6 năm tranh chấp một lối đi chung

Thứ Hai, 27/10/2008, 14:20
Đã hơn 6 năm kể từ ngày phát sinh việc tranh chấp lối đi với diện tích chỉ hơn 8m2 ở tổ 44, khu phố 4. phường Phú Thọ, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương, vụ kiện vẫn chưa kết thúc. 

Vụ kiện giữa 6 nguyên đơn là ông Lương Văn Trung, bà Lương Thị Nhung, bà Mai Hoàng Phượng, bà Mai Hồng Thu, ông Nguyễn Thu Đông, ông Nguyễn Văn Liêm và bị đơn là bà Đoàn Thị Anh cùng 11 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là các đồng thừa kế của bà Đoàn Thị Pheo cùng ngụ tại tổ 44, khu phố 4, phường Phú Thọ, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương diễn ra như sau: Lúc còn sống, bà Đòan Thị Pheo quản lý sử dụng và được cấp "sổ đỏ" thửa đất có 4 cạnh 16m-13,5m-23,5m và 18,5m. Ở cạnh 18,5m tiếp giáp với thửa đất của bà Đòan Ngọc Anh có một lối đi rộng 1,5m để thông qua đường Cách Mạng Tháng 8.

Tương tự, ở cạnh 23,5m tiếp giáp với đất của ông Trần Văn Đáo có một lối đi rộng 0,7m cũng đi ra đường Cách Mạng Tháng Tám. Cả hai lối đi trên đều nằm trên đất của bà Anh, ông Đáo vì nguyên thủy giữa ba khu đất này không có lối đi chung.

Nằm phía trong của 3 khu đất này là nhà của 6 hộ dân (nguyên đơn trong vụ kiện) từ lâu đã dùng hai lối đi này để ra đường chính. Tuy nhiên năm 2001, bà Anh rào lối đi lại, các hộ chỉ còn đi lối chính giữa đất bà Pheo, ông Đáo. Thấy đường quá nhỏ, năm 2002, 6 hộ nói trên khởi kiện ra tòa để buộc bà Anh mở lối đi.

Ngày 16/5/2003, TAND thị xã Thủ Dầu Một tuyên buộc bà Anh mở lối đi với tổng diện tích gần 14m2, đổi lại bà Anh được đền bù thiệt hại hơn 7 triệu đồng. Bà Anh kháng cáo, ngày 10/9/2003, TAND tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm do tòa sơ thẩm không đưa các đồng thừa kế của bà Pheo vào tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm tố tụng.

Hơn 1 năm sau, TAND thị xã Thủ Dầu Một xét xử sơ thẩm lần hai vẫn tuyên buộc bà Anh mở lối đi với diện tích 7,44m2 và được bồi hoàn gần 11,5 triệu đồng. Bà Anh vẫn không đồng ý, đồng thời các nguyên đơn cũng kháng cáo, không đòi bà Anh mở đường nữa mà chuyển sang yêu cầu các đồng thừa kế của bà Pheo phải mở rộng lối đi ở phần tiếp giáp với đất ông Đáo.

Tại bản án phúc thẩm lần 2 (ngày 15/7/2005), TAND tỉnh Bình Dương tuyên buộc 11 người là đồng thừa kế của bà Pheo phải tháo dỡ, di dời bức tường và một phần căn nhà cấp 4 (tổng diện tích 8,24m2) để mở rộng đường từ 2-2,1m. Vì cho rằng diện tích đất này do các đồng thừa kế của bà Pheo (do bà Lý Thị Nhiều làm đại diện) lấn chiếm nên tòa không buộc nguyên đơn bồi thường thiệt hại mà chỉ ghi nhận sự tự nguyện của 6 hộ dân bồi thường 5,6 triệu đồng.

Tự dưng đất của nhà mình đem đi mở đường lại còn mang tiếng lấn chiếm, bà Lý Thị Nhiều gửi đơn khiếu nại đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, ngày 12/3/2008, Viện KSND tối cao có Quyết định số 24/QĐ-KNGĐT-V5 kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy án phúc thẩm, giao về tòa sơ thẩm xét xử lại. Căn cứ để kháng nghị là do cạnh ngang mặt hậu thửa đất của bà Pheo trong tất cả các giấy tờ có liên quan và đo đạc thực tế đều là 18,5m, do vậy "kết tội" bà Pheo chiếm đất là không có cơ sở.

Mặt khác, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Pheo giáp với đất ông Đáo không thể hiện có lối đi. Do vậy cần phải làm rõ lối đi hiện có là đất của ông Đáo hay bà Pheo. Mà muốn như vậy thì phải đưa gia đình ông Đáo vào tham gia vụ kiện với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, ngày 29/5, Tòa dân sự TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị của VKSND tối cao, giữ nguyên bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương. Bà Lý Thị Nhiều bức xúc cho rằng, anh chị em bà sẽ sẵn sàng chấp nhận để nhà nước mở đường cho 6 hộ dân đi lại dễ dàng nhưng phải đền bù thiệt hại sao cho thỏa đáng, còn án xử như thế là quá bất công nên bà tiếp tục khiếu nại. Thực tế, cơ quan thi hành án địa phương cũng không thể thi hành bản án do gặp sự phản ứng của người dân địa phương và cả chính quyền sở tại.

Ngày 5/9, VKSND tối cao đã có Công văn số 104/VKSTC-V5 về việc yêu cầu Thi hành án dân sự thị xã Thủ Dầu Một hoãn thi thành án trong thời hạn 90 ngày để có thời gian xem xét hồ sơ vụ kiện theo thủ tục giám đốc thẩm. Vậy là đến nay đã hơn 6 năm kể từ ngày phát sinh vụ kiện tranh chấp lối đi với diện tích chỉ hơn 8m2 vẫn chưa kết thúc. 

M.T.P.

 

.
.
.