An Giang: HIV/AIDS tăng cao

Chủ Nhật, 10/12/2006, 13:37
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc HIV/AIDS ở An Giang tăng cao là do không nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các hoạt động truyền thông còn mang tính hình thức, phong trào, đôi lúc lại gây phản cảm, không chuyển tải hết được tinh thần "vừa phòng lây nhiễm, vừa chống kỳ thị với người có HIV"...

Những năm gần đây, nói đến An Giang, người dân trên mọi miền đất nước đều biết đến một tỉnh biên giới cực Nam có sản lượng lương thực và chế biến cá tra, cá basa xuất khẩu đứng đầu cả nước. Nhưng người dân nơi đây cũng lo lắng, trăn trở trước thực trạng căn bệnh HIV/AIDS đang diễn biến phức tạp, tác động to lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội của tỉnh này.

Cách đây 13 năm, kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện ở TP Long Xuyên từ một cô gái bán dâm, đến nay An Giang đã là 1 trong 5 tỉnh, thành của cả nước dẫn đầu về số người có HIV/AIDS.

Đến thời điểm đầu tháng 12/2006, toàn tỉnh đã có 152/154 xã, phường với 7.643 ca nhiễm HIV, trong đó số trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS là là 3.409 trường hợp và 2.825 người tử vong.

Các địa phương, như Tân Châu, Long Xuyên, Châu Phú, Châu Thành và An Phú là những nơi có số người nhiễm HIV/AIDS cao nhất tỉnh. Theo kết quả nghiên cứu dịch tễ học của ngành Y tế, nếu như trước kia HIV/AIDS ở An Giang chỉ lưu trú ở nhóm có hành vi nguy cơ cao, khó kiểm soát, như đối tượng nghiện ma túy, mại dâm thì nay đã lan rộng sang nhiều đối tượng khác ở cộng đồng, trong đó có cả đối tượng bị nhiễm là học sinh, sinh viên, công nhân viên chức… nhưng đông nhất là nông dân, trong đó nông dân nữ chiếm trên dưới 30%.

Theo bác sĩ Trần Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và Lao tỉnh An Giang, ngoài những nguyên nhân khách quan do bản chất sinh học của AIDS là dịch bệnh mà virus gây ra có các đặc điểm bệnh sinh học đặc biệt, đa dạng về đường lây nhiễm; thời gian ủ bệnh kéo dài, khả năng miễn dịch và khả năng biến dị lớn; chưa có vaccine phòng trị cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu… thì nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc HIV/AIDS ở An Giang tăng cao là do công tác truyền thông chưa thật sự làm chuyển biến được sự quan tâm của các cấp ủy và chính quyền về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các hoạt động truyền thông còn mang tính hình thức, phong trào, chưa thật sự đi vào lòng người, nội dung các thông tin còn nghèo nàn.

Mặt khác, hình thức, biểu tượng thông tin còn mang tính hù dọa, đôi lúc lại gây phản cảm, không chuyển tải hết được tinh thần "vừa phòng lây nhiễm, vừa chống kỳ thị với người có HIV". Chưa triển khai đồng bộ chương trình thông tin về các biện pháp can thiệp giảm tác hại trên diện rộng.

Bên cạnh đó, việc chậm chạp, thiếu hiệu quả trong thực hiện công tác giáo dục giới tính, trong phòng, chống HIV/AIDS và hơn hết là việc tuyên truyền những tác hại của nạn tiêm chích ma túy, các loại tệ nạn xã hội... cũng chính là tác nhân để HIV/ADIS phát triển.

Qua nghiên cứu, tỷ lệ dùng chung bơm kim tiêm ước lượng từ 20 đến 30% và trong số này có quan hệ tình dục với gái mại dâm là 70 đến 90%, trong khi đó chỉ khoảng 30% chịu sử dụng bao cao su; 29% người sử dụng ma túy có phản ứng dương tính với thử nghiệm phát hiện bệnh giang mai và 30% từng mắc các bệnh lây qua đường tình dục.

Xác định việc đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là góp phần tạo ra sự phát triển bền vững, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và nhằm đảm bảo tốt sức khỏe, tính mạng của cộng đồng dưới tác động của AIDS, An Giang đã chủ động xây dựng đề án phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm và các loại tệ nạn xã hội khác từ nay đến năm 2010.

Theo đó, các ngành, các cấp cần quan tâm đặc biệt, thường xuyên chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, đưa công tác này trở thành mục tiêu ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương mình. Lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các chương trình xóa đói, giảm nghèo, các phong trào quần chúng ở địa phương nhằm phát huy tính chủ động của cộng đồng, từng gia đình tham gia tích cực công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Phải đảm bảo thực hiện tốt việc giám sát có trọng điểm, giám sát hành vi và xét nghiệm phát hiện bệnh; an toàn trong truyền máu và các chế phẩm máu, các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội có liên quan đến máu; điều trị và chăm sóc HIV/AIDS thông qua các chương trình, dự án đã và đang thực hiện qua sự tài trợ của quốc tế... với mục tiêu khống chế tỷ lệ có HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới mức 0,45% vào năm 2010, giảm tác hại của đại dịch HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế, xã hội tỉnh. 80% người dân ở địa bàn nông thôn, 100% ở thành thị hiểu biết đúng và tự biết cách dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. 90% người lớn có HIV/AIDS, 100% bà mẹ mang thai có HIV/AIDS hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được quản lý, điều trị, chăm sóc tư vấn thích hợp

Đăng Khánh
.
.
.