An Giang: Nhọc nhằn đời xe lôi đạp

Thứ Ba, 09/07/2013, 17:30
Xe lôi đạp được người dân Nam bộ cách tân từ chiếc xe đạp thông thường nhưng có khung sườn nằm ngang và chắc chắn hơn. Từ thập kỷ 80 trở về trước, xe lôi đạp dùng làm phương tiện chở khách và hàng hóa rất phổ biến. Gần đây, phần lớn loại phương tiện này được thay thế bằng xe gắn máy vận chuyển nhanh hơn. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều người gắn bó với chiếc xe lôi đạp vì cuộc mưu sinh nghèo khó.

Vất vả mưu sinh

Vào những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến thị xã Châu Đốc (An Giang), nơi vừa diễn ra lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam cấp quốc gia. Cứ chiều cuối tuần là khu di tích lịch sử này trở nên náo nhiệt hơn bởi hàng chục ngàn du khách khắp nơi đổ về tham quan, cúng bái. Lẫn trong đoàn người lũ lượt ấy là những mảng đời bác tài xe lôi đạp vất vả mưu sinh. Họ cố gắng vắt hết sức lực trong những ngày cao điểm của lễ hội để mong có khoản thu nhập kha khá cho gia đình.

Trong lúc ngồi chờ khách, ông Phạm Văn Trọng (59 tuổi, ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) cho biết, mặc dù gia đình sống ở quê nhưng do không có được miếng đất cắm dùi, nên gần 20 năm nay ông  kiếm sống bằng nghề chạy xe lôi đạp.

Mỗi ngày, bắt đầu từ 4h sáng, ông Trọng dắt chiếc xe lôi cũ kĩ ra đạp sang thị xã Châu Đốc tìm khách chở thuê. “Ngày nào “trúng” lắm thì kiếm được 70.000 đồng. Số tiền này chỉ đủ đong gạo và lo cho hai thằng con trai ăn học. Đứa lớn đang học lớp 11, còn đứa nhỏ chuẩn bị hết lớp 7. Do không có tiền lo cho con đi học đại học nên năm rồi tôi đã gả con gái đầu lòng để chúng nó đi làm thuê kiếm sống” - ông Trọng kể.

Ông Trọng kiếm được 5 bao tải chai nhựa, bọc nilon do người dân ở chợ Châu Đốc cho.

Do sức khỏe giảm sút, ông Trọng chỉ có thể chạy xe lôi đạp chở khách được nửa ngày rồi nghỉ. Để đủ sống, thời gian còn lại ông đi gom chai, lọ, bọc nhựa mà người ta vứt bỏ đem về bán cho các vựa ve chai. Ông Trọng khoe: “Hôm nay có nhiều gia đình ở chợ Châu Đốc thấy tôi thất thểu kiếm chai, lọ cả buổi mà chưa được bao nhiêu nên họ gom hết đồ nhựa không còn sử dụng ra cho. Tôi gom lại được 5 bao tải lớn, chắc bán cũng được mấy trăm ngàn…”

Chị Phan Thị Mỹ Tiên (29 tuổi, ngụ khóm Vĩnh Đông, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc) cho biết, trước đây chị từng chứng kiến cảnh một bác xe lôi đạp thân hình gầy còm nhưng cố chở lên dốc đến 3 người khách để rồi tự ngất ngang ra đường. Rất may, lúc ấy trên đường vắng xe cộ qua lại, nếu không thì tính mạng bác tài xe lôi và 3 người khách không biết ra sao?

Sống về đêm

Khác với cảnh chật vật mưu sinh vào ban ngày của cánh xe lôi đạp ở chợ Châu Đốc đầy mệt nhọc. Những người chạy xe lôi đạp ở khu vực miếu Bà Chúa Xứ núi Sam phải thức thâu đêm phục vụ cho khách du lịch muốn tìm cảm giác thư thái sau chuyến hành trình dài đến đây.

Theo anh Dương Văn Hùng (ngụ phường Châu Phú B, thị xã Châu Đốc), một người có thâm niên hơn 10 năm trong nghề xe lôi đạp, thông thường khách phương xa đến miếu Bà đã xẩm tối. Họ rất thích đi xe lôi đạp trong một khoảng thời gian nhất định rồi sau đó quay lại khách sạn nghỉ qua đêm. Đặc biệt, khách nước ngoài rất ưa chuộng loại hình vận chuyển như thế này vì họ nghĩ nó đảm bảo an toàn và cũng để có nhiều thời gian ngắm cảnh núi Sam.

Khách đi xe lôi đạp sẽ được tính cước theo hai cách. Một là mỗi khách sẽ trả 3.000đ/km; hai là tính theo giờ đạp xe, mỗi giờ khách trả khoảng 40.000đ/người mà không phân biệt người đó to hay nhỏ. Anh Hùng nói vui: “Chuyến nào trên xe có chở khách đàn ông, thanh niên thì khỏe, vì lúc chạy lên dốc cầu có người nhảy xuống đẩy tiếp. Ngược lại, nếu trên xe chở toàn phụ nữ hoặc những người nặng cân thì coi như “đuối” vì mình phải chạy lấy trớn từ xa mới có thể vượt lên nổi”.

Một tài xế xe lôi đạp chở khách đi tham quan miếu Bà Chúa Xứ núi Sam.

Theo anh Hùng, dân chạy xe lôi đạp ở đây chi trông chờ có mỗi tháng vía Bà (tháng 4 âm lịch). Có khi khách đông quá, anh em chạy suốt cả đêm đến quên cả ăn. Sáng sớm, mọi người kiểm tra lại thành quả lao động rồi quay về nhà lăn ra ngủ để lấy lại sức.

“Những ngày không có khách, anh em còn chạy xe ra tận bờ kênh để vận chuyển lúa cho nông dân được khoảng 2.000đ/bao. Khi mùa thu hoạch lúa không còn thì lại tự chuyển đổi nghề bằng cách đi làm công nhật như phụ hồ hoặc vác mướn… Nói chung ai kêu gì làm nấy, miễn sao có tiền trang trải cuộc sống gia đình” - anh Hùng chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Văn Nam (62 tuổi, khóm Châu Thới 1, phường Châu Phú B, thị xã Châu Đốc) sau 40 năm chạy xe lôi đạp đến giờ gia đình ông vẫn chưa thoát nghèo. Thời gian gần đây ông Nam còn bị tai biến nhẹ nhưng chưa thể bỏ nghề vì gánh nặng gia đình. Nguồn thu nhập của ông Nam chỉ dựa vào chiếc xe lôi đạp nhưng cùng một lúc ông phải nuôi lo 5 người trong gia đình. Trong đó, đứa con trai bị tâm thần suốt 14 năm qua, khoảng 4 tháng ông lại vay mượn tiền để đưa con đi trị bệnh ở Biên Hòa (Đồng Nai) và người vợ 60 tuổi đang nằm viện vì đau khớp chân… 

Ông Nguyễn Văn Nam mưu sinh cùng chiếc xe lôi đạp cũ kĩ.

Ông Trần Văn Thời, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn xe lôi đạp phường Châu Phú B, thị xã Châu Đốc cho biết, hiện toàn thị xã có khoảng 1.500 chiếc xe lôi đạp. Phần lớn những người còn duy trì với nghề này đều có cuộc sống rất khó khăn. Họ làm ra bao nhiêu cũng chỉ chi tiêu đủ cho một ngày và đáng thương nhất là trường hợp ông Nguyễn Văn Nam

Văn Đức – T.B.
.
.
.