Xác xơ làng vàng

Thứ Tư, 16/01/2008, 15:48
Do có trữ lượng vàng (gốc) lớn nên Phước Đức được mệnh danh là đất vàng của Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), nơi tập trung khá đông giới làm vàng cả nước. Tuy nhiên, đây là thiên đàng của ai chứ không phải của người dân sở tại.

Những ngày đầu tháng 1 này, chúng tôi đặt chân đến Phước Đức đúng vào dịp đồng bào (Bh' Nông) đang ăn Tết Rẫy (Tết sau mỗi vụ thu hoạch). Những cơn mưa triền miên của tháng 10, 11 đã làm kiệt quệ cây lúa trên rẫy, những gì có thể nhặt nhạnh về nhà không đủ cho đồng bào gióng nổi một tiếng chiêng đón Tết. Chủ tịch xã Phước Đức, ông Hồ Văn Bằng, khẽ khàng: Tết Rẫy năm nay bà con ăn Tết... yếu lắm. Chỉ có bánh ốc, chuột rừng thôi…

Cũng ông Bằng "dự báo", sau mùa rẫy này, tỷ lệ hộ đói nghèo của xã chắc sẽ không... thấp ở mức 67% như bấy lâu.

Mưu sinh ở dòng nước đục

Hầu như đồng bào không mấy người để ý đến Tết. Từ sáng sớm, những đoàn người, đàn ông, đàn bà, trẻ em từ các thôn, tay cầm mâm, máng, xẻng hướng về dòng suối Đắk Xa - nơi bao năm rồi họ gục mặt, xúc, đãi, tìm kiếm một cơ may đổi đời. Dọc theo con suối đục ngầu này, chúng tôi thấy có mấy chục trẻ em 10-15 tuổi, cả người ngập trong nước, cần mẫn cầm máng xoay những vòng tròn yếu ớt, trên đó là đá, đất và có thể có một chút hy vọng của vàng.

Nhiều em quay mặt khi chúng tôi đưa máy ảnh lên, nhưng cũng có em cười rất tươi vì biết được chụp ảnh, sự hồn nhiên gây tê tái. Em trai cười nói mình tên Lành, không biết cái tuổi bao nhiêu.

Em kể có đi học nhưng nghỉ lâu rồi, "cái chữ quên cháu rồi". Em đi làm thuê cho một chủ bãi (thổ phỉ) . Cả ngày quần đùi, mình trần, đầu trần, ngâm trong trong suối, bò trong đất đá như vậy, em được trả công 20.000 đồng. 

Ông Chủ tịch xã Bằng than thở, từ lâu nhiều người dân thôn 2, 3, 4 của Phước Đức đã không còn thiết tha với nương rẫy. Nhiều gia đình cả cha, mẹ con cái đều đi đãi vàng thuê, hoặc tự mình đi đãi mót.

Người Bh' Nông coi trọng máng nước, coi trọng con suối, thế nhưng vì sự hấp dẫn của vàng họ sẵn sàng đào bới xé nát dòng chảy tự nhiên của con suối quê mình. Mỗi mùa mưa, dòng suối bị phụ bạc này đã quay lại tàn phá nương rẫy của bà con. Theo ông Bằng, 1/3 diện tích nương rẫy của Phước Đức đã bị sông suối "nuốt".

Trong cơn chao đảo của vàng

Cũng theo ông Bằng, tại xã ông ngoài một công ty TNHH được cấp phép khai thác vàng, còn có hàng chục điểm khai thác vàng trái phép tập trung ở bãi Bơ, bãi Chuối, bãi Gõ, K45…

Đây là "giang sơn" riêng của những chủ bãi, chủ bưởng. Ở đây ngoài chuyện khai thác vô tội vạ tài nguyên khoáng sản, lâm sản (thậm chí các "ông chủ" còn nhảy vào giữa vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh để khai thác) gây ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, còn là thế giới của tội phạm, tệ nạn.

Không thiếu thanh thiếu niên Phước Đức đã "phủi" những đồng tiền công nhọc nhằn kiếm được mỗi ngày cho ma tuý. Đáng lo hơn, ngay cả phụ nữ cũng không thoát khỏi sự cám dỗ của cái chết trắng, giữa "thiên đàng" vàng này nhiều người đã chết vì ma tuý.

Trong ngày Tết rẫy nhưng câu chuyện tại nhà Trưởng Công an xã Phước Đức, Hồ Văn Phòng, lại quá buồn. Ông Phòng chỉ tay lên tấm ảnh một phụ nữ trên bàn thờ nghi ngút khói nhang, "Con Hạnh, em gái mình đó, nó chết vì ăn ma tuý, mới 26 tuổi, để lại 3 đứa con nheo nhóc. Chồng nó vừa mới bị Công an bắt vì mua bán ma tuý. Mình buồn lắm vì mình là Công an mà không giữ được em. Cái ma tuý mạnh hơn mình…". Vợ chồng em anh Phòng không phải là trường hợp duy nhất bị thiệt mạng, bị tù tội vì ma tuý.

Ngay tại thôn 1 của anh Phòng, bà Hồ Thị Lai cũng vừa mãn hạn 8 năm tù giam vì liên quan đến cái chết trắng, chồng Hồ Thị Do cũng vừa thành ma rừng vì ma tuý… Trong cơn chao đảo của vàng, người Phước Đức xác xơ từng ngày .

Vàng cũng sinh ra… những phụ nữ chửa hoang, những cô gái vượt cạn một mình ngoài rừng, những trẻ sơ sinh không cha vô tội bị bỏ rơi đến chết. Ở thôn 4 - "thủ phủ" của vàng Phước Đức, cô gái trẻ măng Hồ Thị Phước kể trong nước mắt về những ngày đẻ con trong một cái chòi ngoài rừng.

Người mà Phước ưng cái bụng là dân đãi vàng quê tận Hiệp Đức (Quảng Nam). Khi biết Phước có mang, anh ta "bỏ của chạy lấy người". Làng đã tống Phước ra rừng để cho con ma xấu "chửa hoang" không về ám người làng. Nếu gia đình cô không có 2 con heo cúng tạ tội với làng (theo tục lệ Bh' Nông con gái chửa hoang bị đuổi ra rừng, phải cúng 2 con heo đen để làm lễ "ra làng" và lễ "vào làng" mới được quay lại buôn làng) thì chắc mẹ con cô đã chết.

Bây giờ một thân một mình với con dại, ngày ngày Phước phải vào rừng nhặt hạt ươi bán lấy tiền nuôi con, nuôi mình. Tiếc cho Phước quá vì cô là người "có học" nhất trong thôn - lớp 8. Chúng tôi muốn hỏi anh Phòng, có bao nhiêu đứa trẻ sinh ra từ vàng và vĩnh viễn không có cơ hội bước ra khỏi rừng, nhưng rồi thôi, câu hỏi ấy sẽ làm u ám thêm ngày Tết.

Từ khi khai thác vàng rộ lên, những cô gái bồng con đỏ hỏn mang bình máu heo đi vẩy chung quanh làng, rồi đến từng nhà xin lỗi dân làng, để được về sống trong làng (tục lệ "rửa mặt" của người Bh' Nông đối với các cô gái chửa hoang) diễn ra liên tục, năm nào cũng có. Tuy nhiên không phải đứa trẻ nào cũng có mẹ hay gia đình mẹ có tiền mua heo tạ tội...

Sỹ Nguyên - Lê Vũ
.
.
.