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) với thức ăn đường phố có hiệu lực từ 20/1. Nhưng hiện trên các tuyến phố Hà Nội, nhiều quán ăn vỉa hè hoạt động rất mất vệ sinh, nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn thường trực, đặc biệt thời điểm cận Tết.

Quán ăn “bẩn” vẫn tung hoành khắp phố

Tháng cuối cùng trong năm, ai cũng tranh thủ thời gian gấp rút hoàn thành mọi công việc để đón một cái tết ấm cúng, thoải mái. Do không có thời gian nấu nướng, nhiều người chọn giải pháp “ăn nhanh” tại quán vỉa hè cho qua bữa. Để phục vụ nhu cầu “thượng khách”, càng giáp Tết, các quán ăn vỉa hè lại chen nhau mọc lên. Nổi tiếng về thức ăn đường phố Hà Nội, phải kể đến các tuyến đường như: Chùa Láng, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Tuân, Phùng Khoang…

Hình ảnh quen thuộc mà chúng tôi chứng kiến ở những tuyến đường này, cứ từ 6h tối tới tận khuya, các quán ăn ven đường lại bắt đầu đỏ lửa, mọi chỗ trống trên vỉa hè đều được tận dụng kê bàn, ghế và chỗ để xe cho khách. Đáp ứng khẩu vị của khách, những quán ăn này làm đủ các món từ miến ngan, lẩu, phở bò, nội tạng nướng… Khách hàng vào ăn đủ lứa tuổi, nghề nghiệp từ học sinh cho tới công nhân.

Tuy nhiên, qua quan sát cách chủ quán chế biến món ăn, nguồn gốc các loại thực phẩm, cũng như địa điểm ăn uống bẩn thỉu, bụi bặm, có thể khẳng định, hầu hết các quán ăn vỉa hè này đều không đảm bảo ATVSTP. Điển hình phải kể đến các quán trên đường Nguyễn Quý Đức. Tuyến phố này chỉ dài 200m, nhưng có tới cả chục quán ăn lớn nhỏ sát nhau.

Quán ăn bày ngay trên vỉa hè phố Nguyễn Quý Đức.

Tối ngày 30/1, có mặt tại một quán bún, phở, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng bà chủ quán ngoài 50 tuổi, vô tư dùng tay không thái và bốc thịt bỏ vào từng bát. Cứ thái xong, người này lại chùi tay vào một chiếc giẻ ướt nhẹp, lấm lem, dùng để lau thớt và bàn. Thấy chúng tôi thắc mắc về cách chế biến mất vệ sinh, bà chủ trả lời cụt lủn: “Ôi giời! người ta vẫn ăn ở đây, có thấy ai bị làm sao đâu”. Vừa dứt lời, người này quay ra cầm viên than tiếp thêm vào lò.

Tại phố Chùa Láng, nơi có nhiều trường đại học “đóng đô”, chúng tôi cũng thường xuyên bắt gặp cảnh tượng này. Quán M.H., có gần hai chục bàn ăn xếp kín vỉa hè, cạnh đó là một chiếc xe rác chưa được đổ, cùng nắp cống đang bốc mùi hôi thối nồng nặc. Mỗi khi những chiếc ôtô, xe máy chạy qua, cuốn theo sau là những đám bụi và lá cây bay mù mịt. Trong khi đó, một nhóm sinh viên hơn chục cô, cậu vẫn vô tư ngồi ăn nhậu. Việc chế biến thức ăn đã mất vệ sinh, vậy nguồn gốc các loại thực phẩm tại các quán ăn thì sao? Sẽ chẳng ai dám chắc, chúng có nguồn gốc rõ ràng và không được tẩm, ướp hóa chất.

Liên quan tới thực phẩm ôi thiu, không rõ nguồn gốc, mới đây Cục CSĐT tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cùng tổ công tác Công an Hà Nội và Đội 11, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra phát hiện, thu giữ hơn 1 tấn nầm lợn, cùng 3 tấn gà thải Trung Quốc. Toàn bộ số nầm lợn này được tẩm hóa chất bảo quản, dán tem chữ Trung Quốc, còn số lồng gà đều là gà thải loại, nhiều con đã chết bốc mùi thối.

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng tăng cao, đặc biệt là những người thường xuyên ăn uống tại những quán ăn vỉa hè. Thời điểm này, tại Khoa Khám nội, Bệnh viện Xanh Pôn, tiếp nhận điều trị nhiều ca ngộ độc thực phẩm ở đủ mức độ từ nhẹ đến nặng. Phó khoa, Ths.Bs Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết, ngày thường điều trị từ 1 tới 2 ca, nhưng thời gian cuối năm này, trung bình một ngày khoa tiếp nhận từ 4 đến 5 ca ngộ độc thực phẩm. Sau khi ăn thức ăn, người bị ngộ độc thực phẩm có biểu hiện đau bụng dữ dội, đi ngoài nhiều lần trong một thời gian ngắn, cơ thể mất nước nhanh chóng, nôn, đầu óc choáng váng…

Trẻ em, người già là những đối tượng có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm cao, cơ thể yếu nên sức đề kháng với các loại virut gây bệnh là rất kém. Nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm thường là, người bệnh ăn phải thực phẩm bị ôi thiu, chế biến chưa kỹ, hoặc lạm dụng sử dụng hóa chất và các chất bảo quản thực phẩm độc hại…

Một ca ngộ độc thực phẩm đang được điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn.

Bác sĩ Hằng khẳng định: “Đại đa số các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm được điều trị tại đây đều do ăn uống tại các quán ăn vỉa hè. Họ hầu hết là học sinh, sinh viên, và người đi làm”. Do không có thời gian hoặc lười đi chợ nấu nướng, khuất mắt trông coi, nên những người này thường tìm đến các quán vỉa hè để ăn qua loa cho hết bữa, bác sĩ Hằng giải thích. Thời gian điều trị bệnh nhân ngộ độc thường không lâu, nhưng bệnh nhân phải mất thêm 3, 4 ngày để hồi phục, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và công việc.

Mới đây, Khoa Khám nội cấp cứu cho một bệnh nhân nam, 35 tuổi, làm nghề xây dựng, trong tình trạng ngộ độc rất nặng, trụy mạch, huyết áp giảm, da khô, cơ thể mất nước. Được đưa tới kịp thời, sau một ngày điều trị, bệnh nhân đã bình phục trở lại. Trường hợp khác là một nữ bệnh nhân tên Hương, 20 tuổi, sinh viên một trường đại học trên địa bàn.

Do bận ôn thi, lại đi làm thêm ngoài, Hương  không có thời gian đi chợ nấu ăn, nên thường ra ngoài ăn cơm bụi. Mọi lần không sao, nhưng lần này vừa ăn ở quán về chỗ làm, Hương có biểu hiện đau bụng, đầu óc choáng váng. Khi tới bệnh viện, cơ thể Hương bị mất nước, đi ngoài nhiều lần, nôn liên tục, được các bác sĩ điều trị, cô được xuất viện, nhưng đành phải bỏ buổi thi cuối kỳ ở trường.

Bác sĩ Hằng khuyên, để phòng tránh nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm và đón một cái Tết vui vẻ, chúng ta thực hiện nếp sống ăn chín, uống sôi, không ăn những thực phẩm ôi thiu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt mọi người không nên ăn tại các quán nơi công cộng, ngoài tình trạng ô nhiễm mất vệ sinh, thì nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng, luôn là nguy cơ chính gây ngộ độc thực phẩm

Nguyễn Sáng
.
.
.