Nữ sinh viên mất 2 chân vì tai nạn giao thông:

Nghị lực phi thường sau bất hạnh

Chủ Nhật, 18/10/2015, 08:41
Người mẹ gầy gò, khắc khổ cõng con gái lên bậc thang để tới giảng đường cho kịp giờ học khiến bao ánh mắt nhìn theo đều cay xè...

Nguyễn Thị Luyện, sinh viên năm thứ 2, Khoa Tâm lý học là nạn nhân của vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cách đây 4 năm khiến cô mất đi đôi chân. Tưởng chừng mọi ước mơ, tương lai, cuộc sống của cô gái 17 phải bỏ lại, nhưng Luyện đã khiến mọi người phải cảm phục khi em thi đỗ 2 trường đại học.

Chúng tôi đợi Luyện ở sân trường trong cái nắng hanh hao của một ngày thu tháng 10. Trước mắt tôi là cô gái có đôi mắt đen láy toát lên vẻ thông minh, chiếc mũi cao, mái tóc thướt tha ôm gọn khuôn mặt tròn. Nếu không nhìn thấy bước đi ngượng nghịu thì không ai tin nổi, một cô gái xinh xắn nhường này lại phải chịu sự bất hạnh đến tận cùng: mất cả 2 chân. Người mẹ gầy gò, khắc khổ, vẫn đội chiếc mũ bảo hiểm cõng con leo lên các bậc thang để vào lớp.

Hằng ngày, chị Quý cõng con đến lớp.

Chờ đến giờ Luyện tan lớp, chúng tôi theo chân hai mẹ con về ngôi nhà trọ nằm trong một ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, đối diện với trường học của Luyện. Chị Nghiêm Thị Quý (mẹ Luyện) giãi bày: “Căn phòng này thuê 2 triệu nhưng bà chủ chỉ lấy 1,8 triệu, còn 200 nghìn bà ấy làm từ thiện cho cháu”. Công việc đầu tiên khi về nhà của Luyện là tháo đôi chân giả. “Sao không để đi lại cho tiện?”- tôi hỏi.

Chị Quý thủng thẳng đáp: “Mồ hôi ra ngứa khó chịu lắm cô ạ. Chỉ khi nào đi học cháu mới mang vào thôi”. Đôi chân giả vừa được tháo ra, một cảnh tượng chua xót đập vào mắt làm tim chúng tôi như nghẹn lại. Bên chân trái của Luyện bị cưa cụt lên cao. Sau lớp váy, chỉ còn lộ ra một ít chân phải dài quá đầu gối. 20 tuổi, cái tuổi tràn căng sức sống, hằng ngày phải chứng kiến cơ thể của mình chịu sự tổn thương không gì lấp đầy, nỗi đau ấy luôn cứa vào tim Luyện mỗi ngày.

Luyện là một trong 2 nạn nhân của vụ TNGT xảy ra vào 17h ngày 1/8/2012 tại ngã tư Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh khi mới 17 tuổi, đang chuẩn bị bước vào lớp 12, Trường THPT Yên Phong 1. Sau khi bị xe tải va vào và cán nát hai chân, các bác sĩ đã phải cưa đôi chân để bảo toàn mạng sống cho cô. Nghĩ lại chuỗi ngày cơ cực cùng con vượt qua tử thần, chị Quý không sao quên được.

Chị kể, chồng chị bỏ đi biền biệt gần chục năm, mẹ con chị phải đi ở nhờ vì nhà không có. Chị vừa làm ruộng, vừa chạy chợ nuôi 2 con ăn học. Các con chị đều ngoan, học giỏi. Cuộc sống tưởng thế là tạm ổn. Nào ngờ, tai họa ập xuống. Người phụ nữ bước vào cơn bĩ cực của cuộc đời phải vay nặng lãi chữa trị cho con. Luyện phải trải qua 3 lần phẫu thuật, bác sĩ để lại bên chân phải 20cm để còn lắp chân giả dẫn tới bị viêm xương. Vết thương liên tục chảy mủ, nhiễm trùng vết khâu, đau nhức khủng khiếp. Nhưng thương nhất là con, hình hài xinh xắn là thế, con sẽ sống thế nào khi không còn đôi chân nữa. Cứ nghĩ đến đó, chị Quý lại chảy nước mắt.

“Nhiều lúc tôi muốn ngã quỵ cô ạ, nhưng tôi không cho phép mình ngã, bởi còn có ai thay thế được mẹ để cho con vịn vào suốt cuộc đời này”, chị Quý đau đớn chia sẻ.

Ngay từ giây phút nằm trên giường bệnh, cảm nhận mình không còn đôi chân, dù rất sốc nhưng Luyện đã không khóc lóc vật vã mà cô nghĩ, cách duy nhất để cứu lấy mình và thương mẹ là phải tiếp tục học. Để có được đôi chân như ngày hôm nay, Luyện đã phải trải qua cuộc vật lộn với bao đau đớn ám ảnh. Nhưng cô gái bé nhỏ này chưa bao giờ tuyệt vọng, cơ thể có tàn nhưng không thui chột ý chí. Khi quay lại trường, cô đã được vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh. Với nghị lực phi thường, Luyện thi đỗ vào 2 trường ĐH nhưng cô chọn Khoa Tâm lý học, ĐH KHXH&NV để phù hợp với hoàn cảnh của mình.

“Tôi đã xác định sẽ phải đi theo cháu suốt đời, nên khi cháu đỗ đại học, tôi lo lắng chồng chất, liệu mình theo con lên Hà Nội thì không đi làm được, lấy tiền đâu mà sinh sống? May quá, biết cháu bị tai nạn, bố cháu đã quay về ở nhà chăm sóc con gái út. Hai tháng nay ông ấy đi làm bảo vệ, mỗi tháng gửi cho cháu 1 triệu. Còn lại hai mẹ con sống bằng tiền học bổng của cháu. Vì tôi phải đưa đón cháu đi học suốt nên thỉnh thoảng mới có thời gian đi dọn dẹp nhà thuê, ai đặt bánh tẻ thì gói để kiếm thêm thu nhập”.

 

Không phụ công mẹ, Luyện đã nỗ lực rất nhiều trong học tập và giành được học bổng. Ở nhà trọ, cô thích nghi rất nhanh với cuộc sống của người không còn hai chân, tự mình làm những việc phục vụ cá nhân. Chỉ khi đi lại mẹ mới phải bế, cõng. Nghị lực và ý chí, sự chịu đựng của cô quả là phi thường.

Có những lúc, Luyện ao ước giá mình không phải mang đôi chân giả kia. Nhưng đó chỉ còn là trong mơ, bởi thực tại cô vẫn đang phải sống, phải đối mặt với khó khăn chất chồng phía trước. Luyện chia sẻ: “Cháu mất tới 81% sức khỏe nên chỉ mong ra trường tìm được công việc phù hợp để nuôi sống bản thân, cho mẹ cháu bớt khổ”. 

Để giúp cô gái đầy nghị lực vơi bớt khó khăn, Báo CAND kêu gọi bạn đọc, nhà hảo tâm hãy giúp đỡ cho ước mơ của cô trở thành hiện thực. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Báo CAND, 92 Nguyễn Du, Hà Nội.

Trần Hằng
.
.
.