Ấm tình người trong rốn lũ Phong Nha, Kẻ Bàng

Thứ Năm, 28/10/2010, 09:40
Trong hàng trăm chuyện buồn vì lũ vẫn xen kẽ những câu chuyện vui, xúc động về tình người: Chuyện về hai chàng trai quên cả bản thân mình vật lộn với lũ dữ để cứu hàng trăm người dân thoát chết, và khi họ trở về thì nhà đã bị lũ cuốn trôi. Chuyện về 2 vợ chồng bán hàng tạp hoá đã dùng cả gia nghiệp để nuôi sống hơn 300 người dân suốt những ngày lũ lớn…
>> Những người tự nguyện tìm kiếm, trục vớt xe khách bị lũ cuốn

Người nông dân ở khu vực Phong Nha, Kẻ Bàng (xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) mất nhiều ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để có mùa gặt bội thu. Họ chắt chiu gồng lưng cả đời người để có căn nhà cấp bốn. Lũ chồng lên lũ đã cướp đi tất cả của người dân nghèo nơi đây. Sau lũ, người dân tất tả về làng với hai bàn tay trắng.

Chân chất như hạt lúa, củ khoai

Sau vài lần hỏi đường, rẽ ngã ba ngã bốn đường thôn còn nhão nhoẹt bùn đất của lũ còn sót lại, tôi mới gặp được Nguyễn Thanh Phương và Lê Văn Điệp ở xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình - những người đã chèo đò cứu sống hàng trăm bà con trong lũ. Bên chén nước chè xanh đặc quánh, Phương cười buồn: "Chuyện chẳng có chi, thấy bà con chới với giữa lũ chẳng lẽ lại không cứu".

Người làng Xuân Sơn nói nhỏ với tôi: "Thằng Phương, thằng Điệp dừ là nghèo nhất xã ni, hắn lo đi cứu bà con, còn nhà mấy đứa đã bị lũ cuốn đi”.

Tối 4/10, khi nước lũ réo rắt, gầm gào ập đổ về làng quê nghèo bên bờ sông Son, Nguyễn Thanh Phương vội đưa gia đình đi lánh nạn. Trên con đò chòng chành giữa rốn lũ, Phương nhận ra những cánh tay bé xíu của trẻ em, tiếng kêu thất thanh của người già xin ứng cứu. Lũ dữ vẫn vô tình nhấn chìm hàng loạt nhà dân thôn Cù Lạc, thôn Xuân Sơn, thôn Hà Lời… xã Sơn Trạch. Leo lên nóc nhà, đu bám vào ngọn cây để tránh lũ cuốn trôi, nhìn bà con mình chới với trong lũ, Phương lau vội nước mắt.

Đưa được vợ con đến nơi an toàn, Phương nhảy ào xuống nước đẩy con đò xoay ngang trực chỉ hướng về làng. Nhiều lần vật lộn với dòng nước hung dữ, con đò của anh cũng đến được nhà dân đầu tiên đó là nhà anh Nguyễn Văn Hợi ở thôn Cù Lạc. Đứng trên nóc nhà nhưng nước lũ cũng đã ngập ngang bắp chân vợ chồng Hợi, bồng 2 con nhỏ trên tay, vợ chồng Hợi đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Nhưng Phương đã đến, và mọi người được cứu sống. Miệt mài như gã thợ lặn chuyên nghiệp, suốt 2 ngày vật lộn với dòng nước dữ, Nguyễn Thanh Phương đã cứu sống được hơn 200 người dân ở xã Sơn Trạch.

Gia đình anh Phương phải đi ở nhờ vì nhà đã bị lũ cuốn trôi.

Không riêng gì Phương, ở Sơn Trạch còn có anh Lê Văn Điệp cũng đã quên mình để cứu bà con trong lũ. Khi nước lũ áp sát mái nhà, Điệp đưa vội vợ và con nhỏ 2 tuổi đến nơi an toàn còn anh đẩy đò vào dòng lũ đi cứu bà con ở thôn Cù Lạc. Hạnh phúc là cứu được càng nhiều người càng tốt, người nông dân chân chất như hạt lúa củ khoai Lê Văn Điệp chỉ nghĩ đến chừng đó. Quăng quật với dòng nước chiếc đò của Điệp mới chòng chành tiếp cận được nhà dân. Nhiều gia đình ngồi sát nóc nhà nên khi nước lên bịt hết lối thoát, Điệp phải dùng chèo tay nạy từng chiếc đinh, mới tháo được ngói đưa người dân thoát chết khỏi lũ.

Trong lũ dữ, Lê Văn Điệp đã cứu được 350 người dân đưa đến nơi an toàn. Khi Phương và Điệp đang quăng quật với con đò để cứu dân, các anh đâu hề biết, nước lũ đã cuốn trôi căn nhà của các anh dành dụm cả đời mới dựng được. Hiện cả Phương và Điệp đang phải dắt díu vợ con đi ở tạm nhà láng giềng. "Được ngày nào hay ngày đó, rồi cũng phải tính để làm lại từ đầu", Điệp và Phương quả quyết.

Nuôi sống hàng trăm người dân trong lũ

Người dân mà Phương và Điệp cứu được di chuyển đến nhà anh Nguyễn Văn Tân ở thôn Cù Lạc, xã Sơn Trạch để tránh lũ. Trở về quê hương từ một người lính nghiêm nghị nhưng hiền lành, Nguyễn Văn Tân và vợ Trần Thị Kiều mở bán hàng tạp hoá. Không giàu có nhưng nhờ tảo tần, cần kiệm, vợ chồng Tân trở thành người có nhà kiên cố nhất nhì thôn Cù Lạc. Trong nước lũ mênh mông, căn nhà 2 gác của vợ chồng Tân trở thành nhà tránh lũ lý tưởng.

Tân gọi vợ và 3 đứa con sắp xếp lại giường, tủ, bàn học… để lấy chỗ cho bà con tạm trú, tránh lũ. Hai vợ chồng Tân bàn bạc thống nhất: Gạo, mỳ tôm, dầu ăn, nước mắm mua về để bán, giờ đem ra phục vụ nuôi sống bà con tránh lũ. "Tiền cũng quan trọng thật, nhưng tui nghĩ trong lúc khốn khó nhất thì nên cần cái tình" - Tân nói vậy.

Tài sản duy nhất còn sót lại của Lê Văn Điệp là 2 thúng thóc giống gửi nhờ nhà hàng xóm.

Suốt 5 ngày trong lũ, nhà Tân lúc nào cũng có hàng trăm người dân đến tránh lũ. Không chỉ nuôi những bà con đến nhà mình, sáng sớm hàng ngày vợ Tân còn thổi một nồi cơm to để một số bà con vắt thành cục với muối vừng chèo đò đưa đến cho những người dân bám trụ ở lại rốn lũ trông nhà. Sau cả tuần thức trắng ngày đêm phục vụ bà con đến tránh lũ, đôi mắt chị Trần Thị Kiều bị sưng húp nhưng chị vẫn cười thật hiền khi nói về nghĩa cử của mình: "Mình no đủ mà ngồi nhìn bà con chết đói, chết khát thì cũng chẳng sống mà mần chi chú ạ... ". Lũ rút bà con rời nhà Tân trở về nhà, nhiều gia đình tài sản đã bị lũ cuốn trôi. Vợ chồng Tân lại bàn nhau đưa ra mấy tạ gạo, hàng chục thùng mỳ tôm để chia phát kịp thời cho bà con. 

Lũ đã rút, dưới nắng thu vàng bà con Sơn Trạch đang lau rửa, dọn dẹp lại nếp nhà để ổn định cuộc sống. Đi giữa đường thôn, tôi thấy lòng mình ấm lên khi nghĩ tới câu chuyện về tình người trong lũ mà mình sẽ viết

Dương Sông Lam
.
.
.