Bát nháo cơ sở đào tạo lái xe cơ giới

Chủ Nhật, 01/07/2012, 17:37
Báo cáo mới nhất của Thanh tra Sở GT-VT tỉnh Hải Dương cho thấy, trong đợt kiểm tra công tác đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh được tiến hành trong 6 tháng vừa qua, cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện hàng loạt cơ sở dạy nghề của nhiều đơn vị, địa phương đang hoạt động tại Hải Dương vi phạm nghiêm trọng các quy định hiện hành.

Theo đó, danh sách các cơ sở vi phạm bao gồm: Trường Trung cấp nghề Á Châu, thuộc huyện Văn Lâm (Hưng Yên); Trường Lái xe QK3 (Hải Dương); Trường Trung cấp nghề Thuận Thành (Bắc Ninh); Trường Cao đẳng nghề Hữu nghị-Vinacomin (Quảng Ninh); Trung tâm đào tạo Lạc Hồng và Trung tâm đào tạo Đức Thịnh (Hà Nội)... Chưa tính tới các cơ sở được xem như “trung tâm” của các... trung tâm đào tạo, dạy nghề - lái xe cơ giới các hạng tại các tỉnh, thành phố phía Bắc thu hút mỗi năm hàng chục nghìn học viên.

Yếu tố tích cực của chủ trương xã hội hóa hoạt động đào tạo lái xe, góp phần cung ứng nhân lực cho ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh cũng như trong khu vực là rất đáng ghi nhận. Thế nhưng, việc bung ra một cách tràn lan, thiếu sự quản lý, đặc biệt chỉ coi trọng đến số lượng và xem nhẹ chất lượng; thậm chí làm trái với các quy định tại Thông tư 07 của Bộ GT-VT đang là thực trạng “báo động đỏ” tại các “lò” đào tạo lái xe này.

Theo quy định, học viên lái xe hạng B1 buộc phải có thời gian học là 616 giờ, trong đó học lý thuyết là 136 giờ. Lái xe hạng B2, thời gian học lý thuyết là 168 giờ.

Tuy nhiên, theo phản ánh của lực lượng Thanh tra và Phòng Quản lý phương tiện và người lái – Sở GT-VT tỉnh, tại một số bãi tập thực hành tại TP Hải Dương, không ít học viên đang ung dung sau vô lăng khi được hỏi những vấn đề liên quan tới phần học lý thuyết thì đều... lắc đầu. Có người trả lời: lý thuyết được... tự học ở nhà (!). Không cần sân tập lái, các cơ sở trên “mượn” luôn các đường công vụ tại các khu đô thị mới của TP Hải Dương làm nơi dạy các học viên “lái xe theo hình”.

Ngoài các vi phạm trên, cả thầy lẫn trò còn mắc những sai phạm khác rất không đáng có như: giáo viên không đeo phù hiệu “Học viên tập lái”... Xin được nhắc lại, đây là những lỗi vi phạm Thông tư 07 của Bộ GT-VT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ...

Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ cũng đã nêu rõ, một trong những biện pháp kiềm chế TNGT chính là việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Những gì đang diễn ra ở Hải Dương cho thấy công tác quản lý các cơ sở đào tạo, dạy nghề lái xe ở nhiều đơn vị, địa phương hiện đang bị buông lỏng và tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường

Đăng Hùng
.
.
.