An Giang - Kiên Giang: Cảnh giác với lũ núi và sạt lở đá

Thứ Tư, 03/10/2012, 14:47
Theo UBND huyện Kiên Lương (Kiên Giang), huyện đang chỉ đạo UBMTTQ huyện cùng các ban, ngành vận động các hộ dân sinh sống dưới chân núi Ba Hòn (thị trấn Kiên Lương) di dời sang khu tái định cư để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng, do ngọn núi này đã sạt lở 2 lần trong thời gian gần đây.
>> Núi Cấm còn trên 200 điểm có nguy cơ sạt lở

Đêm 23/9, một số tảng đá to trên núi Ba Hòn sạt lở rơi trúng nhà của 2 hộ dân là ông Nguyễn Văn Cư và bà Phạm Thị Út, ngay dưới chân núi. Rất may, cả hai lần lở núi đều không gây thiệt hại về người, do vào thời điểm đó người dân đi biển đánh cá. Trước đó, tối ngày 5/7, tại chân núi này đã xảy ra sạt lở 8 tảng đá làm hư hại 5 căn nhà của người dân. Hiện khu vực ấp Hoà Lập dưới chân núi Ba Hòn có 196 hộ với khoảng 1.000 người dân sinh sống, trong đó có 31 hộ sống ngay sát chân núi, chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản gần bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá, buôn bán nhỏ và lao động phổ thông.

Ngay sau khi núi lở lần đầu tiên vào tháng 5/2012, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo huyện di dời khẩn cấp toàn bộ các hộ dân trong khu vực nguy hiểm về xã Kiên Bình, cách đó khoảng 10km. Tuy nhiên, khi thông báo chủ trương di dời sang nơi ở mới để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng, thì chỉ có 6 hộ dân đồng tình, còn lại yêu cầu huyện phải công bố mức giá đền bù giải toả trước, rồi mới chịu đi. Thậm chí có hộ còn tuyên bố dứt khoát không đi, với lý do sang nơi ở mới không biết làm gì để sống.

Vụ sạt lở núi Cấm (An Giang) thảm khốc vào ngày 5/5/2012, đã cướp đi sinh mạng của 6 người dân.

Theo ông Lê Hùng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương, trước khi di dời các hộ dân, huyện cũng đã lên phương án hỗ trợ di dời, bồi thường vật kiến trúc, hoa màu thỏa đáng theo luật định. Còn công ăn việc làm, trước mắt cố gắng duy trì như hiện tại, dần dần sẽ đưa vào ổn định như nơi ở cũ. Chúng tôi vẫn đang cố hết sức để thuyết phục, vận động bà con về nơi ở mới để đảm bảo tính mạng và tài sản. Trong tình huống bất khả kháng, chính quyền buộc phải cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân…

Cũng như vùng núi tỉnh Kiên Giang, vùng Bảy Núi (hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên) tỉnh An Giang đang bước vào mùa mưa. Những ngày qua, lượng mưa lớn đã làm cho đất ở sườn núi nhão ra, tạo thành áp lực đổ dồn núi xuống khu vực chân núi, nơi sinh sống của người dân.

Theo ông Ngô Hữu Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Phi (huyện Tri Tôn), lũ núi thời điểm này chưa xảy ra, nhưng chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động bà con ở gần các ô, suối chuyển đến nơi an toàn... Diễn biến của thời tiết sẽ còn nhiều bất thường. Vì vậy, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền địa phương, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác, chủ động từ chính người dân vùng núi là điều cần thực hiện ngay

Nam Thơ
.
.
.