Đội xe ôm “cấp cứu” dưới chân đèo Hải Vân

Thứ Bảy, 26/03/2016, 22:40
Hơn 10 năm nay, những thành viên trong đội xe ôm “cấp cứu” dưới chân đèo Hải Vân không thể nhớ hết họ đã kịp thời sơ cứu, băng bó, vận chuyển bao nhiêu trường hợp bị tai nạn giao thông (TNGT).


Chỉ biết rằng, ngoài công việc chạy xe ôm kiếm sống mỗi ngày, họ còn được ví như những “lương y đường phố” hết lòng giúp đỡ người bị nạn giữa đường. Tất cả đều xuất phát từ cái tâm thiện nguyện…

Đội xe ôm “cấp cứu”, còn được gọi với cái tên khác là đội xe ôm an toàn, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Năm 2005, dưới sự tài trợ của tổ chức Counterpart International trong dự án “Chương trình kiểm soát thương tích”, Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng đã thành lập các đội xe ôm an toàn ở các phường trên địa bàn thành phố. Tất cả những người tham gia vào đội đều được đào tạo kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu người bị TNGT. 

Kể từ khi dự án kết thúc (năm 2009), đội xe ôm an toàn của phường Hòa Hiệp Bắc là một trong số ít những đội xe ôm vẫn tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả cho đến tận bây giờ.

Đội xe ôm này hiện có 10 thành viên. Họ là những người lái xe ôm bình thường, vất vả sớm hôm, mưu sinh trên từng cây số để kiếm sống mỗi ngày. Có khác chăng, là ngoài chiếc xe máy, mũ bảo hiểm, họ còn luôn mang bên người một chiếc túi sơ cấp cứu, chứa những dụng cụ y tế cần thiết. 

Bất kể ở đâu, bất cứ khi nào, chỉ cần gặp trường hợp TNGT trên đường, hoặc nhận được một cú điện thoại cầu cứu, họ liền nhanh chóng có mặt để sơ cấp cứu cho nạn nhân, sẵn sàng đưa nạn nhân đến trung tâm y tế gần nhất. 

Hằng ngày, những thành viên trong đội xe ôm đặc biệt này thường chia nhau túc trực tại chân đèo Hải Vân và khu vực ngã ba đường Nguyễn Văn Cừ - Tạ Quang Bửu (đường rẽ vào hầm Hải Vân). 

Những thành viên đội xe ôm an toàn lúc nào cũng mang theo túi sơ cấp cứu, sẵn sàng cứu giúp người bị nạn.

Ông Đặng Thanh Kinh (57 tuổi, đội trưởng đội xe ôm an toàn) cho biết, đây là hai điểm nóng có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều và cũng thường xuyên xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Vì vậy, các thành viên trong đội phân bố ở những điểm đó để tiện việc chở khách và cũng là để kịp thời có mặt, sơ cấp cứu giúp người bị nạn khi có TNGT xảy ra… Hơn 10 năm qua, họ không thể nhớ hết là đã sơ cứu, băng bó, vận chuyển bao nhiêu trường hợp bị TNGT đến các cơ sở y tế. 

Ông Lương Bá Thành (55 tuổi, thành viên của đội) tâm sự: “Lúc nào đi làm chúng tôi cũng đều mang túi sơ cấp cứu bên người, hễ bắt gặp tai nạn là anh em chúng tôi liền lao vào cứu giúp. Có lần đang chở khách trên đường mà thấy người bị nạn nằm chờ xe cấp cứu lâu quá, tôi đành phải bảo khách bắt xe ôm khác để đi, còn tôi chở nạn nhân đến trạm y tế. Cũng có trường hợp thấy người bị thương không có ai đi cùng, tôi đành phải bỏ xe máy lại, leo lên xe cấp cứu đi với họ để giữ tài sản và làm thủ tục tại bệnh viện cho nạn nhân”.

Từ những ngày đầu thành lập, số điện thoại của các thành viên trong đội xe ôm “cấp cứu” đã được dán khắp nơi, dọc các tuyến đường trong khu vực. Trải qua một thời gian dài, đến nay những số điện thoại đã mờ hẳn, hoặc mất đi, nhưng bù lại, niềm tin, sự biết ơn của người dân vào đội xe ôm thân thuộc này ngày càng thêm to lớn. Cũng vì thế mà họ thường xuyên nhận được những cuộc gọi lúc nửa đêm để nhờ trợ giúp khi có người gặp tai nạn. 

“Tôi nhớ có trường hợp nửa đêm nghe điện thoại báo có người đàn ông say rượu bị té xe, tôi liền vội vã tới băng bó cho cầm máu rồi gọi xe cấp cứu. Nhưng người đó thì không chịu hợp tác, cứ vùng vẫy, chửi rủa, rồi tháo tấm băng vứt đi. Vì biết ông ấy đang say rượu nên tôi phải nhẹ nhàng khuyên nhủ, động viên, lấy dụng cụ khác ra băng bó lại”, ông Kinh kể. 

Những thành viên trong đội xe ôm an toàn này đều giúp người bằng tinh thần nhân ái và tự nguyện, họ chưa hề nhận được một đồng trợ cấp nào. Công việc chạy xe ôm thu nhập bấp bênh, thế nhưng có những lúc thiếu dụng cụ y tế, như bông băng, gạc, thuốc đỏ, oxy già… họ không ngại ngần bỏ tiền túi ra để mua bổ sung vào. Động lực để họ làm những việc này cũng chỉ xuất phát từ tâm niệm cứu người là trên hết. 

“Anh em chúng tôi luôn tâm niệm rằng: Thấy người gặp nạn giữa đường, mình ra tay cứu giúp đó là chuyện phải làm. Chỉ cần họ bình yên qua cơn hoạn nạn, cho dù không nhận được một lời cảm ơn nào, chúng tôi cũng đã thấy rất vui mừng và có động lực để tiếp tục”, một thành viên trong đội chia sẻ.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hòa Hiệp Bắc, xác nhận: “Đội xe ôm an toàn là một trong những chi hội tiêu biểu của Hội Chữ thập đỏ phường, nhiều lần được UBND quận Liên Chiểu cũng như Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng biểu dương, khen thưởng về thành tích xuất sắc trong công tác nhân đạo. 

Ngoài hoạt động sơ cấp cứu kịp thời cho người gặp nạn, đội xe ôm an toàn còn thường xuyên kêu gọi quyên góp và tham gia các buổi nấu cháo tình thương; hiến máu nhân đạo; đóng góp tích cực trong công tác thực hiện văn hóa, văn minh đô thị của Đà Nẵng, như phát hiện và tháo gỡ bảng quảng cáo, rao vặt sai quy định… 

Sắp tới, phường Hòa Hiệp Bắc cũng sẽ mở rộng mô hình xe ôm an toàn, vận động thêm nhiều người tham gia vào hoạt động ý nghĩa này.”

Lý Na
.
.
.