600ha rừng phòng hộ Tràng Cát bị “lột da”

Thứ Năm, 09/06/2005, 08:35

Tại kết luận thanh tra số 70, UBND Tp. Hải Phòng giao Công an thành phố khẩn trương thu thập tài liệu xem xét khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các cá nhân chặt phá rừng phòng hộ tại phường Tràng Cát.

Từ một xã ven biển thuộc huyện An Hải, khi quận Hải An được thành lập vào tháng 5/2003 thì Tràng Cát trở thành 1 trong 6 phường của quận mới. Bãi triều Tràng Cát rộng khoảng 1.000ha. Từ năm 1993 - 1997, bằng nguồn vốn gần 800 triệu đồng của Chương trình 327, một cánh rừng bạt ngàn lên tới 530ha đã mọc lên trên bãi triều này. Thông qua Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, nhân dân đất nước mặt trời mọc đã quyên góp, ủng hộ bà con Tràng Cát gần 600 triệu đồng để trồng thêm 200ha rừng từ năm 1997 đến năm 2000.

Ngoài ủng hộ bằng tiền, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản còn tổ chức nhiều đoàn thanh niên, sinh viên đến đây tham gia trực tiếp trồng rừng. Đây cũng là cánh rừng được phía bạn Nhật Bản đánh giá là tốt nhất ở phía Bắc Việt Nam. Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản còn mời hãng truyền hình NHK sang Tràng Cát để làm một phóng sự dài về cánh rừng hữu nghị Việt - Nhật, với dự định tiếp tục vận động tài trợ cho Việt Nam trồng thêm các cánh rừng khác.

Và cuộc chiến… xóa sổ cánh rừng

Từ năm 2001, cánh rừng phòng hộ này được giao cho chính quyền sở tại quản lý. Cũng bắt đầu từ thời gian này, một số người dân Tràng Cát be bờ, khoanh vùng, tự nhận lãnh địa riêng của mình để đánh bắt cá, tôm. Tháng 4/2002, UBND huyện An Hải đã thành lập một tổ công tác liên ngành để kiểm tra, xử lý những người chặt phá rừng trái phép để đắp vùng thủy sản.

Tổ công tác đã kết luận có 33 chủ đầm chặt phá 34ha rừng để đắp 336ha đầm. UBND huyện đã ra quyết định xử phạt 14 chủ đầm bằng hình thức phạt tiền (tổng số 45,6 triệu đồng) và buộc phải trồng lại rừng như nguyên trạng. Còn lại 19 trường hợp nghiêm trọng hơn, chặt phá rừng với diện tích lớn hơn, vượt quá thẩm quyền xử lý của cấp huyện nên UBND huyện An Hải đã gửi hồ sơ lên cấp thành phố để xử lý.

Rừng phòng hộ Tràng Cát.

Hồ sơ trao đi, đổi lại và cho đến nay, 19 trường hợp này không những không bị xử lý mà còn tiếp tục vi phạm nghiêm trọng hơn!

Chẳng những không đề xuất hình thức xử lý những kẻ phá hoại rừng, một số cơ quan chuyên môn cấp thành phố ở Hải Phòng còn "tham mưu" cho UBND địa phương ban hành Quyết định số 3710/QĐ-UB ngày 16/12/2001 và sau đó là Quyết định số 1200/QĐ-UB ngày 2/6/2003 về quy hoạch bãi triều Tràng Cát.

Theo đó, từ giai đoạn 2001 - 2005 phải trồng mới 300ha rừng trên diện tích lấn ra phía biển, để từ năm 2006 - 2010 sẽ chuyển diện tích đất rừng hiện có sang nuôi trồng thủy sản!

Trên toàn bộ diện tích mặt bằng bãi triều Tràng Cát chỉ có 1.000ha nhưng đã có tới 13 dự án, tổng diện tích 958,19ha  của 11 "công ty". Và thật lạ, hầu hết các dự án này lại được cấp có thẩm quyền "chấp thuận đầu tư"(?!), thậm chí, có 2 dự án đã có quyết định giao đất!

Nghiêm trọng nhất là sự vi phạm của các công ty TNHH Phú Gia, Thành Đạt, 27-7Công ty cổ phần Biển Xanh. Thực chất, núp dưới bóng 4 công ty này là 34 chủ đầm đã tự ý chặt phá tới hơn 430ha rừng ngập mặn. Và cũng chưa hề có một cây nào được trồng thêm như "quy hoạch" đã nêu.

Xét về lý, "thông báo chấp thuận dự án" chỉ là bước khởi đầu để chủ dự án tiến hành hàng loạt các thủ tục tiếp theo nhằm xin quyết định giao đất. Ngay cả khi có quyết định giao đất thì cũng còn phải làm thủ tục giải phóng mặt bằng rồi mới có biên bản cắm mốc, giao đất trên thực địa. Tất cả các trường hợp trên, cho đến nay, chưa hề được giao đất trên thực địa. Thế nhưng, họ đã tự ý phá rừng, đắp đầm từ năm 2001!

Phan Anh Cường
.
.
.