Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược - Bộ y tế:

Không thiếu vaccin dịch vụ lẫn vaccin miễn phí cho trẻ

Thứ Ba, 07/10/2014, 09:19
Những ngày qua, dư luận “nóng” lên bởi tình trạng quá tải tại các điểm tiêm chủng dịch vụ do có lúc thiếu vaccin tiêm phòng cho trẻ, như vaccin Quinvaxem và Pentaxim (5 trong 1), vaccin Infanrix Hexa (6 trong 1), khiến nhiều phụ huynh phải xếp hàng nhiều tiếng, thậm chí nhiều ngày mới tiêm được cho con. Tình hình đó khiến các phụ huynh lo lắng về việc có đủ vaccin tiêm phòng cho con hay không.

Tuy nhiên, ngày 6/10, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) - ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng - đã chính thức lên tiếng về vấn đề này với khẳng định: Việc thiếu vaccin dịch vụ chỉ là cục bộ, còn vaccin “5 trong 1”, “6 trong 1” và vaccin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMRQG) hiện nay không thiếu.

Theo ông Đông, bên cạnh vaccin Quinvaxem được Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai tiêm miễn phí trên toàn quốc trong Chương trình TCMRQG vẫn luôn luôn được đáp ứng đầy đủ thì hiện nay, vaccin “5 trong 1” và “6 trong 1” được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ vẫn liên tục được nhập khẩu về và phân phối cho các đơn vị tiêm chủng có dự trù trên cả nước: Ngày 18/9, đã có 48.320 liều vaccin “5 trong 1” được nhập khẩu và trước đó, ngày 25/8, cũng đã nhập 12.000 liều cùng 10.000 liều nhập về vào ngày 24/7. Riêng vaccin “6 trong 1” đã được nhập khẩu 205.430 liều vào ngày 20/8.

Ông Đông nhấn mạnh: Các lô vaccin trên đều đã được Viện Kiểm định quốc gia vaccin và Sinh phẩm y tế xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn trên động vật thí nghiệm. Các đơn vị tiêm chủng có dự trù đều đã nhận được vaccin để phục vụ nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Hiện nay, tại kho của công ty nhập khẩu còn tồn trên 140.000 liều vaccin “5 trong 1”.

Các điểm tiêm vaccin dịch vụ luôn đông đúc những ngày qua.

Vaccin tiêm dịch vụ được phục vụ theo nhu cầu của nhân dân, tuân theo quy luật cung - cầu và được tiêm tại các điểm tiêm chủng dịch vụ trên cả nước. Do đặc thù của vaccin là thời gian sản xuất dài (khoảng 6 tháng), hạn sử dụng ngắn, điều kiện bảo quản nghiêm ngặt, số lượng nhà sản xuất trên toàn cầu ít, nên nhà sản xuất cần thời gian để tổng hợp các đơn đặt hàng nhận được và lập kế hoạch sản xuất. Vì vậy, công tác lập dự trù và đặt hàng của các đơn vị tiêm chủng dịch vụ đối với nhà nhập khẩu, nhà phân phối đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng vaccin.

Vaccin “5 trong 1” và “6 trong 1” đều có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực. Điều này có nghĩa là tất cả doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vaccin đều có thể nhập khẩu các vaccin này với số lượng, số lần nhập khẩu không hạn chế, mà không cần giấy phép nhập khẩu của Cục Quản lý dược. “Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, nguồn cung vaccin “5 trong 1” và “6 trong 1” trong thời gian này là không thiếu. Tình trạng khan hiếm vaccin dịch vụ hồi đầu năm 2014 cơ bản đã được giải quyết. Yếu tố quan trọng để đảm bảo vaccin cho tiêm chủng dịch vụ là công tác lập dự trù và đặt hàng của các đơn vị tiêm chủng bên cạnh các yếu tố khác như cơ chế tài chính, thanh toán và tổ chức tiêm. Hiện, các đơn vị tiêm chủng có lập dự trù đều đã nhận được vaccin “5 trong 1” và “6 trong 1” - ông Đỗ Văn Đông khẳng định. “Do việc kinh doanh vaccin phục vụ tiêm chủng dịch vụ tuân theo quy luật cung cầu của thị trường nên tôi tin rằng các đơn vị cung cấp vaccin đều muốn kinh doanh với số lượng càng nhiều càng tốt. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp nào cố tình đầu cơ để trục lợi (nếu có), doanh nghiệp đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cho đến nay, Cục Quản lý dược chưa nhận được thông tin về đơn vị tiêm chủng nào đã lập dự trù và đặt hàng mà đơn vị cung cấp lại từ chối giao hàng. Các đơn vị có dự trù đều đã nhận được vaccin theo đúng nhu cầu, nếu có điểm nào thiếu cục bộ là do lập dự trù chưa sát với nhu cầu thực tế.”

Cục Quản lý dược cho biết thêm: Để đảm bảo tất cả trẻ em trong độ tuổi  được tiêm vaccin, Chương trình TCMRQG luôn đảm bảo đầy đủ theo đúng kế hoạch tiêm chủng với 12 loại vaccin miễn phí. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang nghiên cứu và sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ để đưa thêm một số vaccin vào Chương trình TCMRQG, như vaccin phòng bệnh bại liệt dạng tiêm, phòng bệnh do phế cầu, phòng bệnh ung thư tử cung... tiến tới Chương trình TCMR sẽ bao phủ hầu hết các bệnh gây tử vong trên trẻ em có thể ngăn ngừa bằng vaccin. Bộ Y tế cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu các Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng thực hiện tốt việc dự trù, đặt hàng. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền toàn diện về tiêm chủng để nâng cao nhận thức của người dân và kịp thời thông tin về các vaccin, tránh tình trạng người dân đột ngột bỏ tiêm, rồi lúc nào đó lại đổ xô đi tiêm vào cùng một thời điểm, tạo nên việc thiếu vaccin cục bộ hoặc thiếu “ảo”. Để tránh tình trạng tiêm phòng cho trẻ quá đông ở một nơi, hoặc vaccin chưa về kịp trong một thời điểm, Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn nhân viên y tế tư vấn người dân sử dụng vaccin tương tự trong Chương trình TCMR, hoặc phối hợp các vaccin đơn giá sẵn có trong trường hợp thiếu một loại vaccin tiêm chủng dịch vụ nào đó.

Đại diện Bộ Y tế khuyến cáo: Cả TCMR và tiêm chủng dịch vụ đều được khuyến khích để đảm bảo trẻ em trong độ tuổi có khả năng tiếp cận cao nhất đối với vaccin phòng bệnh

Thanh Hằng
.
.
.