100% cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đều có dấu hiệu nhập lậu

Thứ Tư, 27/07/2016, 20:13
Theo công bố của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) ngày 27-7, hàng loạt cơ sở gây nuôi động vật hoang dã ở Việt Nam đều có vi phạm. Đặc biệt, 100% số cơ sở này có dấu hiệu nhập lậu và săn bắt trái phép.

Trong thời gian từ tháng 10-2014 đến tháng 7-2015, ENV đã thực hiện một khảo sát về tình trạng gây nuôi thương mại ĐVHD tại 26 cơ sở có quy mô lớn ở Việt Nam. Kết quả thu được cho thấy hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD tại Việt Nam đang được quản lý hết sức lỏng lẻo, với hàng loạt vi phạm.

Quang cảnh buổi họp báo.

Cụ thể, có 100% cơ sở có dấu hiệu nhập lậu ĐVHD ở những mức độ khác nhau; 100% các cơ sở cho biết thường xuyên bổ sung các cá thể săn bắt từ tự nhiên; 91% các cơ sở cho biết có mua giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của ĐVHD từ các cơ sở khác hoặc trực tiếp từ cán bộ kiểm lâm; 76% các cơ sở cho biết lực lượng kiểm lâm nhận hối lộ dưới nhiều hình thức…

Tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của Việt Nam. Năm 2010, cá thể tê giác Java cuối cùng của Việt Nam đã bị giết để lấy sừng. Nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác như hổ, voi, cá sấu, tê tê và các loài linh trưởng quý hiếm cũng đang bên bờ vực tuyệt chủng. Nhu cầu tiêu thụ ĐVHD ở Việt Nam và Trung Quốc được xem là nguyên nhân chính thúc đẩy tình trạng này.

Có nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm hợp pháp hóa gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD nguy cấp, quý hiếm vì cho rằng đây là một giải pháp vừa có lợi ích kinh tế vừa có giá trị bảo tồn. Tuy nhiên, quan điểm của các nhà bảo tồn là cần phải tuyệt đối nghiêm cấm.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ:“Chúng tôi cho rằng gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD nguy cấp, quý hiếm sẽ làm gia tăng nhanh chóng nguy cơ tuyệt chủng của những loài này. Việc đem tương lai của nhiều loài ĐVHD nguy cấp bậc nhất trên thế giới để đánh đổi lấy lợi nhuận của một nhóm người là vô cùng mạo hiểm”.

Theo bà Hà, công tác bảo tồn ĐVHD không thể diễn ra song hành với hoạt động gây nuôi thương mại những loài này. Trong khi mục tiêu của bảo tồn là để bảo vệ nền đa dạng sinh học, phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội thì mối quan tâm hàng đầu của chủ các cơ sở gây nuôi là lợi nhuận.

Tê giác java cuối cùng của Việt Nam đã chết.

Hơn nữa, hầu hết các cá thể ĐVHD nguy cấp, quý hiếm được gây nuôi đều bị mất đi bản năng sinh tồn và kĩ năng cần thiết giúp chúng sống sót trong tự nhiên nếu được tái thả.

Việc song song tồn tại cả sản phẩm ĐVHD hợp pháp và bất hợp pháp trên thị trường cũng gây khó khăn lớn cho công tác thực thi pháp luật, tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm lợi dụng để buôn bán, kinh doanh ĐVHD bất hợp pháp.

Loài tê tê đang đứng trước thực trạng nguy cấp do săn bắt, mua bán trái phép.

Ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị giải thích: “Các cán bộ thực thi pháp luật không thể phân biệt được giữa sản phẩm ĐVHD được gây nuôi hợp pháp từ các trang trại và các sản phẩm bị săn bắt trái phép từ tự nhiên được đem đi tiêu thụ trên thị trường. Chúng tôi sẽ không thể phân biệt được cao hổ và mật gấu từ tự nhiên hay do nuôi nhốt một khi đã bị đưa ra thị trường”.

K.Vy - V.Hà
.
.
.