Sóc Trăng:

Tập trung khắc phục đê bao bị vỡ

Thứ Hai, 13/10/2014, 12:08
Chiều 12/10, theo ông Trần Văn Hòa, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), chỉ trong 3 ngày (9 đến 11/10) do ảnh hưởng của triều cường, trên địa bàn các xã An Thạnh Tây, An Thạnh Ba, An Thạnh Đông, An Thạnh Nam, Đại Ân 1 của huyện này đã có 76 đoạn đê bị vỡ với chiều dài hàng trăm mét, làm ngập 140 căn nhà, hơn 700 ha hoa màu (chủ yếu là mía) cũng bị ngập trong nước, thiệt hại hàng trăm triệu đồng; không có thiệt hại về người.

Ngoài ra, triều cường còn làm ngập đoạn đê bao tả hữu cù lao với chiều dài hơn 40m, làm ngập và sập nhiều đoạn đường, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân. Ngay sau khi các đoạn đê bị vỡ, chính quyền địa phương đã đưa lực lượng cùng các phương tiện cơ giới tích cực khắc phục, hàn gắn các đoạn đê bao bị vỡ, đồng thời cơi nới các đoạn bị tràn ngập. Ngoài ra, huyện còn tập trung gia cố những đoạn đê bao, công trình xung yếu, nhằm làm giảm thiệt hại về người và tài sản cho người dân.

Ông Mai Việt Cứ (ngụ ấp An Phú, xã An Thạnh Tây) cho biết, đê bao vỡ là do nhiều năm qua đã bị xuống cấp, không được bồi đắp nên không thể chống lại nổi sức ép của dòng nước lũ từ ngoài sông dâng cao. Vỡ đê gây thiệt hại cho bà con trong sản xuất và sinh hoạt. Anh Nguyễn Hoàng Anh (ngụ ấp An Phú, xã An Thạnh Tây) cũng cho biết, đê vỡ vào ban đêm nên khắc phục gặp khó khăn khiến cho cả cánh đồng ngập sâu trong nước khoảng từ 1,5m.

Người dân huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bì bõm giữa biển nước nhổ bỏ khoai mì đã bị hỏng.

Gia đình anh Hoàng Anh có hơn 10 công đất trồng sắn (khoai mì) đang cho thu hoạch. Vợ chồng anh mới nhổ xong khoảng 4 công, mỗi công khoảng 3 tấn, thu nhập cũng từ 5 triệu đồng/công. Nhưng nước vào đã làm ngập hơn 6 công khiến cho toàn bộ củ sắn này bị hư hoàn toàn. Hiện tại, vợ chồng anh bì bõm giữa biển nước để nhổ bỏ, đưa vào bờ toàn bộ số sắn bị hư này.

Ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung cho biết: Ngay khi xảy ra sự cố vỡ đê, huyện đã điều động lực lượng, phương tiện tham gia hàn gắn các đoạn đê bị vỡ. Đến sáng 12/10 cơ bản đã hoàn thành và tiếp tục gia cố thêm nhiều đoạn đê khác để đề phòng sự cố bất ngờ.

Ông Phạm Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Đại Ân 1, cho biết: Đại Ân 1 là xã bị thiệt hại khá nặng với 24 đoạn đê bị vỡ, gây thiệt hại nhiều về hoa màu, nhà cửa của người dân. Ngay khi xảy ra vỡ đê, địa phương đã huy động trên 30 dân quân tự vệ tham gia hàn gắn các đoạn đê bị vỡ, hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Cũng theo ông Tám, nguyên nhân vỡ đê một phần do triều cường nhưng một phần cũng do người dân chưa có ý thức bảo vệ, gia cố đê bao.

Ông Trần Văn Hòa, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết thêm: Do đã lường trước tình huống vỡ đê nên huyện đã có phương án phòng chống lụt bão và chỉ đạo các địa phương tập trung ứng trực, kịp thời đối phó trong mùa mưa lũ, triều cường nên đã giảm thiểu thiệt hại về người và của. Huyện cũng đã có kế hoạch duy tu, gia cố những đoạn đê bao, công trình xung yếu, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là khẩn trương huy động nguồn lực, gia cố, khắc phục nên đến nay việc khắc phục đã cơ bản hoàn thành

Đ.Văn – C.Xuân
.
.
.