ATGT đường thủy ở Hải Phòng: Âu lo mùa mưa bão

Thứ Sáu, 24/04/2009, 11:26

Với mạng lưới sông ngòi dày đặc tỏa đi khắp đồng bằng châu thổ Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển Đông Bắc, hệ thống giao thông thủy nội địa của Hải Phòng mang lại hiệu quả kinh tế lớn trong vận tải hàng hóa và du lịch. Tuy nhiên, bước vào mùa mưa bão 2009, nỗi lo mất an toàn trên sông, cửa biển ở Hải Phòng đang là vấn đề rất đáng lo ngại.

Chồng lấn luồng hàng hải và thủy nội địa

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải kiêm Phó Trưởng ban An toàn giao thông TP Đàm Xuân Lũy cho biết: Luồng tàu biển vào cảng Hải Phòng có ba khu vực đáng lo ngại trong mùa mưa bãọ Đầu tiên là tuyến phà Đình Vũ - Cát Hải cắt ngang luồng tàu biển, thứ hai là điểm ngã ba sông Cấm - Bạch Đằng, cửa kênh Đình Vũ và thứ ba là khu vực ngã ba Máy Chai, nơi sông Cấm chảy vào sông Ruột Lợn.

Đây là các "điểm đen" về tai nạn giao thông trong nhiều năm qua bởi tác động của chế độ lũ và thủy triều, thường xuyên có nhiều phương tiện thủy nội địa hoạt động ngang dọc suốt ngày đêm, mặc dù lực lượng chức năng CSGT đường thủy và Thanh tra giao thông thường xuyên cảnh báo tai nạn tại đây, nhưng vào mùa mưa bão, các khu vực này càng trở nên nguy hiểm, ảnh hưởng đến việc ra vào của tàu biển và hoạt động phương tiện thủy nội điạ.

Gần đây, Thanh tra GTVT phối hợp với CSGT đường thủy, Bộ đội Biên phòng và chính quyền các địa phương liên quan tổ chức tuần tra kiểm soát tuyến sông Đào Thượng Lý, tuyến đường thủy nội thành Hải Phòng - Cát Bà, kiểm tra bất cứ phương tiện thủy nào cũng phát hiện các vi phạm Luật Giao thông ĐTNĐ như: Phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, thuyền trưởng không có bằng lái, thiếu thiết bị cứu sinh, chở quá trọng tải quy định... Một số phương tiện không chỉ thiếu các giấy tờ cần thiết bắt buộc, mà còn đỗ, đậu sai vị trí như khu vực Bến Bèo, Cát Bà, đoàn nhắc nhở, xử lý các trường hợp tàu chở khách du lịch mắc lỗi quy định.

Phương tiện hoạt động trên các tuyến sông thì như vậy, còn các bến bãi, luồng lạch cũng chưa có chuyển biến sau các đợt ra quân kiểm tra, gây nguy cơ mất ATGT đường thuỷ. Hải Phòng tồn tại nhiều điểm tập trung bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng, chất đốt như khu vực An Sơn, Lại Xuân (Thủy Nguyên), hạ lưu sông Lạch Tray. Nhiều nơi gọi là bến, nhưng không có "cột bích" cho tàu thuyền neo đậu như khu vực Cầu Rào, trong khi các phương tiện chở hàng quá tải, neo đậu hàng ba, hàng bốn, mỗi khi có tàu khác đi qua tạo sóng dễ gây chìm tàu. Rồi tình trạng lấn chiếm dòng chảy, hành lang ATGT ở đoạn sông Kinh Thầy qua địa phận xã An Sơn, Lại Xuân nhiều năm qua chưa được xử lý dứt điểm cũng tạo ra nguy cơ mất ATGT. Ngoài ra, các phương tiện khai thác cát đá, sỏi trên các dòng sông thường chọn tim luồng để hút cát, vì không dám hút gần bờ gây sạt lở làm cản trở hoạt động của các phương tiện khác.

Những kiến nghị

Với lực lượng mỏng, phương tiện, thiết bị thiếu, địa bàn rộng, nên dù có cố gắng đến đâu, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý sai phạm vẫn gặp nhiều khó khăn. Công tác xử lý phương tiện vi phạm còn những bất cập khiến hiệu lực xử lý giảm. Nhiều thuyền trưởng, chủ tàu chống đối bằng cách không chịu xuất trình giấy tờ, lấy cớ thuyền trưởng đi vắng trong khi chính họ lại là thuyền trưởng, Trong khi tàu đi thuê, công suất có hạn, khó lai dắt tàu vi phạm. Nhiều phương tiện quá cũ nát, chủ yếu là loại tàu xi măng lưới thép giá trị không đáng là bao, nếu cộng tất cả các lỗi vi phạm thì số tiền phạt còn lớn hơn giá trị tàu, vì thế chủ tàu thường "bỏ của chạy lấy người", thậm chí hủy phương tiện trước khi tháo chạy lên bờ.

Đưa hoạt động giao thông thủy nội địa vào nền nếp, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của chủ phương tiện, lái tàu phải được nâng cao. Nhưng đây lại là đối tượng khó tuyên truyền nhất, do đặc thù nay đây mai đó, nhiều chủ tàu thậm chí mù chữ, khi ký biên bản vi phạm vẫn điểm chỉ, nên trong nhiều lần phát miễn phí tài liệu tuyên truyền Luật Giao thông ĐTNĐ cho đối tượng này, hiệu quả vẫn chưa cao.

 Thành phố đã cho phép thành lập điểm lưu giữ phương tiện vi phạm tại nhánh sông Rế thuộc địa bàn quận Hồng Bàng và giao Công ty Bảo đảm giao thông đường thủy thực hiện. Đây là khu vực kín gió, bảo đảm lưu giữ 50-70 phương tiện an toàn khi trời giông bão, có thể sử dụng lưu giữ phương tiện vi phạm và làm điểm neo đậu tàu thuyền tránh bão hiệu quả. Như vậy hoạt động trên các tuyến sông của thành phố mới thực sự đi vào nền nếp và phát huy thế mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả

Anh Tú
.
.
.