Gặp lại người mẹ đạt giải Kovalevskaya và nỗi đau dài 30 năm

Thứ Sáu, 11/12/2015, 15:15
Là một người phụ nữ bình thường như bao người khác, nhưng bà Phạm Thị Đức Hòa lại không được may mắn khi được làm mẹ. Đó là nỗi đau khôn tả khi chứng kiến cảnh con mình “sống mà như chết”. Bà Hòa không khi nào có được một nụ cười trọn vẹn, dù là thoáng qua khi nghĩ về con. Hơn 30 năm qua là quãng thời gian đủ dài để thử thách lòng người mẹ “như nước trong nguồn chảy ra”.

Nghe tiếng gọi mẹ thật xa vời

Nhà bà Hòa ở tại một con hẻm nhỏ trên đường Lương Khánh Thiện (Hà Nội). Mặc dù không phải là người phụ nữ kinh doanh, hay quan chức gì nhưng bà lúc nào cũng bận rộn, không có thời gian để nghỉ ngơi. Mới nhìn qua đã thấy sự vất vả, khắc khổ trên khuôn mặt người phụ nữ chịu thương chịu khó. 

Thời gian trong ngày, đối với bà là quãng thời gian luôn ở bên người con Phương Thúy. Bà chỉ có chút thời gian rảnh lúc về đêm, nhưng lúc này, “nhà nhà, người người” đều đã quây quần bên gia đình, bà có ra ngoài hóng gió cũng cảm thấy cô đơn.

Để gặp được bà, chúng tôi phải hẹn trước từ sáng sớm. Và mãi gần 9 giờ đêm, chúng tôi mới được người mẹ bất hạnh chia sẻ nỗi niềm. Hằng ngày bà Hòa ngủ rất ít, bởi lúc nào cũng phải kè kè bên cô con gái tật nguyền. Mỗi sáng, bà phải dậy thật sớm để đi chợ lo bữa ăn sáng và chuẩn bị cơm nước cho gia đình. Đối với những gia đình bình thường khác, thì việc làm hằng ngày của người phụ nữ không có gì phải đáng bàn, nhưng ở đây, bà Hòa phải chăm sóc cho đứa con thiếu mắn đã ngoài 30 tuổi rồi nhưng vẫn không bằng một đứa trẻ vài tháng tuổi.

Người mẹ lúc nào cũng phải túc trực bên con gái.

Không những thế, người con thứ 2 của bà cũng bị mù bẩm sinh. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khiến người mẹ nào không khỏi đau lòng khi rơi vào trường hợp này. Nhưng nỗi đau lớn nhất là khi đứng từ xa nhìn cô con gái nằm bất động, ánh mắt lơ ngơ nhìn lên trần nhà không nói một câu. Đó là nỗi đau như bị dao cắt, người ta thường nói “không ai yêu con bằng mẹ” là vì thế, chỉ có mẹ mới hiểu và yêu con nhất trên đời.

Mỗi ngày, phần lớn thời gian bà Hòa dành để ở bên chăm sóc con gái, từ việc cho ăn, thay quần áo, đến việc giúp con vệ sinh cá nhân. Chỉ có mỗi việc ăn thôi cũng đã “ngốn” hết gần 3 tiếng đồng hồ. Đương nhiên, người mẹ phải bón từng thìa cơm, thìa cháo cho con. Nhưng không phải cứ bón là người con ăn ngay, mà còn chần chừ, cựa quậy, nên bữa cơm không khác gì cuộc “hội đàm” căng thẳng, tốn thời gian. Nhưng bà Hòa đã quá quen với cảnh này, bà kiên trì chờ đợi, chỉ mong sao con mình được ăn no, ngủ kỹ là yên vui lắm rồi.

Bà Hòa buồn lòng: “Con gái tôi đã nhiều tuổi lắm rồi, như người khác thì đã có một gia đình hạnh phúc, ấm cúng, đằng này con tôi lại phải chịu cảnh khổ sở này. Đã hơn 30 năm qua, tôi chỉ cầu mong sao con biết nói như người bình thường, nhưng điều này chỉ có trong cổ tích. Tôi thấy tiếng gọi “mẹ” sao mà xa vời với tôi quá. Đã hơn 30 năm nay, con gái tôi không nói gì, mà chỉ biết khóc khi bị đau, đến nụ cười tôi cũng ít khi thấy nở trên môi con. Thi thoảng tôi thấy con gái cười một mình là tôi lại thấy ấm lòng và đỡ tủi cực hơn”.

Không những phải lo những chuyện cá nhân trong ngày cho con gái, bà Hòa còn phải “chạy đôn, chạy đáo” khi con phát bệnh, đó là nhưng hôm bà “mất ăn mất ngủ” không yên lòng. Nhất là những lúc “trái gió trở trời”, bệnh tình của cô con gái 30 tuổi lại hay tái phát hơn, còn những căn bệnh lặt vặt thě đến “thăm” cô gái bất hạnh như cơm bữa. Do vậy, trong nhà bà Hòa có đủ loại thuốc cho con, căn nhà nhỏ trở thành một hiệu thuốc tây đặc biệt.

‘‘Trồng hoa chỉ để ngắm hoa”

Kể về cuộc đời mình, bà Hòa không giấu được xúc động. Ngày ấy, khi bà đang là một nữ sinh học cấp 3, do xinh đẹp và học giỏi nên có nhiều chàng trai để ý. Nhưng không hiểu sao, cũng là do duyên số, bà chỉ chấp nhận tình cảm của người thanh niên Nguyễn Thanh Sơn. Nhưng do khi ấy, đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh, nên tình cảm giữa hai người vẫn chỉ dừng ở mức yêu đương.

Mặc dù vậy, mối tình của họ vẫn được gắn kết qua những bức thư, lời nhắn. Sau mùa xuân năm 1975, anh Sơn trở về gặp người nữ sinh năm nào, và hai người tổ chức hôn lễ. Nhưng hạnh phúc chưa được lâu, thì người chồng phải trở lại quân ngũ. Nhưng không phải vì vậy mà tình cảm vợ chồng nhạt phai, mà ngược lại họ càng trân trọng và yêu thương nhau nhiều hơn.

Cuối năm 1975, hạnh phúc càng đong đầy hơn khi cô con gái Phương Thúy cất tiếng khóc chào đời. Nhưng niềm vui bỗng trở thành nỗi buồn, khi thời gian đã trôi qua ba năm rồi, mà Phương Thúy vẫn “đặt đâu nằm đó” khiến nỗi lòng cha mẹ tan nát, đau khổ. Đáng buồn hơn, cô bé Thúy lại không biết nói và có những biểu hiện như bị chứng bệnh thiểu năng trí tuệ.

Không chịu khuất phục trước số phận, vợ chồng bà Hòa đưa con đi chạy chữa khắp các bệnh viện, cũng như gặp nhiều thầy lang y nhưng không ai có thể điều trị bệnh được cho Thúy. Bệnh tình của Thúy không những không thuyên giảm mà còn nặng hơn, đôi tai bị điếc, còn chân tay thì bị tê liệt. Năm 1979, bà Hòa sinh được người con trai thứ hai tên Nguyễn Thanh Tùng. Nhưng nỗi đau lại tiếp tục dồn nén đôi vợ chồng vào “vực thẳm” cuộc đời, khi người con thứ hai này bị hỏng một mắt.

Khi Thúy lên 10 tuổi, gia đình bắt đầu đưa đi xét nghiệm thì đau lòng hơn khi hay tin con gái mình bị nhiễm chất độc da cam từ người bố. Mọi thứ dường như đang đổ sụp xuống gia đình bé nhỏ, mọi hy vọng coi như chấm dứt vĩnh viễn. Khi bệnh của con gái ngày càng trở nên trầm trọng hơn, bà Hòa nghỉ việc ở hợp tác xã may để ở nhà chăm sóc con, thi thoảng nhận quần áo may tại nhà. Gánh nặng kinh tế đổ dồn lên vai người chồng, nhưng biết làm sao được khi số phận đã bắt họ phải chịu cảnh đau thương này.

Do người chồng cũng chỉ có đồng lương ít ỏi từ việc làm công nhân xưởng cơ khí, nên cuộc sống của gia đình càng trở nên eo hẹp. Sau đó không lâu, xưởng cơ khí giải thể, người chồng phải tự đầu tư tiền mua máy ảnh đi chụp dạo kiếm kế mưu sinh qua ngày. Nói thêm về cuộc đời mình, bà Hòa thở dài: “Người ta trồng hoa có ngày được hái quả, riêng tôi thì trồng hoa chỉ để ngắm”. May mắn thay, trong sự túng quẫn, bất hạnh đó, một niềm vui được nhen lên từ cậu con trai. Mặc dù khi chào đời đã bị hỏng một mắt, rồi sau này bị mù cả hai mắt, nhưng những gì Tùng làm được phần nào an ủi đi nỗi buồn trong lòng của cha mẹ.

Tùng được cái khỏe mạnh và thông minh, nhất là rất sành và đam mê âm nhạc. Từ nhỏ, cậu bé tật nguyền đã được ông nội sáng chế cho một chiếc đàn bầu và tự học mà thành tài. Năm lên 6 tuổi, Tùng giành giải đặc biệt về âm nhạc tại Cung Văn hóa Thiếu nhi. Rồi sau này khi lớn lên, với sự kiên trì và tài năng của mình, Tùng được cử đi lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới, ở đâu người ta cũng mến mộ và nể phục anh. Mặc dù đạt được nhiều thành tích, nhưng khi nói về mình, Tùng cũng chỉ biết nói thầm cảm ơn bố mẹ đã hy sinh lớn lao cho cuộc đời mình để có được như ngày hôm nay.

Với tấm lòng bao la rộng lớn, sống một đời vất vả vì con, năm 2005, bà Phạm Thị Đức Hòa vinh dự được trao giải Kovalevskaya. Một giải thưởng mang tên nữ toán học gốc Nga, Kovalevskaya (1850 - 1891). Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh cho những tập thể, cá nhân là các nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu giúp ích cho đời. 

Tại Việt Nam, giải thưởng còn dành tặng những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội. Mặc dù được nhận giải thưởng cao quý này, nhưng bà Hòa vẫn hết sức khiêm tốn: “Tôi cũng như bất cứ người mẹ khác trên thế gian này, đều phải sống vì chồng vì con, nên việc tôi được nhận giải Kovalevskaya là một điều hết sức may mắn dành cho”.

Nguyễn Thiển
.
.
.