ASEM-6: Động lực mới trong hợp tác và phát triển

Thứ Hai, 11/09/2006, 08:15

ASEM-6 tại Helsinki sẽ thông qua một Tuyên bố chung về tương lai của diễn đàn quốc tế quan trọng này, trong đó sẽ chỉ ra một cách cụ thể hơn những nguyên tắc chủ đạo cho sự hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai giữa hai châu lục trên cơ sở đồng thuận quốc tế.

Cách đây hơn 10 năm, vào tháng 3-1996, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) đã chính thức được khai sinh tại thủ đô Bangkok, Thái Lan với sự tham gia của 26 thành viên sáng lập, trong đó có Việt Nam. Tới Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ năm (ASEM-5) diễn ra tại Hà Nội năm 2004 đã có thêm 13 thành viên mới được kết nạp.

ASEM-6 diễn ra tại Helsinki, thủ đô Phần Lan trong hai ngày 10 và 11/9, với chủ đề "10 năm ASEM: Thách thức toàn cầu, ứng phó chung".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao nước ta sang tham dự ASEM-6, đã có bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc, đóng góp vào việc xác định định hướng lớn cho đối thoại và hợp tác ASEM trong 10 năm tới, thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhất là việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường quan hệ đối tác kinh tế Á-Âu chặt chẽ hơn (CEP).

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm và làm việc đầy hiệu quả tại Ủy ban châu Âu và Vương quốc Bỉ, khẳng định thêm vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

39 thành viên ASEM phản ánh khá đầy đủ sự đa dạng trong bức tranh địa chính trị trên thế giới hiện nay. Đội hình ASEM bao gồm 13 nước châu Á (Brunei Darussalam, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar) và  25 nước châu Âu (Ireland, Anh, Áo, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, CHLB Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Italia, Luxembourg, Pháp, Phần Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, CH Síp, CH Czech, Estonia, Hungari, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Slovakia và Slovenia).

Nhìn về tổng thể, các nước ASEM chiếm tới 40% dân số toàn cầu, giữ một nửa GDP và 60% tổng kim ngạch thương mại  của cả thế giới. Cho tới nay đã có khoảng 250 hoạt động trên nhiều phương diện và trong nhiều lĩnh vực được triển khai ở hầu hết các nước thành viên ASEM.

Một cây làm chẳng nên non, sự phối hợp Á-Âu trong đội hình ASEM thực sự đã tạo ra động lực mới thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai châu lục to lớn cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng này, làm nền tảng cho những sự trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác giữa tất cả các bên hữu quan. Mỗi một quốc gia thành viên ASEM nhờ đó cũng có được thêm những mối lợi riêng, làm mạnh thêm đội hình chung.

Ôn cố tri tân, những đánh giá thẳng thắn và đúng mức tại ASEM-6 về một thập niên đối thoại không hẳn lúc nào cũng bằng phẳng và chất lượng như mong muốn giữa hai châu lục Âu và Á sẽ có tác dụng lớn trong việc thúc đẩy hợp tác đa phương trên cơ sở cùng có lợi và dĩ nhiên là sẽ tạo đà tích cực cho tương lai.

Nói một cách công bằng, trong 10 năm qua, tiến trình hợp tác ASEM đã phát triển khá năng động và mang lại không ít những hoa thơm trái ngọt trong bầu không khí quốc tế nhìn chung là đã đối mặt với không ít căng thẳng và thách thức. Uy tín ASEM không ngừng gia tăng, thể hiện không chỉ ở số lượng thành viên đông đảo thêm mà cả ở chất lượng những hoạt động được triển khai theo các quyết định đã được thông qua tại các Hội nghị cấp cao.

Đặc biệt Hội nghị cấp cao Hà Nội năm 2004 đã thực sự góp phần tạo nên cú hích giúp cho tiến trình hợp tác Á-Âu trở nên thực chất và năng động hơn. Trên ba trụ cột chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội, các hoạt động của ASEM đã thực sự góp phần cải thiện môi trường hợp tác và phát triển trong khu vực và ở nhiều quốc gia thành viên. Những biến động tiêu cực trên trường quốc tế đã bị giảm thiểu ảnh hưởng xấu tới các nước trong đội hình ASEM một phần cũng nhờ các phản ứng tập thể kịp thời của tổ chức này.

Còn nhớ, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1996, chính nhờ Quỹ Tín thác ASEM (ATF) được kịp thời thành lập nên nhiều nước thành viên ASEM đã có thêm sức mạnh khắc phục hậu quả  của cơn bão tiền tệ tai hại này. Quỹ Á-Âu được thành lập năm 1997 tại Singapore cũng góp phần quan trọng trong việc xúc tiến giao lưu để thêm phần hiểu biết lẫn nhau giữa hai châu lục.

Tuyên bố Hà Nội  về quan hệ đối tác kinh tế Á-Âu chặt chẽ hơn được thông qua tại ASEM-5 ở thủ đô Việt Nam năm 2004 đã không chỉ tạo nên những hiệu ứng tích cực ngắn hạn mà cả trong tương lai sẽ vẫn tiếp tục giúp hai châu lục thêm đà phát triển bền vững.

ASEM-6 tại Helsinki sẽ thông qua một Tuyên bố chung về tương lai của diễn đàn quốc tế quan trọng này, trong đó sẽ chỉ ra một cách cụ thể hơn những nguyên tắc chủ đạo cho sự hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai giữa hai châu lục trên cơ sở đồng thuận quốc tế. Dự kiến, một Tuyên bố chung ASEM về thay đổi khí hậu cũng sẽ được thông qua, nhấn mạnh tới nguyên tắc "lụt sẽ lút cả làng" và trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế trước những mối đe dọa môi sinh "không tai họa nào riêng của ai".

Cũng tại Helsinki, xu thế mở rộng đội hình ASEM sẽ tiếp tục được nhấn mạnh, làm phong phú thêm tiến trình hợp tác và phát triển của không chỉ hai châu lục Á và Âu mà cả trên quy mô thế giới... ASEM-6 cũng sẽ không lảng tránh nhận thức về các tồn tại còn hiện hữu trong hoạt động của mình... Có thể tin chắc rằng, thành công của ASEM-6 tại Helsinki sẽ góp phần tạo ra động lực mới cho sự hợp tác và phát triển tại các nước thành viên và cả khu vực

Minh Huyền
.
.
.