Những đứa trẻ vượt qua lời nguyền luật tục

Thứ Sáu, 18/09/2015, 09:29
Theo luật tục của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trước kia, những đứa trẻ khi sinh ra bị dị tật bất thường hay mẹ mất... phải cho chúng trở về với thế giới "atâu" (cõi người chết). Nhưng bằng tình yêu thương và trái tim làm người của những đấng sinh thành, những người thân yêu không thể bỏ những đứa trẻ được dù khi sinh ra chúng là những đứa con dị dạng. Họ đã cố vượt qua lời nguyền luật tục để cưu mang những đứa trẻ không may...

Cô bé “người chim” được ám chỉ cho Rơ Ma Sui ở làng Kon Dỗ, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã trở thành quen trong mắt nhiều người. Năm 2011, vợ chồng Rơ Ma Quik sinh ra bé Sui trong một tấm thân hình dị dạng, bị hở hàm ếch và trên da có nhiều vết đen kì dị. 

Theo luật tục người Jrai, con gái sẽ bắt chồng và nối dõi gia đình nhưng chẳng may mắn khi sinh ra đứa con gái dị dạng này khiến cả nhà buồn khổ, lo lắng. Vợ của Rơ Ma Quik buồn đau, không muốn ăn uống gì cả. Người làng thì xầm xì, lời ra tiếng vào. Có người bảo phải cho đứa bé kì dị kia về với "atâu" cho thuận với lệ làng. Có người bảo phải cúng để trừ "tà ma" đã bắt vợ chồng Rơ Ma Quik sinh con dị dạng... 

Bao nhiêu lời đồn thổi, dị nghị nhưng vợ chồng đôi bạn trẻ này vẫn cố chịu đựng, tự an ủi nhau mà giữ đứa bé nuôi nấng cho khôn lớn nên người. Rồi họ đã vượt qua lời nguyền luật tục. Một tháng, 2 tháng... và đến 1 năm, 2 năm đứa bé biết đi, biết chạy vui đùa như bao đứa trẻ khác, nhưng có điều bất thường là phần lớn tấm thân sau lưng Rơ Ma Sui lông cứ mọc dày thêm, ngày càng đen nghịt... 

"Dù sao bé Sui vẫn là con của vợ chồng mình sinh ra, phải nuôi nấng cháu khôn lớn"- Rơ Ma Quik tâm sự.

Bé Sui nay đã hơn 4 tuổi, càng lớn, trên da cháu càng mọc thêm nhiều lông dày lên gây không ít khó khăn cho cuộc sống hàng ngày nhưng không có cách nào khác, gia đình Rơ Ma Quik vẫn phải gồng mình chịu cảnh nghèo khó nuôi con… Riêng dị tật hở hàm ếch của bé Sui đã được đưa đi phẫu thuật thành công, còn chứng bệnh mọc lông đầy người, các bác sĩ chưa thể lý giải được chính xác từ nguyên nhân do đâu và chưa có biện pháp điều trị...

Ở các buôn làng Tây Nguyên, tôi đã chứng kiến bao cảnh những đứa trẻ sinh ra dị tật bất thường nhưng đều vượt qua được lời nguyền luật tục và các em đã khôn lớn thành người có ích cho gia đình và xã hội. 

Cô bé Đinh Thị Honh ở làng Krối, xã Đak Smar, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai khi mới sinh ra như cục thịt đỏ hỏn, không có đôi tay bình thường như bao trẻ em khác. Chị Đinh Thị En khi mới sinh cứ nhìn thấy con mà nước mắt ứa ra. Người làng bảo phải đem chôn đứa bé và cúng “Yàng” cho làng khỏi xui. Vợ chồng En không chịu mà cố giữ con lại để nuôi và đặt tên cháu bé là Đinh Thị Honh.

Bé Honh dùng chân chải tóc.

Rồi từng ngày ở buôn làng mới, bé Honh lớn nhanh, tuy không có đôi cánh tay nhưng gương mặt luôn nở nụ cười rất tươi. Vợ chồng En đêm đêm mơ ước làm sao cho con mình có được đôi tay như câu chuyện huyền thoại, để khi con lớn đi rẫy, cuốc đất trồng mỳ, trỉa lúa, bẻ bắp, lên rừng đốn củi, xuống suối bắt cua... 

Càng lớn, bé Honh càng lộ rõ thân hình không có đôi cánh tay như chim cánh cụt, nhưng trời lại thương cho bé Honh một đức tính cần cù, chịu khó, mọi sinh hoạt hàng ngày cháu đều tập làm việc bằng đôi bàn chân của mình để thay đôi tay. Honh tự dùng chân bưng bát, cầm đũa gắp thức ăn, kẹp chổi quét nhà, dùng chân nấu nước, rửa chén bát... và viết nên từng con chữ thân yêu. 

Honh năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi của lớp, của trường. Rồi càng lớn, Honh mơ ước sẽ cố gắng học thật tốt để sau này trở thành cô giáo về làng dạy học... 

Đến đây, tôi lại nhớ chuyện ngày xưa của cậu bé Đroeng ở Buôn Ji, xã Krông Năng, KrôngPa, Gia Lai cũng không có tay chân nhưng em vẫn đến trường học giỏi và mơ ước trở thành nhạc sĩ để viết và hát bài ca về một đứa bé tật nguyền... Và bây giờ, Nay Đroeng đã trở thành sinh viên một trường cao đẳng tại Đà Nẵng...

Ngọc Như
.
.
.