30 người lo an toàn thực phẩm cho... hàng triệu dân

Thứ Tư, 30/01/2008, 13:30
Chỉ với hơn 30 người (sau khi đã được tăng cường) nhưng lực lượng thanh tra VSTP trên địa bàn TP HCM đang phải đảm đương nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho hàng triệu người dân khi sử dụng thực phẩm. Công việc phức tạp và không còn chỗ cho những thanh tra… bàn giấy.

Rất nhiều cuộc thanh tra hiện phải lên lịch bằng những chuyến "bay đêm". Có đi mới thấy vô vàn những sai phạm, xử lý phức tạp mà lực lượng cơ quan chức năng đang phải gồng mình.

Tăng cường những "chuyến bay đêm"

Do việc các cơ sở ngày càng có nhiều biện pháp đối phó tinh vi nên hầu hết lịch những chuyến công tác đêm càng dày hơn trong những ngày cận Tết với Phòng Thanh tra VSTP-SYT. "Phải có võ" thì mới làm việc được. Anh em thanh tra vẫn nói đùa với nhau như vậy.

Thanh tra thực phẩm nay khác xưa nhiều, chuyện giả làm khách hàng đột nhập để tạo yếu tố bất ngờ tìm bằng chứng cụ thể buộc người vi phạm không thể chối cãi, đó là một trong những hình thức làm việc rất mới hiện nay của lực lượng này.

Không chỉ có vậy, một phương tiện luôn phải "kè kè" trong mỗi chuyến công vụ ngày nay là máy hình để làm bằng chứng xác thực. Ngoài ra còn phải áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ không kém gì Công an. Do kinh nghiệm từ nhiều vụ thanh tra từng bị "dội ngược" từ cơ sở. Thậm chí còn có chuyện Thanh tra Y tế bị dằn mặt, bị dựng chuyện…

Đơn cử như năm 2007, khi xử phạt cơ sở nhà hàng tầm cỡ H.T. tại Tân Bình do những vi phạm nặng về VSATTP. Sau khi mời chủ cơ sở ra chứng kiến một số chai bia trong tủ lạnh lưu giữ tại nhà hàng này bị hết date, nhân viên thanh tra thực hiện khu nắp và huỷ bia ngay tại hiện trường.

Thế nhưng chỉ qua ngày hôm sau, cũng một sự việc đó, chủ cơ sở ngang nhiên dựng thành một câu chuyện mang màu sắc "ly kỳ" và viết đơn kiện ngược lại Thanh tra SYT và kết tội "vào tận phòng ngủ của vợ chồng chủ nhà hàng lấy bia trong tủ lạnh"…

Hay gần đây nhất tại quận 9, đoàn thanh tra quận bao gồm đủ ban bệ: Y tế dự phòng quận, Ban ATVSTP, Phòng Y tế quận… nhưng không thể tiếp cận được với chủ cơ sở. Trưởng đoàn Thanh tra quận buộc lòng phải gọi điện cho Thanh tra SYT TP yêu cầu hỗ trợ.

Lực lượng thanh tra quá mỏng mà số cơ sở cần để mắt tới lại quá lớn. Thực tế với lực lượng mới tăng cường tuy quân số là 30 nhưng nhiều người trong số đó vẫn đang trong thời kỳ "học việc" nên công việc dồn quá nhiều. Thử điểm qua một số những sai phạm thông thường của cơ sở trong những thời điểm cận Tết này sẽ thấy sự vất vả của thanh tra TP.

Nhãn mác hàng hóa, khám sức khỏe nhân viên: vi phạm khắp nơi

Chiều 22/1, chúng tôi đã được chứng kiến liền 1 lúc 4 cơ sở (hầu hết là siêu thị lớn) của TP HCM đã được gọi lên làm việc xung quanh vấn đề tái vi phạm việc nhãn không đúng qui định. Khi bị phạt do vi phạm ghi nhãn với sản phẩm thạch dừa Hạnh Dung, đại diện siêu thị Metro quận 12 cứ "kêu oan".

Được biết, thanh tra qui lỗi để phạt do trên nhãn của mặt hàng này có ghi: Sản phẩm chế biến từ nước dừa thiên nhiên, có tác dụng giải nhiệt. Dùng thường xuyên sẽ đẹp da, bổ dưỡng… Nội dung này thực chất là quảng cáo thái quá mà nếu muốn đưa vào phải thông qua thẩm định của ngành Y tế.

Theo Thanh tra SYT những trừơng hợp sản phẩm được "quảng cáo" bừa bãi như vậy trên nhãn là rất phổ biến trong quá trình đi kiểm tra.

Đó mới chỉ là những sai phạm do quảng bá bừa bãi bằng "những lời có cánh". Nhiều việc nghiêm trọng hơn như mẫu sản phẩm không đạt chất lượng so với khi công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Ngoài ra rất nhiều mặt hàng thực phẩm hết date được phát hiện tại các nhà hàng, siêu thị trong đợt thanh tra vừa qua.

Như tại nhà hàng Đại Nam, quận Bình Thạnh trong kho khô ở đây phát hiện những tuýp mù tạt Trung Quốc có date từ 31/8/2007. Vi phạm rất phổ biến nữa là thực phẩm phụ gia không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc, một số phụ gia ngoại nhập nhưng không có nhãn phụ.

Tại siêu thị Fivimark, quận 7 (S-Mskygarden đường Nguyễn Văn Linh - phường Tân Phong) nơi được coi là siêu thị phục vụ cho giới "nhà giàu" với lượng khách đa phần là người nước ngoài nhưng phát hiện không ít sai phạm về nhãn hàng hóa: như xi dầu Leekumki, Dầu ô liu Tây Ban Nha không hề dán nhãn phụ, nhiều sản phẩm thịt nguội của Philippines, Kim Diệp… thiếu  khối lượng tịnh so với bao bì trên nhãn, thiếu công bố tiêu chuẩn chất lượng.

Các sản phẩm bánh ngọt của cơ sở Việt Hương (491/59 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) không hề công bố tiêu chuẩn chất lượng, chỉ ghi địa chỉ giao dịch. Đặc biệt tuy kinh doanh nhiều loại rượu ngoại nhưng siêu thị không xuất trình được giấy phép kinh doanh rượu trên 30 độ như qui định.

Ngoài ra rất nhiều siêu thị sử dụng các thiết bị cân đong đo đếm nhưng không có giấy thẩm định của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng như qui định…

Với quân số hiện nay, Phòng Thanh tra SYT là hơn 30 người cùng lực lượng khiêm tốn phụ trách ATVSTP của 24 phòng y tế quận, huyện thì dù đã rất cố gắng nhưng hoạt động của thanh tra cũng mới chỉ dừng ở mức đụng đâu xử đó.

Được biết, trong 2007, số cơ sở sản xuất chế biến, cơ sở kinh doanh tiêu dùng, dịch vụ ăn uống trên toàn TP trong diện kiểm tra là 35.310 cơ sở. Đã có 103 cơ sở buộc phải đóng cửa do phát hiện vi phạm ATVSTP trong 2007. Số cơ sở buộc phải huỷ sản phẩm là 126. Như vậy với hàng chục ngàn cơ sở kinh doanh sản xuất như trên thì việc xử lý cũng chỉ như "đá ném ao bèo".

Để thay đổi được tư duy của nhà sản xuất, của người kinh doanh hay ít nhất để cho họ biết sợ thì một mình thanh tra với những hình thức xử phạt "nhẹ như lông hồng" thì chắc chắn không làm nổi cần có sự ra tay của cả chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan và nhất là có một mức chế tài đủ để làm nản lòng những người vi phạm

Huyền Nga
.
.
.